Theo dõi trên

Trấu nấu bia, tạo điện

20/10/2017, 09:14 - Lượt đọc: 84

BT- Nếu diện tích lúa có tăng cũng là điều thuận lợi khi xu hướng các nhà máy bia đang đua nhau lấy trấu nấu bia, rồi từ đó tạo nhiệt bán điện lên lưới quốc gia, vừa tiết giảm chi phí, vừa tăng lợi nhuận.

                
Có thể vỏ trấu trở thành hàng hiếm. Ảnh    minh họa

 Chỉ tính trong 2 năm gần đây đã thấy diện tích trồng lúa trong tỉnh chênh lệch rõ. Nếu năm 2016, diện tích lúa, màu sản xuất trong 3 vụ được 80.200 ha, thì năm nay đã tăng lên 93.350 ha. Riêng vụ đông xuân có sự tăng vọt diện tích từ 19.441 ha lên 31.563 ha, bởi lẽ đây là vụ dễ cho năng suất cao, người trồng có lời. Nếu nhìn ở góc độ từng nơi thì Bắc Bình là huyện có diện tích lúa tăng nhiều nhất tỉnh. Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, đơn vị dựa trên diện tích có sổ đỏ và diện tích tưới cụ thể thì số diện tích lúa tăng 2.000 ha/vụ. Còn theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bình, con số tăng gần 4.000 ha, do người dân trồng lúa ở một số vùng nước nhỉ… Tiếp sau Bắc Bình là vùng Đức Linh, Tánh Linh với số diện tích lúa có tăng qua các vụ sản xuất, riêng vụ mùa này diện tích tăng lên gần 1.000 ha với lý do nhiều vùng trong kế hoạch không sản xuất nhưng sau thấy điều kiện thời tiết thuận lợi nên người dân xuống giống.

Giá lúa không tăng mấy nhưng vì sao diện tích lúa vẫn tăng? Nhiều người phân tích nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do an ninh lương thực và nhấn mạnh nếu diện tích lúa có tăng cũng là điều thuận lợi khi xu hướng các nhà máy bia đang đua nhau lấy trấu nấu bia, rồi từ đó tạo nhiệt bán điện lên lưới quốc gia. Bằng chứng, những ngày qua có thông tin Heneken Việt Nam đã công bố có 4 trong 6 nhà máy đã sử dụng trấu để nấu bia và nhờ thế giảm phát thải vào môi trường 3.368 tấn CO2, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm 13,7% lượng năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm tương đương 2,7 tỷ đồng. Trước đó không lâu, Công ty CP Bia Sài Gòn - miền Tây (đơn vị thành viên của Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn) cũng công bố đã ứng dụng thành công việc sử dụng trấu làm nguyên liệu đốt lò hơi thay thế dầu FO. Nếu làm phép so sánh giữa 2 loại nguyên liệu thì củi trấu đã làm lợi cho công ty khoảng 15 tỷ đồng/năm. Nhờ vậy, đến nay, Bia Sài Gòn đã có 8 nhà máy cùng ứng dụng, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Theo phân tích của nhà máy, sử dụng trấu để đốt cho nồi hơi, sẽ tiết kiệm 90% chi phí nhiên liệu so với nồi hơi đốt dầu và 60% chi phí nhiên liệu so với nồi hơi đốt than đá. Mặt khác, trấu có thành phần chất xơ chiếm 75% nên dễ bén lửa, khi cháy không có khói, mùi tỏa ra rất dễ chịu và duy trì sự cháy lâu. Và củi trấu có thể làm chất đốt cho nhiều dạng lò đốt truyền thống và hiện đại nên nhiều nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị nồi hơi đốt bằng củi trấu để tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

Chưa bàn đến việc thân thiện đến môi trường, trong kinh doanh mà tiết kiệm chi phi sản xuất thì các doanh nghiệp đã hăm hở đón nhận, nhất là nguyên liệu ấy lại đang thừa, một số nơi phải đốt bỏ. Tại Bình Thuận, nơi có diện tích trồng lúa không nhỏ và phải nói rằng cây lúa Bình Thuận có “sức mạnh” rất rõ so với những nơi khác khi hàng năm phải so găng với cây thanh long, cây trồng xóa đói giảm nghèo. Và thực tế, cây lúa có những ưu thế riêng như ngoài hạt lúa, rơm rạ còn là mặt hàng có giá để nhà vườn thanh long mua tủ gốc cây… Và bây giờ, với sự xu hướng sử dụng trấu để nấu bia của nhiều công ty, trong tương lai không xa, trấu sẽ thành mặt hàng có giá, chứ không bỏ thừa mứa lâu nay.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trấu nấu bia, tạo điện