Vắc xin phòng dại ở Phú Quý
Vắc xin
phòng dại ở Phú Quý:
Cung ứng lại nhưng số lượng hạn chế
BT- Số lượng vắc-xin tiêm
phòng bệnh dại cho người thiếu hụt trong thời gian dài tại Phú Quý, gây nhiều
phiền toái cho người bị vật nuôi cắn, vì vừa mất thời gian, vừa mất chi phí di
chuyển vào đất liền để tiêm vắc xin…
 |
Vắc xin dại (ảnh minh họa). |
Tính đến tháng 3/2018, Phú
Quý có 59 người tiêm phòng bệnh dại. Từ tháng 4/2018 đến nay, trung tâm thiếu
vắc xin phòng bệnh dại. Khi người dân bị chó mèo cắn, bác sĩ hướng dẫn xử lý vết
thương, khuyên vào Phan Thiết để tiêm phòng và theo dõi vật nuôi trong vòng 10
ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc điều kiện kinh tế từng gia đình có người đi tiêm và
có người không đi tiêm, bởi chi phí đi vào Phan Thiết khá tốn kém. Đó là thông
tin từ Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý (huyện Phú Quý).
Chẳng hạn, một người dân bị
chó cắn trong tình hình thiếu vắc xin dại tại huyện đảo, phải đi chuyển vào Phan
Thiết để tiêm đủ 5 mũi, trị giá gần 1 triệu đồng; trong khi đó chi phí tiền tàu,
xe, ăn ở đi lại khoảng 2,5 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người
tiêm phòng, bởi không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện vào đất liền.
Theo bác sĩ Võ Xuân Tỷ (Phó
giám đốc Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý), số lượng vắc-xin tiêm phòng bệnh
dại cho người thiếu hụt trong thời gian dài. Nếu chọn giải pháp tiêm dưới da để
tiết kiệm thuốc vẫn đảm bảo tác dụng phòng ngừa. Với Phú Quý, số người tiêm
phòng dại không nhiều, không đủ số người cùng tiêm (nhưng không thể không có vắc
xin), không thể tiêm tiết kiệm, lượng thuốc còn lại cũng phải bỏ đi. Lọ vắc xin
một khi đã mở thì phải sử dụng trong ngày. Nếu không cũng phải hủy vì không còn
đảm bảo chất lượng.
Tại Phú Quý nhiều người còn
tư tưởng chủ quan với bệnh dại, không chủ động tiêm phòng chó, mèo... và tình
trạng thả rông chó, mèo vẫn diễn ra khá phổ biến. Do đó, nguy cơ người dân bị
vật nuôi cắn và mắc bệnh dại vẫn rất cao. Hơn thế nữa, trong thời gian thiếu vắc
xin dại, trung tâm khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh không để bị
chó, mèo cắn; hạn chế để trẻ em đến gần hoặc đùa giỡn với chó, mèo; chủ động
chích ngừa dại cho vật nuôi trong gia đình; không nên thả rông chó.
Bác sĩ Hoàng Văn Hùng -
Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Tình
hình thiếu vắc xin dại không riêng gì Bình Thuận mà xảy ra trên cả nước, trung
tâm không thể chia sẻ số lượng vắc xin dại về cho các huyện, mà phải để tại
trung tâm để phục vục cho toàn người dân trong tỉnh; với phương án giảm dung
lượng tiêm. Mới đây, trung tâm vừa được cung ứng thêm vắc xin dại và ưu tiên
nhượng lại cho các trung tâm y tế tuyến huyện ở vùng sâu vùng xa, trong đó có
Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý là 20 liều.
Trang Minh