Theo dõi trên

Trao “cần câu”, không trao “con cá”

28/12/2017, 09:28

BT- Tổ chức các hoạt động nhân đạo truyền thống, đẩy mạnh công tác giúp vốn, tạo việc làm thường xuyên cho các hộ nghèo, khó khăn và triển khai dự án “Chăn nuôi dê cái sinh sản” cho hội viên là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người khuyết tật cải thiện đời sống. Đây là việc làm hữu ích của Hội Chữ thập đỏ Bắc Bình.

Bắc Bình là huyện miền núi có 16 xã và 2 thị trấn; trong đó có 4 xã miền núi, 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm... Trong 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm thì xã Phan Thanh có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm khá cao, 135 hộ/548 khẩu. Hầu hết các hộ nghèo và cận nghèo sinh sống bằng nghề làm thuê sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ, hầm than và nhận chăn nuôi gia súc mướn nên thu nhập thấp không ổn định. Chính vì vậy, Hội Chữ thập đỏ huyện đã thống nhất chọn xã Phan Thanh để thực hiện dự án “Chăn nuôi dê cái sinh sản”. Theo đó, chu kỳ của dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019. Có 10 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi từ dự án, mỗi hộ được đầu tư 2 con dê cái giống có trọng lượng từ 18 - 20 kg/con đang trong thời gian chửa. Tổng kinh phí đầu tư của dự án là 59 triệu đồng, trong đó kinh phí mua 20 con dê cái giống 52 triệu đồng, kinh phí làm chuồng 5 triệu đồng, kinh phí tiêm phòng ngừa bệnh 2 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Tấn Trọng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bắc Bình, sau khi tiếp nhận 2 con dê cái giống để chăn nuôi, mỗi hộ phải cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng không được giết mổ hoặc bán lại cho người khác. Đến tháng 12/2019 có trách nhiệm hoàn trả cho chủ dự án đủ 2 con dê cái giống khác (dê cái tơ đang chửa hoặc động đực) có trọng lượng bằng hoặc hơn trọng lượng dê giống do dự án cấp. Hiện nay trong 20 con dê cái giống sinh sản đã cấp cho 10 hộ thì có 16 con đang chửa và 4 con trong thời gian động đực. Qua kiểm tra theo dõi trong năm thứ nhất (2017) đã có 12 con dê cái giống sinh 2 lứa được trên 50 con. Từ kinh nghiệm thực tế của những người chăn nuôi dê tại địa bàn, có thể ước tính hiệu quả kinh tế của dự án sau 3 năm tổng thu nhập của mỗi hộ thu từ tiền bán dê đạt trên 100 triệu đồng, bình quân thu nhập trong 1 năm trên 40 triệu đồng.

Mặc dù dự án “Chăn nuôi dê cái sinh sản” có quy mô nhỏ, số lượng hộ được hưởng lợi còn ít nhưng hiệu quả về mặt kinh tế cũng như xã hội tương đối cao, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang khó khăn trong thu nhập và đời sống. Đặc biệt, dự án đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân tộc. Trước đây phụ nữ chỉ có sinh con và lo việc nhà cửa, còn đàn ông phải lao động tìm kiếm nguồn thu cho gia đình. Từ khi có dự án thì hầu hết phụ nữ trong gia đình chính là lao động trực tiếp thực hiện việc chăn nuôi dê, góp phần tăng nguồn thu nhập cho gia đình.           

N.Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trao “cần câu”, không trao “con cá”