Theo dõi trên

Vì Cà Ty trong xanh

18/08/2017, 10:19

BT- Con thuyền kéo theo chiếc thúng, chạy rất chậm trên dòng Cà Ty. Những người đàn ông mặc áo phao, tay trần rám nắng, lặng lẽ vớt  rác dưới sông bỏ lên mấy tấm bạt đặt ở giữa thuyền. Bạt đầy rác, họ lại san rác vào thúng rồi đưa lên bờ, ở một chỗ nhất định. Công việc kéo dài nhiều giờ cho đến lúc nước sông rút nhanh…

Chuyện của người vớt rác

Dù hai xóm nhà chồ ven sông đoạn phường Bình Hưng, Đức Thắng đã giải tỏa, nhưng những xóm nhà chồ ở phường Đức Nghĩa và Phú Trinh vẫn còn đó.     Những cư dân ven sông từ lâu có thói quen thải hết xuống sông những gì không còn xài được nữa, kể cả những vật dụng gia đình bị hư hỏng vào loại “khủng” như giường, nệm các loại. Nhưng nhiều nhất vẫn là hộp xốp, bịch ni lông... Cái thứ rẻ tiền, tiện dụng với nhiều người ấy hóa ra lại là nỗi khổ tâm của những người vớt rác do chúng nhẹ tênh, một cơn gió nhẹ cũng dập dềnh trôi ra khỏi tầm vợt và lại phải “rượt đuổi”, vớt cho bằng được… Anh Nguyễn Dữ, công nhân làm nhiệm vụ vớt rác trên sông của công ty cổ phầnmôi trường và dịch vụ đô thị Bình Thuận, kể: “Biển động, ghe thuyền nằm bờ, rác thải xuống sông càng nhiều vì không ai muốn giữ rác trên thuyền của mình, cô ơi”. Cũng anh Nguyễn Dữ kể thêm sau đó: “Hết ngày, khi các xe chở cá đi hết rồi thì người buôn bán cá cũng dọn dẹp mọi thứ. Khi đó, cách tốt nhất đối với họ là đưa những gì không sử dụng được vào ngày hôm sau, đồ ố tạp… xuống sông để nhờ nước đưa ra biển”.  

Rác còn do thiên nhiên “mang” tới. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về cuộn theo trong lòng bao nhiêu là gỗ mục, chằng chịt lục bình…  Hàng trăm thứ quyện lại với nhau, theo sông ra biển… Thế nhưng không phải lúc nào biển cũng đón nhận hết. Gặp lúc thủy triều lên, đối nghịch với nước nguồn đổ về, rác tấp vào hai bên bờ sông, nổi lềnh bềnh, tạo thành lớp màng rác đủ loại, gây cảm giác khó chịu, bức bối với những người vốn quen thấy dòng sông nước xanh trong veo. Và, khi nước sông rút đi, những gì nặng nhất của  rác sẽ ở lại, đọng trên mảng bùn.  Khi ấy, công nhân hết vớt giữa sông lại xắn quần cào trên cạn. Lúc ghe thuyền không đi đánh cá, dòng sông đầy thuyền neo đậu, thì tổ lại phải sử dụng thúng chai đi lấy rác… “Vậy mà tụi tui có dám nói năng gì đâu, bởi công việc của mình là vớt rác trên sông, một phần có nói cũng huề vì nhiều người ở xóm nhà chồ ít chịu thay đổi thói quen”, anh Dữ nói, giọng pha chút buồn phiền. 

