Theo dõi trên

Từ lão ngư… đến nghề nuôi chim yến

17/05/2017, 08:42

BT- Nhờ tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, ông Nguyễn Tấn Sơn (KP 6, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết) đã thành công với nghề khai thác hải sản và nuôi chim yến, giúp tăng thu nhập vừa tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

                
Ông Nguyễn Tấn Sơn.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo ở phường Đức Thắng nên ông Nguyễn Tấn Sơn sớm tiếp xúc với biển và được truyền dạy nhiều nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt hải sản.

Năm 1987, ông Sơn mạnh dạn hùn vốn cùng với 4 anh em lao động biển đóng mới 1 thuyền máy công suất 15CV trị giá 25 triệu đồng làm nghề giã cào đơn. Với ý chí vượt khó, cần cù làm ăn, tiết kiệm trong tiêu dùng, ông đóng được thuyền riêng và nâng dần công suất đánh bắt từ 45CV lên 110CV và bây giờ là 2 tàu hành nghề kéo lưới, công suất mỗi tàu 450CV.

“Nâng công suất của tàu thì trang thiết bị phụ trợ để đi biển cũng phải thay đổi tương xứng mới mong khai thác hiệu quả được. Vì thế mỗi tàu tôi đều trang bị máy liên lạc tầm xa, máy định vị, thu lưới, hầm bảo quản sản phẩm, thiết bị bảo hiểm cho lao động, đặc biệt là máy tầm ngư hiện đại để phát hiện đàn cá. Tôi là người đầu tiên ở địa phương sử dụng tời trích lực để thu hồi lưới, nhờ dụng cụ này nên số lao động trên tàu giảm, tăng số mẻ khai thác, giảm nặng nhọc và thêm thu nhập cho người lao động”, ông Sơn chia sẻ.        

Giữa lúc nghề biển đang phát, ông giao lại cho con trai quản lý 2 chiếc tàu, còn mình tiếp tục thử thách với nghề mới - nghề nuôi chim yến. “Thời điểm năm 2000, khi nghề nuôi chim yến ở Bình Thuận chưa thịnh như hiện nay thì việc bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để đầu tư nhà nuôi loài chim này khiến nhiều người cho rằng tôi viễn vông và quá liều. Thực ra ban đầu tôi cũng do dự giữa chọn cây thanh long hay nuôi chim yến, khi cây thanh long đang phát triển và trở thành cây thế mạnh của xứ biển này. Nhưng tình cờ xem một chương trình nhà nông trên truyền hình và có dịp vào TP. Hồ Chí Minh tham quan các mô hình nuôi chim yến, thành ra tôi ghiền loài chim này luôn”, ông Sơn vui vẻ nói. 

Dường như chẳng thể có “con sóng” nào xô ngã được người nông dân sinh năm 1964 này. Bằng chứng là sau 7 năm gắn bó với loài chim yến, nhờ nắm vững kỹ thuật xây dựng nhà yến, chọn và đặt âm thanh dẫn dụ yến, hệ thống thông hơi trong nhà yến đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm… với diện tích nuôi 240 m2, hàng năm ông thu hoạch 60 kg yến, lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. 2 năm nay ông Sơn còn tới Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Tân để chia sẻ kinh nghiệm và tích cực hỗ trợ kỹ thuật nuôi chim yến cho 4 hộ nuôi mới và sắp tới là 2 hộ ở Phan Rí Thành (Bắc Bình), Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk).

“Nuôi chim yến bây giờ đã trở thành một nghề mang lại thu nhập khá cho nhiều người. Vì thế cần có một câu lạc bộ để nông dân chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất về giá cả, xây dựng thương hiệu”, đây là điều mà ông Nguyễn Tấn Sơn mong muốn.

    
Hội   Nông dân TP. Phan Thiết cho biết, ông Nguyễn Tấn Sơn là một trong những   gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của thành phố nhiều năm liền,   trong đó năm 2007 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đây cũng   là nông dân rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở địa   phương.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ lão ngư… đến nghề nuôi chim yến