Theo dõi trên

Ứng phó khẩn cấp với chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm

18/05/2017, 09:13

BT- Hiện nay, vi rút cúm A/H7N9 chủ yếu được phát hiện tại Trung Quốc (trên cả gia cầm và người) và nguy cơ xâm nhập vào trong nước qua gia cầm nhập lậu rất cao. Vi rút chưa gây bệnh lâm sàng trên gia cầm (GC), phương pháp duy nhất là lấy mẫu để xét nghiệm xác định gia cầm mang trùng. Các chợ buôn bán GC sống, các cơ sở giết mổ GC và điểm thu gom, tập kết GC được xác định là nơi lưu trữ và phát tán vi rút; GC, sản phẩm GC vẫn an toàn cho người nếu được giết mổ và chế biến đúng cách…

                
   Mua bán gia cầm tại chợ Phú Thủy - TP.    Phan Thiết.

Kế hoạch ứng phó

Tại Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam vừa ban hành quyết định về kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với chủng vi rút cúm GC nguy hiểm (cúm A/H7N9) có khả năng lây sang người trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó, ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác xâm nhập vào tỉnh.

Về phương pháp tiếp cận, có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y với các ngành khác như y tế, quản lý thị trường, công an và chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp toàn diện, hiệu quả. Các biện pháp cụ thể này về cơ bản tương tự như các biện pháp áp dụng với ổ dịch cúm gia cầm H5N1 hiện nay và được xây dựng dựa trên các tình huống. Cụ thể, tình huống 1 là chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên GC, môi trường và trên người.Tình huống 2, chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh. Tình huống 3, phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh và tình huống 4: Phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh. Qua đó, có những giải pháp cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng ngành, đơn vị liên quan ở từng lĩnh vực. Về giải pháp tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) của tỉnh là đầu mối chung, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với cúm A/H7N9 trên GC; thường xuyên báo cáo cập nhật thông tin về cúm A/H7N9 cho UBND tỉnh và đề xuất các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch trong trường hợp cần thiết. Thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm GC của UBND tỉnh. Riêng các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, phê duyệt Kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống nêu trên; kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo trong việc triển khai các hoạt động cụ thể trong mỗi tình huống; huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng chống dịch. 

Giải pháp

Trong số các giải pháp ứng phó với cúm gia cầm nguy hiểm, Bình Thuận nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát việc nhập GC vào tỉnh; nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển GC, sản phẩm GC không rõ nguồn gốc, nhập lậu nhằm ngăn chặn vi rút xâm nhập; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, triển khai tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1 và các loại vắc xin bắt buộc khác cho đàn GC nuôi.Tập trung triển khai lấy mẫu giám sát trên GC được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết GC và cơ sở giết mổ GC nhằm cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra dịch cúm GC trên địa bàn tỉnh.

Riêng đối với chợ có bán và giết mổ GC, phân tách riêng khu vực bán GC sống và giết mổ gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực bán và giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng GC, sản phẩm GC. Đối với cơ sở giết mổ, điểm giết mổ GC, cần sử dụng bảo hộ lao động theo khuyến cáo của ngành y tế khi tiếp xúc và giết mổ GC; không giết mổ GC không rõ nguồn gốc; vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ sau mỗi ca làm việc; vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển... Mặt khác, tăng cường năng lực ngành thú y nhằm ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra. Trong trường hợp phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên người, thực hiện các biện pháp bổ sung theo khuyến cáo của ngành y tế.

Để chủ động đối phó với dịch cúm GC, giải pháp truyền thông đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các thông điệp, chương trình truyền thông phù hợp, đảm bảo giảm thiểu nguy cơ và an toàn dịch bệnh cho cộng đồng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đặc biệt nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân về sự nguy hiểm của vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác có khả năng lây sang người.

    
      Theo WHO, dịch cúm A (H7N9) ở người có tiền sử tiếp xúc với GC sống, sử   dụng thịt GC và các sản phẩm GC, đi đến khu vực chợ GC sống. Hầu hết GC   nhiễm vi rút đều không có biểu hiện bệnh nhưng có khả năng lây bệnh cho   người. Người có thể mắc bệnh thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch   tiết của GC trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, ăn thịt và các sản phẩm   GC không được nấu chín hoặc tiếp xúc với môi trường bị nhiễm vi rút cúm   A (H7N9). Hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc lây truyền từ người   sang người. Bệnh diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao khoảng 40%.

 K.HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ứng phó khẩn cấp với chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm