Theo dõi trên

Thương chồng, đi chợ Cẩm Xìn!

26/01/2019, 10:41

 BT- Với không ít người Phan Thiết, chẳng chợ nào cá tươi ngon hơn chợ Cẩm Xìn. Và, chẳng có chợ nào gắn bó ngư dân Phan Thiết như chợ Cầm Xìn.

                
Một góc chợ Cẩm Xìn.

 Lai lịch chợ

Chợ Cẩm Xìn hiện nay nằm trong một đoạn dài khoảng 150 m trên đường Ngư Ông. Đoạn từ nhà số 138 đến nhà số 126 ở góc ngã ba: Ngư Ông - Ngô Quyền, của chủ hiệu buôn Cẩm Xìn, một người Trung Hoa lập nghiệp ở Phan Thiết những năm đầu thế kỷ XX.

Tìm hiểu chợ Cẩm Xìn, trước hết cần hiểu đôi nét về đường Ngư Ông. Theo Võ Ngọc Văn, tác giả bài viết “Dinh xưa còn đó” và một số bức ảnh đi cùng bài viết đăng trên Bình Thuận cuối tuần số 21/ 12 /2018) cho thấy: Những năm 30 thế kỷ XX, trước Vạn Thủy Tú của Phan Thiết có một con đường nhỏ để ngư dân đi lại, ra biển. Còn theo Dương Thế Thuật, tác giả bài báo “Ngư Ông - con đường nghề nghiệp” cùng đăng trên Bình Thuận cuối tuần số nói trên thì với những tài liệu của gia đình còn lưu giữ cho hay: Đường Ngư Ông thời Pháp gọi là Bến Ngư Ông. Con đường này ngày trước trông thẳng ra bãi biển, nơi người dân  phơi cá khô các loại. Còn Địa phương chí tỉnh Bình Thuận xuất bản năm 1935 (bản dịch) cũng cho hay: Trên đường Ngư Ông vào những năm 30 thế kỷ XX có rất nhiều người đánh cá làm nhà sinh sống. Theo Trương Quốc Minh trong bài: “Những nét đổi thay của bộ mặt thị xã” trong tập 100 năm Phan Thiết, do thị xã Phan Thiết xuất bản năm 1998, cho biết: “Vì trước đầu thế kỷ 20, Phan Thiết từng có sự đánh giá của dư luận rộng rãi là: “chỗ đô hội đệ nhất”… Chỉ nói riêng về chợ, Phan Thiết lúc bấy giờ có 4 địa điểm với đông người nhóm họp. Có thể kể ngôi chợ gần đầu cầu Quan là chợ lớn nhất thường lui tới 500 người; chợ chiều ở Long Khê và chợ  Cô Hồn ở Đức Thắng; và một chợ nữa ở Đức Long tục danh là chợ Đội Thiều. Đó là chưa kể chợ “chồm  hổm” dễ gặp ở nhiều nơi khác”.  Những cứ liệu vừa dẫn trên, phù hợp với nhận xét của nhiều người già sống trên đường Ngư Ông hiện nay: khi họ lớn lên đã nghe tên chợ Cẩm Xìn ở vị trí hiện nay. Như vậy, ước đoán chợ Cẩm Xìn là dạng chợ “chồm hổm”, hình thành từ lâu trên con đường những người đánh cá ở; cũng như trước 1918, năm mà ông Cẩm Xìn xây căn nhà lầu số 126 tồn tại đến nay. Gần như 100% người bán cá là con em, vợ của những người đi biển gần bờ, bán sản phẩm làm ra của họ. Điều này là thực tế, bởi lao động biển (gọi là đi bạn) thời nào cũng vậy, đều được chủ thuyền chia cá. Lượng cá họ không dùng hết thường phơi khô để dành, hoặc sai con cháu bán lại.  Hình thức này tồn tại cho đến ngày nay, đơn cử là tại Mũi Điện (xã Tân Thành - Hàm Thuận Nam).

