Theo dõi trên

Về vùng lũ quét

10/10/2017, 09:13

BT- Đầu tháng đang đi công tác ở Đức Linh, nhận tin báo lũ tràn về bất ngờ ở thôn 7 (Tà Pứa), xã Mê Pu làm trôi 6 cây cầu, tôi điện anh cho anh Nguyễn Hùng Tân bên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN), anh cho biết vừa đi kiểm tra trên đó về đêm qua, hiện đang làm văn bản báo cáo cho tỉnh…

Theo chỉ đường của anh Tân, chúng tôi đi ngay lên Mê Pu. Bắt đầu con đường lên đèo Tà Pứa quả đúng như câu nói đùa cách đây 20 năm “đường miền núi là đường đang đi bỗng thấy mình ngồi trên đùi người khác”. Con đường ngoằn ngoèo không nói, mà đau khổ nhất khi gặp những ổ voi, ổ trâu, nước đọng bùn đỏ ngầu, xe phải lắc bên này, lách bên kia mới qua được. Trời nắng chang chang, cái nắng như muốn thiêu đốt da thịt vào ban trưa, gửi xe ở ngay nhà ven đường chúng tôi đi bộ vào thôn 7. Bẻ một cành cây dại ven đường che nắng, đi tầm hơn 500m vẫn chưa tới nơi, hỏi một người dân chạy chiếc xe máy đi rừng, anh nói còn đi khoảng 1km nữa mới tới, anh kêu tôi lên anh chở vào. Ngồi sau xe anh mà run vì đường thì đá lởm chởm, nhiều chỗ lún sâu chỉ sợ mình bị văng xuống đường lúc nào không hay. Đến cầu treo anh nói cứ ngồi yên anh chở qua, nhưng thật sự tôi bước xuống đi qua cho an toàn, vì một người đi mà chiếc cầu ván cũ kỹ đã rung lắc bần bật. Qua bên kia cầu tim còn đập mạnh. Đi thêm một đoạn rất khó đi nữa mới đến chỗ cây cầu ở suối Đại Tằm. Ngay lúc đó chứng kiến các em nhỏ với người dân làm tạm cái lồng sắt và ròng rọc qua suối thấy thật nguy hiểm, nhưng không qua thì không thể làm ăn đi lại, chưa kể các em học sinh đi học còn khó khăn hơn. Chị Kim Hạnh - nhà bên kia cầu, cho chúng tôi biết: “Nay nước rút rồi có thể qua suối nhưng vẫn không dám đi, vì không lường con nước được. Phải qua lại bằng ròng rọc nhưng vẫn run lắm!”. Hỏi thêm anh Hòa là công an thôn, anh nói: “Mấy cầu gỗ tạm này do dân đóng góp vì cần đi lại, nhưng giờ lũ quét mất chắc dân không góp nữa đâu, góp nhiều quá trong khi mùa màng bị thất thu”. ông Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch UBND xã Mê Pu, cho chúng tôi biết thêm: Thôn 7 có 59 hộ với 211 khẩu, trận lũ quét vừa rồi theo thống kê ban đầu cuốn trôi 6 cây cầu tạm, 14 ha cây tiêu, điều, cà phê của bà con…Nhìn cây cầu gỗ bị hất văng vào mép suối, dòng nước vẫn đục ngầu có đoạn chảy rất xiết, chiếc ròng rọc tự chế, tự dưng thấy thương bà con vùng hẻo lánh này. Làm nông đã khó, giờ gặp thiên tai không biết họ sẽ chống đỡ ra sao…

Chiều về lại huyện ngồi với anh Tú và anh Bùi Mười- Phó Chủ tịch UBND huyện, các anh đều nói huyện rất quan tâm đến bà con trên đó. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng sớm có kế hoạch, bản thiết kế để làm cầu cho bà con. Cũng lúc đó nhận tin  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam vừa có công văn hỏa tốc, chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành liên quan, UBND huyện Đức Linh khẩn trương kiểm tra, xử lý sự cố, khắc phục thiệt hại 6 cây cầu gỗ bị lũ cuốn trôi để phục vụ đi lại an toàn tạm thời cho người dân. Giao UBND huyện Đức Linh phối hợp Công ty Điện lực Bình Thuận khẩn trương khắc phục 2 trụ điện bị lũ cuốn trôi, đảm bảo an toàn về điện trong khu vực; tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, cảnh báo cho người dân không được chủ quan trước tình hình thời tiết tiếp tục mưa lũ bất thường trong những ngày tới và có phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng, nhất là học sinh trong thôn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để có thông báo kịp thời diễn biến lũ trên địa bàn tỉnh để chính quyền, người dân chủ động phương án phòng tránh, qua đó giảm tối đa thiệt hại cho nhân dân. Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng lại 6 cầu giao thông bị lũ cuốn trôi ngày 2/10/2017 tại đây. Về phía huyện đã thống nhất làm mới hoàn toàn 6 cây cầu bằng thép liên hợp (thay 6 cầu đã bị trôi). Về quy mô, có 3 cầu rộng 1,5m; dài 12m và 3 cầu rộng 1,5m; dài 18m. Mố bằng rọ đá hộc, mũ mố bằng bê tông xi măng M200, dầm dọc cầu bằng thép hình chữ I, dầm ngang và giằng bằng thép tròn F18, mặt cầu bằng thép tấm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng 6 cầu tạm là 225 triệu đồng đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt ngay hôm 5/10… Phải nói những chỉ đạo rất kịp thời của lãnh đạo tỉnh và huyện khiến bà con thấy thật an lòng…

Thôn 7, Mê Pu còn rất nhiều khó khăn, như lời gửi gắm của các hộ dân khi thấy đoàn chúng tôi đến thăm: “Chỉ mong Nhà nước làm mấy cây cầu cho dân nhờ, cả cầu treo vào đây hiện cũng xuống cấp lắm rồi!”. Con đường trở ra em công an thôn chở tôi đi xém lọt xuống xe, vậy mà em còn cười: “Tụi em đi riết quen rồi chị ạ!”. Thương!

Ghi chép củaHà Thu ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về vùng lũ quét