Theo dõi trên

Tuy Phong: “Ẩn họa” chìm ghe trong lễ hội Nghinh Ông

06/05/2017, 10:16

BTO- Hàng năm vào dịp rằm tháng 4, Âm lịch trên đảo Hòn Cau diễn ra lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội thể hiện nét văn hóa đặc trưng, lâu đời của ngư dân nơi đây. Tuy nhiên, một bất cập không thể xem thường đó là công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khi ngư dân ra vào đảo tham dự lễ hội.

                              
   
      Lễ hội nghinh ông trên đảo Hòn Cau
   
      Bãi biển Hòn Cau ngày thường vắng ghe, tàu nhưng dịp rằm tháng 4    luôn tấp nập ghe thuyền và ngư dân

Cách đâytròn 1 tháng, hẳn mọi người chưa thể quên hình ảnh chìm ghe xảy ra tại biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) khiến hai nữ sinhTHPT tử vong, 14 người bị thương. Khoảng 10h sáng 6/4, chiếc ghe BL 93322 do tài công Doãn Thanh Nam, sinh năm 1982, thường trú ở ấp 2, thị trấn Gành Hào, điều khiển chở nhiều người đang trên đường tiến ra biển, để tham gia lễ hội Nghinh Ông, thì bất ngờ gặp sóng lớn lật úp.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do tàu chở quá tải, người trên tàu đông gây chông chênh dẫn đến ghe chìm. Hình ảnh từ các video clip ghi lại cho thấy sự hỗn loạn cả lúc tàu chưa chìm và khi chìm cho thấy,việc xem thường an toàn giao thông đường thủy và hậu quả xảy ra là tất yếu.

Tại Bình Thuận, cứ mỗi dịp rầm tháng 4 Âm lịch hằng năm, trên cù Lao Cau (còn gọi là Hòn Cau, huyện Tuy Phong) cũng có một lễ hội Nghinh Ông thu hút hàng ngàn ngư dân địa phương và du khách tham gia. Dịp này, ngư dân và tàu cá của các địa phương như Phước Thể, Liên Hương, Vĩnh Hảo hầu hết nghỉ đi biển cùng nhau tề tựu về Hòn Cau để tham gia lễ hội. Đây là lễ hội truyền thống lâu đời của người dân miền biển, cầu mong biển thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, ngư dân được che chở và gặp nhiều may mắn trong lúc đánh bắt trên biển. Theo đó, từ sáng cho đến xuyên đêm ngày rằm tháng 4,lễ hội diễn ra với các nghi thức truyền thống và ngư dân mở hội, ăn uống ca hát trên ghe và trên bờ của đảo.

Người dân và du khách tham dự buổi lễ thường xuất phát từ bờ trên những chiếc ghe để ra đảo, trong khoảng 30 phút cho quảng đường biển khoảng 9km. Điều đáng nói là tình trạng mất an toàn giao thông và nguy cơ chìm ghe do chở quá tải luôn hiện hữu. Mặc dù có lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, lực lượng kiểm ngư, Bộ đội biên phòng túc trực kiểm tra, tuy nhiên việc chấp hành của chủ ghe và ngư dân còn hạn chế, nhất là khi từ đảo vào đất liền.  

Là người từng tham dự lễ hội Nghinh Ông, chúng tôi đã chứng kiến sự mất an toàn giao thông đường thủy. Theo đó, các ghe ra vào đảo, đặc biệt là vào buổi chiều tối, thời điểm một số ghe trở lại đất liền thì người dân luôn chen nhau tranh thủ lênghe để vào bờ. Không cần biết số lượng, hay nguy cơ mất an toàn, sau khi di chuyển từ thuyền thúng ra, họ đều được cho lên ghe. Một phần vì do chủ ghe và người dân đều quen biết nên cả nể cho đi. Chiếc ghe sau khi chấtgần cả trăm người di chuyển vào bờ khi mép sóng chỉ cách thành ghe vài centimét.Ngư dân có vẻ bình thường do xem thường, nhưng du khách thì không khỏi khiếp vía, nhưng đã lỡ theo...lao.

Việc nguy cơ xảy ra chìm ghe trong dịp lễ hội Nghinh Ông trên Hòn Cau là điều cần phải được cảnh báo cho ngư dân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác kiểm soát, nhắc các chủ ghe chấp hành an toàn giao thông đường thủy, để tránh hậu quả đáng tiếc.

Trần Huỳnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong: “Ẩn họa” chìm ghe trong lễ hội Nghinh Ông