Theo dõi trên

Văn hóa “gửi” ở bệnh viện công

11/09/2018, 09:30

BT- 1. Chị M. đến ngày chuyển dạ, vợ chồng dắt díu nhau đến bệnh viện Đ. chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Là con đầu lòng nên tâm lý chị khá bất an và lo sợ. Đang cơn chuyển dạ, thấy điều dưỡng, nữ hộ sinh đi ngang, chị lại nôn nóng hỏi dò: “Em đau quá, khi nào mới sinh vậy chị?”. Không thèm nhìn chị M., các nữ điều dưỡng nơi đây trả lời nhát gừng: “Chờ đi, hỏi hoài”, như thể ai đó vừa làm các chị không vui. Nhìn sang bà bầu giường bên cạnh cũng chuẩn bị lâm bồn, đau đớn, la hét ầm trời, thì lại được các chị nhỏ giọng, động viên. Trong quá trình vượt cạn, chị M. nghe nhiều lời lẽ rất khó nghe, cau có, bực bội từ những điều dưỡng mà lẽ ra trong giai đoạn khó khăn ấy, những bà bầu cần an ủi, động viên biết dường nào. Sau khi sinh xong, chị M. lại nằm cùng phòng với chị bầu lúc nảy. Mấy ngày nằm chung, chị M. mới biết chị L. đã được người nhà “gửi gắm” bác sĩ khoa sản trước khi sinh nên mới được ưu ái và không bị “tỏ thái độ”!

2.  Anh T. nhập viện cấp cứu vì đau ruột thừa. Cả nhà cứ quýnh lên vì không biết “gửi” ai. Người thì bảo để gọi bác sĩ trực tiếp mổ, người thì bảo gọi trưởng khoa cấp cứu, thậm chí người thân còn đòi gọi giám đốc bệnh viện “gửi” cho an tâm. Chị vợ ngạc nhiên: “Chẳng phải cấp cứu thì bác sĩ phải lo sao, gửi làm gì. Nhiều gia đình không quen biết thì gửi bằng cách nào?”. Nhưng rồi, việc quen “gửi” mỗi khi có người nhập viện được xem như là thủ tục bắt buộc của nhiều gia đình, như trường hợp anh T. Họ gửi để được bác sĩ quan tâm hơn, thăm khám thường xuyên hơn và dễ hỏi thăm bệnh tình hơn. Vậy chẳng lẽ những trường hợp không được “gửi” lại bị bác sĩ bỏ bê, ít thăm khám hoặc lơ là bệnh nhân? Có thể sự quá tải ở bệnh viện công đã khiến nhiều bác sĩ làm việc không xuể, nên nhiều người tìm mọi cách “gửi”, quen xa quen gần cũng “gửi”, bệnh nặng hay nhẹ cũng “gửi”, chỉ để động viên rằng mình được khám chữa bệnh đúng quy trình, nhanh, gọn.

3. Những năm gần đây, người dân có xu hướng khám chữa bệnh ở những bệnh viện tư nhân. Mặc dù chi phí cao hơn bệnh viện công nhưng ngược lại họ hưởng dịch vụ tốt, trang thiết bị máy móc hiện đại, và hơn hết họ được khám bệnh chứ không phải “bị” khám bệnh. Đến các bệnh viện tư, người nhà không cần gửi gắm, các sản phụ nói riêng và bệnh nhân nói chung sẽ được tận tình chăm sóc, thăm khám với cử chỉ nhẹ nhàng. Người bệnh sẽ cảm thấy tinh thần thoải mái, không phải lo, sợ sệt và “lấy lòng” những người có nhiệm vụ khám bệnh cho mình. Đó chính là sự khác biệt, làm văn hóa “gửi” ở các bệnh viện công trở nên phổ biến và vô tình nảy sinh sự phân biệt đối xử giữa những bệnh nhân với nhau. Và những mâu thuẫn, xung đột, bức xúc từ người nhà cũng nảy sinh từ đây. Do đó, khi nào văn hóa “gửi” chấm dứt, thì bệnh viện công đã có những cải tiến đáng kể về dịch vụ. Tuy nhiên, đó là cả quá trình dài khi bệnh viện công còn nhiều điều phải lo!

Song Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Văn hóa “gửi” ở bệnh viện công