3 anh em trên… chiếc thuyền

Một ngày đầu tháng 8, sau vài lần tìm hiểu, tôi quyết định đi cùng những công nhân vớt rác tới hai xóm chồ, nơi mà theo các anh kể: thói quen vứt rác xuống sông vẫn triền miên xảy ra. Ngồi trên thuyền, tôi hỏi chuyện người lớn tuổi nhất trong tổ, anh Nguyễn Nuôi. Anh kể: “Tôi sinh năm 1971, vốn là con nhà biển, chị à. 18 tuổi theo ông già bước xuống thuyền Xí nghiệp Quốc doanh đánh cá Bình Thuận. Khi đơn vị này giải thể, cha con tui về vay mượn  bà con, sắm chiếc thuyền nhỏ, đánh ven lộng kiếm cá qua ngày”. Được một thời gian thì mẹ anh, bà Trương Thị Can (nay 72 tuổi), công nhân của công ty, quét rác chợ Phan Thiết, trước khi nghỉ việc do tuổi cao, đã muốn anh đi làm công nhân vì theo bà nghề biển luôn bấp bênh. Anh làm theo ý mẹ, rồi được phân về tổ vớt rác. Sau đó, phụ trách tổ, trở thành thuyền trưởng sau khi học lớp lái tàu. 15 năm gắn bó với chiếc thuyền 22 mã lực, Nguyễn Nuôi gần như thuộc lòng đoạn sông từ cuối bờ kè Phạm Văn Đồng đến Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Bình Thuận, nơi hàng ngày anh làm việc. Có một chút bất ngờ là 2 thành viên còn lại của tổ là em ruột của anh Nuôi: Nguyễn Dữ, sinh năm 1973, trước là công nhân bộ phận thoát nước chuyển sang tổ vớt rác và Nguyễn Tâm, sinh năm 1980. Cả 3 anh em đều giỏi bơi lội. “Công việc vất vả, nắng nôi suốt ngày. Những ngày mưa, cứ phải đội mưa gom rác, nhưng nói thiệt với chị, so với trước đây thì đã may mắn lắm rồi. Tôi phải cảm ơn mẹ tôi hướng tôi đi làm công nhân, Nguyễn Nuôi nói và nheo nheo đôi mắt.

Câu chuyện của anh Nuôi sau đó trở nên chậm đi, chậm như con thuyền đang chạy và có điều gì đó không khỏi ray rứt buồn buồn, trong cách kể của người tổ trưởng. Hồi đó là những ngày cha mẹ anh vất vả tìm kế sinh nhai để nuôi một bầy con. “Voi nhiều nhưng ít cỏ”. Thế là, sau một buổi học ở trường, Nguyễn Nuôi phải đi bán bánh ít, bánh bò, phụ ba mẹ nuôi em. Học hành vì vậy không được nhiều. Sau khi rời trường học là làm quen với nghề đi biển của cha. Các em của anh, cũng vì cái nghèo, cái khổ đeo bám nên học hành cũng ít. Tất cả đều phải kiếm sống bằng đôi tay, thay vì trí óc. Trong lúc người anh kể chuyện, hai người em lặng lẽ ra trước mũi thuyền quan  sát mặt sông, nhìn vào hai bên bờ. Công việc vớt rác này theo như anh Nguyễn Nuôi nói diễn ra 6 ngày trong tuần, mỗi ngày 2 bận, sáng chiều, chỉ nghỉ được chủ nhật nhưng lễ tết thì không nghỉ vì đó là lúc khách du lịch đổ về, rác theo đó cũng tăng lên. Công việc vớt rác luôn tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm, độc hại từ đủ loại rác, kể cả đối mặt với phơi nhiễm HIV/AIDS hay uốn ván, nhiễm trùng khi lẫn cùng với rác là đinh, mảnh chai vỡ, bơm kim tiêm… Mỗi tuần, buổi tối tuy không phải làm việc nhưng 3 anh em phải thay phiên nhau ngủ giữ xuồng, giữ máy. Cực nhất là những ngày mưa bão. Nước nguồn dồn dập, cuồn cuộn đổ về, các anh không dám xuống xuồng vì sợ nước cuốn trôi nhưng vẫn phải đứng trên bờ dùng vợt vớt. Đây là công đoạn khá tốn sức vì khoảng cách từ lan can kè xuống nước khá xa, nước chảy xiết trong khi rác rất nặng vì ướt… “Nếu như dọn vệ sinh trên bờ cực nhọc chỉ một phần, thì vớt, cào rác dưới sông tốn sức gấp đôi, ba bởi rác lềnh bềnh, trôi nổi theo từng con nước lớn, ròng chứ không hề đứng yên một chỗ”, Nguyễn Nuôi giải thích. 

