Theo dõi trên

Tín dụng chính sách: “Đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới

22/10/2019, 14:09

BT- Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội được tỉnh triển khai thực hiện đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa và nhất là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Giảm thất nghiệp, tăng thu nhập

Chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, doanh số cho vay đạt 1.948 tỷ đồng với gần 83,2 ngàn lượt hộ được vay vốn,  giúp cho các hộ có vốn để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, được cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đồng tình ủng hộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm góp phần hoàn thành tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở doanh số cho vay đạt trên 21,7 tỷ đồng với gần 2,5 ngàn lượt hộ được vay vốn. Chương trình đã hỗ trợ hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách về nhà ở (nhà ở hộ nghèo, nhà ở xã hội), vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ chính sách xây dựng hơn 1.900 căn nhà ở, giúp ổn định cuộc sống, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng DTTS và miền núi, vùng khó khăn, góp phần thực hiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Chương trình cho vay giải quyết việc làm, doanh số cho vay đạt 246,1 tỷ đồng với gần 15.000 lượt khách hàng được vay vốn; góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thúc đẩy thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn, doanh số cho vay đạt 785,4 tỷ đồng với trên 30.500 lượt hộ được vay vốn; góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, miền núi, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng sản xuất gắn với thị trường, làm thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của các xã vùng khó khăn. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), doanh số cho vay đạt gần 58 tỷ đồng với gần 3.000 lượt hộ được vay vốn; giúp hộ đồng bào DTTS nghèo có nguồn vốn tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề, xuất khẩu lao động, bảo vệ rừng và trồng rừng, từ đó tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2010 - 2019 đã thu hút, tạo việc làm cho 8.900 lao động, tăng thu nhập cho người vay vốn; góp phần thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, doanh số cho vay đạt 766 tỷ đồng, với hơn 32.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Đây là chương trình tín dụng đã hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn kinh phí trang trải chi phí về học tập cho con em đang theo học ở các cấp học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, học nghề, không để tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học, mang tính nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, góp phần thực hiện tiêu chí số 14.2 về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học, tiêu chí số 14.3 về tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo.  Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, doanh số cho vay đạt 1.085,5 tỷ đồng với gần 94.600 lượt hộ được vay vốn. Chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đã đầu tư xây dựng trên 170.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Chương trình tín dụng đã góp phần thực hiện tiêu chí số 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định, tiêu chí số 17.6 về tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, tiêu chí số 17.7 về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Giúp 29.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo

Ông Nguyễn Thanh Tuyền - Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Bình Thuận, cho biết:  Đến giữa tháng 10/2019, vốn tín dụng chính sách đạt 2.656,9 tỷ đồng, tăng 1.523,7 tỷ đồng  so với 31/12/2010, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,25%, với trên 124.000 khách hàng còn dư nợ. Đã có gần 222.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận (NHCSXH), với doanh số cho vay đạt 3.667,8 tỷ đồng. Giúp gần 29.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho gần 8.900 lao động, hơn 45.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Xây dựng trên 170.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và 1.900 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác... Vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 7/11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 8/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, trong giai đoạn 2010-2020 góp phần giúp 58/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các chương trình tín dụng đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có việc làm, có thu nhập, nâng cao dân trí, từ đó tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen. Nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm...Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc xây dựng nông thôn mới…

Vương Trần



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín dụng chính sách: “Đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới