Theo dõi trên

Tuy Phong mùa nảy lộc

15/05/2017, 08:32

BT - Tôi bỗng thấy mình như đang ở trạng thái của người đi dự hội nghị, vỗ tay đồng ý với anh. Đúng là cần tạo ra “cuộc chiến” cho nước sạch để biến vùng đất khô cằn này nảy lộc sớm. 

         

Vụ hè thu sớm 2 tháng

Về Tuy Phong thời điểm này, chuyện sản xuất, cây trồng được nhắc đến nhiều, có lẽ từ sự việc đang bức bối là cây trồng ở vùng gần Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân bị chết hàng loạt nhưng chưa có kết luận chính thức chăng. Người dân ở đây bảo đó chỉ là một phần, điều đặc biệt khác là từ giải phóng đến giờ, Tuy Phong mới gieo trồng vụ hè thu bắt đầu từ tháng 4, thời gian mà vùng này nắng đã lói trên da, gió đã thổi lệch tàn cây… và các hồ chứa đã dọa hết nước. Chính quyền cứ nhìn mực nước trong hồ, rồi ngóng trời xanh cao lồng lộng mong mưa để quyết định xuống giống mà không phải tổn thất vô ích. Cứ lần lữa như thế nên thường hầu hết phải đến tháng 6, lúc mà trời bắt đầu rớt mưa đầu mùa, nơi này mới xuống giống hè thu. Thế mà năm nay, đầu tháng 4, chính xác là ngày 1/4, Tuy Phong đã bắt đầu xuống giống và đến ngày 27/4, toàn huyện đã gieo xong 2.700 ha lúa cùng hơn 300 ha các cây trồng ngắn ngày khác. Lúc này, nước hồ Sông Lòng Sông được hơn 24 triệu khối, nước hồ Phan Dũng hơn 13 triệu khối và hồ Đá Bạc cũng đang đầy nước, xấp xỉ 4 triệu khối.

Đứng bên này nhìn bờ đập hồ Đá Bạc cao ngất, dù không thấy gì nhưng có thể cảm nhận không gian xung quanh đang mát ra, dù ở giữa trưa. Tiếng nước chảy róc rách vui nhộn của 2 tuyến kênh chuyển nước, một về vùng tưới Cây Xoài trải dài từ dưới chân đập về giáp quốc lộ 1A, một theo hướng xã Vĩnh Tân như làm dịu bớt ánh nắng lói da ở đây. Dẫn chúng tôi đi xem nước, anh Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận chi nhánh Tuy Phong cứ đầu trần, bình thản đi dưới nắng, cười nói như không. Tôi chợt nhớ, cũng thời điểm này cách đây 2 - 3 năm gì đó, lúc ấy vùng Đá Bạc bỏ sản xuất, đất lòng hồ nứt nẻ, anh cũng không đội mũ che nắng nhìn trời trong vắt trên cao mà buồn. Nhưng hôm nay, vẫn cái dáng chắc đậm nhưng nhanh nhẹn ấy, vẫn đứng tại nơi này, gương mặt anh lộ nét hớn hở. Anh trong đoàn nói nhỏ với tôi: “Anh ấy vừa trúng thanh long, được mùa, được giá. Thanh long Tuy Phong có sẵn nắng tốt lại không thiếu nước nên rất ngọt”. Anh Tấn nghe lọt được câu sau, như bắt được mạch dư nước, anh nói với âm hưởng của sự thở phào. “Nhờ có nước nên chủ động sản xuất, chứ không hồi hộp lắm. Mấy năm qua, trời ít mưa, có năm đến tháng 6, trời vẫn chưa mưa, huyện không thể cho dân sản xuất, chủ trương chẳng thà bỏ vụ hơn là bị thiệt hại. Nhưng năm nay dư nước, một phần nhờ tích trữ nước tốt tại các hồ, phần khác còn do năm trước bỏ sản xuất vụ mùa. “Vậy sản xuất sớm, những 2 tháng so với thông thường, lúa có bị sâu bệnh không?” - tôi lo ngại. Anh Tấn lắc đầu, gương mặt không đỏ, dù dang nắng nãy giờ, có nét gì đó tự tin: “Trời nắng to, lại có nước, không sâu bệnh đâu! Có khi lại trúng lớn ấy chứ!”. 