Một lần ghé thăm

Không hiểu sao câu chuyện của người vớt rác trên sông cứ ám ảnh tôi, nhất là những đêm mưa? Tôi hình dung, mỗi lần mưa xuống nước trên nguồn đổ về đục ngầu, con thuyền của  những người vớt rác càng trở nên nặng đi. Tôi cũng hình dung, đêm nào cũng vậy, chiếc thuyền bé nhỏ của 3 người đó đậu ở một góc sông, dây neo căng cứng vì nước chảy xiết và trong ca bin thuyền, luôn có đôi mắt lo âu nhìn ra, lo sợ thuyền đứt neo, cũng như lo nghĩ đến sự khó khăn của ngày hôm sau khi mà nước trên nguồn tiếp tục đổ về. Ôi, những người vớt rác trên sông, công việc của các anh thầm lặng biết bao, nhưng là một sự thầm lặng đáng trân trọng và ghi nhận! Bởi vậy, khi nghe bà Mai Thị Đẹp, ở KP4 phường Bình Hưng, người quen biết với anh Nguyễn Nuôi, nói: “Gần đến ngày tựu trường rồi, không biết Nuôi có phải lo cho con đi học không mà hôm qua tới giờ chỉ thấy hai thằng em vớt rác”, thì tôi quyết định đi thăm mấy anh em họ. Tôi muốn giúp họ điều gì đó trong chuyện học hành của con cái họ, bởi vài người quen của tôi đang làm trong ngành giáo dục… Hỏi mãi, mới tìm ra được nơi Nguyễn Nuôi trọ. Một căn nhà nhỏ, chỉ đủ cho hai vợ chồng và đứa bé 6 tuổi ra vô, và dĩ nhiên trẻ sẽ thiếu khoảng sân chơi cần có. Nguyễn Nuôi chậm rãi: “Lương và các khoản phụ cấp cộng lại hơn 4 triệu đồng/tháng, nên cô ấy cũng phải đi làm, chị ạ. Mà chị biết rồi đó, việc phụ quán ăn như vợ tui thì chẳng mấy đồng vì quán người ta phải chi trả rất nhiều thứ”.

Trong lúc nói chuyện, tôi bất giác để ý thấy có một tấm nilon phía trên  đầu mình, và Nguyễn Nuôi giải thích: “Nhà dột  nhưng không  phải nhà của mình nên  rất khó  sửa”. Nhà hẹp nhưng khá ngăn nắp, sạch sẽ. Điều đó cho biết, người phụ nữ Nuôi chọn làm vợ là người đảm đang. “Cô ấy phụ quán từ trưa đến 22 giờ  mới về, chị ạ. Tối nào cũng chỉ có hai cha con. Được cái, thằng nhỏ biết mẹ vất vả nên không  “mè nheo”. Tôi lại hỏi  Nguyễn Nuôi về hai người em. Nuôi nói: “Thằng Dữ long đong về tình duyên hơn tui. Vợ nó hồi đó đẹp lắm chị à. Chỉ tội nó ham giàu bỏ thằng Dữ. Dữ theo tui đi vớt rác nuôi con đã tới lớp 12”. Thằng Tâm chưa lấy vợ, chắc nó thấy hai anh của nó khổ!? Gia đình tui cứ giục hoài. Mới đây, tui nói với nó: “Tâm đừng tìm đâu xa. Cố gắng tìm một người như chị Ba (Nuôi là con thứ Ba) thì cái nghèo cái khổ cũng không đáng lo. Ông trời có phụ người chịu thương chịu khó đâu mà! Cố gắng làm lụng, tích lũy cũng có ngày khá lên em à”. Tôi nghe Nguyễn Nuôi nói chuyện, càng hiểu rằng ba anh em họ rất thương yêu nhau, vì vậy mà có thể làm việc chung với nhau trên một con thuyền bao nhiêu năm qua. 

Vì dòng sông trong xanh

Hôm  nay tôi lại đi men bờ sông Cà Ty. Sông Cà Ty chảy giữa lòngphan Thiết, hôm nay tuy nước có  đôi phần đục nhưng rất ít rác. Nhìn lên phía thượng nguồn, thấy chiếc thuyền của ba anh em đang chầm chậm chạy ngược sông. Lúc này, tôi nhớ đến Nuôi,  nhờ câu nói của Nuôi khi tôi rời nhà ra về: “Chị  viết làm sao để bà con đừng xả rác xuống sông nữa được không? Lúc đó, công nhân tụi tui không còn vất vả, cực nhọc nữa, nhưng quan trọng nhất là dòng sông thơ mộng của thành phố mình sẽ sạch sẽ, trong xanh”. Vâng, tôi sẽ cố gắng hết mức khi kể lại chuyện của ba anh em với bạn đọc, Nuôi à!

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì Cà Ty trong xanh