 Thương chồng, đi chợ Cẩm Xìn

Chợ Cẩm Xìn như trình bày trên, tồn tại qua nhiều năm. Chợ  họp từ 7 giờ sáng trở đi và tan khoảng 8  giờ 30 phút, có hôm đến 9 giờ. Chợ bán rặt cá biển các loại. Có những loại cá như: thu, bớp… ở các chợ khác trong Phan Thiết thường là cá ướp đá, sản phẩm của thuyền đánh bắt xa bờ sau cả tháng dài trên biển thì ở chợ Cẩm Xìn là cá của ngư dân câu nửa đêm trước nên tươi ròng, chắc thịt... Chính vì vậy,  không ít phụ nữ dù nhà gần chợ chính Phan Thiết, chợ phường Phú Trinh, chợ Gò… nhưng sáng sáng vẫn cởi xe máy đi chợ Cẩm Xìn. Chị Mai Thị Diễm ở số 361, Trần Quang Diệu (Phan Thiết) là trường hợp như vậy. Chị Diễm và chồng là anh Trường ở Quảng Ngãi vào Phan Thiết làm ăn. Trước đây bán hàng gần Cảng cá Cồn Chà, chị thường mua cá tươi, rồi gọi điện cho chồng bán hàng gần đó mang về nhà. Một năm nay, chị mua cá ở chợ Cẩm Xìn với lý do:  “Ở cảng, muốn mua được cá ngon cho chồng con ăn không dễ vì nó được bán với số lượng lớn. Mua một, hai con, một ký như mình, thôi thì tới chợ Cẩm Xìn cho dễ mua”. Nhà giáo về hưu Dương Thế Thuật, sống gần chợ cho hay: “Không chỉ có người sống trên đường Ngư ông, Ngô Quyền, rộng ra là phường Lạc Đạo… mới đi chợ Cẩm Xìn mà ở nhiều nơi”. Ngoài ra, chợ Cẩm Xìn còn có ưu điểm nữa là người bán gần như  không nói thách, thay vào đó là cách nói làm “mát dạ mát lòng” người nghe: “Chị (anh) ăn gì?”; “Ăn gì.. chị ơi..?”. Sau câu hỏi ấy thường là nụ cười tươi; là cái giá cá rất dễ mua…

 Khó mà mất

Nhiều năm nay phường Lạc Đạo không ít lần có ý định cho thôi tồn tại chợ Cẩm Xìn (hoặc cử người đẩy đuổi người họp chợ) với lý do đường Ngư Ông quá hẹp, khi chợ họp, gây ra ách tắc giao thông… Thế nhưng, chợ vẫn không vì thế thôi họp. Nguyên nhân, chính người đi chợ muốn có cá tươi ngon… đã chủ động tìm tới chợ Cẩm Xìn, không phải một buổi sáng mà nhiều buổi sáng. Người có cá cũng có nhu cầu bán nhanh, ấy thế là xốc tới họp chợ. Đây là sự gặp nhau của hai nhu cầu, xét ở góc độ văn hóa và xã hội học. Nó khác với một số chợ  thành lập do ý muốn chủ quan,  duy ý chí  của một số người nên dù tốn tiền của xây dựng, người dân vẫn không tới. Điển hình là chợ Đông Xuân An, Tiến Thành… của thành phố Phan Thiết hiện nay. Nay thì cái bỏ không, cái sử dụng vào việc khác. Đó là sự lãng phí không đáng có.

Nói gì thì nói, chợ Cẩm Xìn viết nên “lịch sử” của nó. Nhiều người Phan Thiết khi đi xa khó lòng mà quên chợ Cẩm Xìn. Đặc biệt, nó khó lòng phai mờ trong lòng các chị, những người muốn có bữa ăn ngon cho chồng, con… mà đi chợ Cẩm Xìn.

Hoàng Hạc



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương chồng, đi chợ Cẩm Xìn!