“Cuộc chiến” của nước sạch

Sự thất thường trong sản xuất ở Tuy Phong: Bỏ vụ vì thiếu nước, gieo trễ vì chờ mưa kéo các mùa vụ kế tiếp cũng trễ theo hay ngược lại năm nay lại sản xuất sớm khiến năng suất lúa Tuy Phong trong 3 - 4 năm qua cũng thất thường theo. Dù thời gian này, cả 3 hồ trong vùng đã được hình thành nhưng vì mưa không đều trời, giữa các hồ lại chưa có sự tiếp nước liên thông nên Vĩnh Hảo, vùng tưới của hồ Đá Bạc trở thành rốn hạn với số vụ sản xuất bị bỏ rất nhiều, tính ra đến 6 - 7 vụ. Chỉ đến năm 2015, khi tuyến kênh tiếp nước từ hồ Sông Lòng Sông về hồ Đá Bạc hoàn thành, nước hồ Phan Dũng cũng đã đổ về hồ Lòng Sông, vùng Vĩnh Hảo mới có niềm vui được sản xuất. Còn chuyện bỏ sản xuất vụ mùa toàn huyện vừa rồi không phải vì thiếu nước mà là vì trời mưa kéo dài nhiều ngày khiến người dân không thể xuống giống, thành ra bị trễ vụ. Nhờ vậy, các hồ chứa tích nước đầy cho vụ hè thu này. Không biết vì nhờ có nước cải tạo môi trường hay không, mà núi đồi quanh đây vào thời điểm này đã nhuốm màu sắc. Những cây rừng đặc thù của vùng núi đá, vào mùa khô rụng sạch lá, trơ cành khẳng khiu tưởng chừng một mồi lửa có thể cháy rụi lại trở mình xanh lá đầy cành, có cây trổ hoa tím, vàng đủ kiểu vào tháng 4 này. Nhìn toàn cảnh cứ ngỡ nơi đây vừa đi qua mùa mưa, nhưng thật sự Tuy Phong chỉ vừa trải qua một cơn mưa bất ngờ vào một đêm nào đó không ai nghĩ trời sẽ đổ mưa. Và chính trong hoàn cảnh ấy khiến người dân xã Vĩnh Tân bùi ngùi khi tuyến kênh tưới xã Vĩnh Tân mới đào được 2/7km, khi vừa qua nơi đây cây trồng bị chết hàng loạt mà theo họ nhận định là vì nước… bẩn. Đất sản xuất nơi đây đang khát nước mát lành…

Đi trên tuyến kênh mới đào 2 km đã mở nước chảy thử dịp lễ 30/4, anh Tấn mô phỏng 7 km chiều dài của tuyến kênh có điểm đầu tại chân đập Đá Bạc, điểm cuối tại chân bãi xỉ của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân. Anh nói mà như báo cáo tình hình tại hội nghị, vì thực sự vấn đề cũng bức thiết thật. “Hiện tại tuyến kênh chưa thể thi công tiếp, vì vướng đất rừng và thiếu vốn. Phải sang năm 2018 mới có vốn để hoàn thành. Những nơi khác, người dân mong nước cho sản xuất, cho phát triển kinh tế. Còn ở vùng Vĩnh Tân này, người dân mong nước còn vì ước mơ nước mát lành thẩm thấu vào đất để đẩy lùi nước bẩn đang hoành hành ở đây”. Tôi bỗng thấy mình như đang ở trạng thái của người đi dự hội nghị, vỗ tay đồng ý với anh. Đúng là cần tạo ra “cuộc chiến” cho nước sạch để biến vùng đất khô cằn này nảy lộc sớm.          

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tuy Phong mùa nảy lộc