Theo dõi trên

Vị đắng quả ngọt

21/07/2017, 09:07 - Lượt đọc: 504

Những khu vườn

BT- Sau màu xanh của tràm bông vàng là một thứ màu xanh sậm hơn, đều hơn, đặc biệt bên trên cái màu xanh sậm ấy là cái màu trăng trắng, lấp lóa nắng. Thỉnh thoảng, một bầy vài chục con chim nhào xuống rồi lại cất mình lên, lượn lờ như tìm cái gì đó. Buổi trưa yên lặng quá nên tiếng chim kêu trong không gian đập vào tai rõ mồn một. Dường như có mùi hương trong gió, tràn vào cửa xe? Hương tràm chăng? Không phải! Hương tràm thoang thoảng kia chứ? Mùi hương này nồng nàn hơn. Có thể vì mùi hương mà bầy chim kia cứ nhào lượn tìm kiếm gì đó trong khoảng xanh sậm ấy? Đúng lúc tôi mặc sức suy đoán, Huỳnh Minh Triết, một nông dân trẻ ngoài ba mươi lăm tuổi vừa đi nhờ xe tôi vài phút trước đó, lên tiếng: “Từ cái ngã tư mình quẹo lúc nãy là bắt đầu những vườn nhãn anh à. Nhãn chín nên chim về nhiều lắm. Ban ngày là chim, đêm xuống là dơi.  Ai rành bắt dơi làm tiết canh, mùa này về đây, tha hồ!”. Tôi nói lại: “Dơi  là loại động vật ăn côn trùng. Có dơi thì lợi chứ bạn”. Nhưng nhãn vừa chín tới, nó kéo từng đàn, anh ơi. Một vườn nhãn rộng 1 ha, dơi đêm nào cũng ăn, chừng một tuần chẳng còn mong gì để bán...  Vừa nói tới đó, Triết ra hiệu cho xe dừng. Triết mời tôi vào nhà chơi. Anh đang có 4 ha nhãn sắp  thu hoạch. Sáng nay, Triết đi xe máy ra ngoài xã Thắng Hải nhờ người mua lưới bọc nhãn, trên đường về thì xe hư.

                
Mỗi vườn nhãn ở Suối Bang đều được “giăng    màn” bằng lưới cước.

Trên lối vào nhà Triết, tôi đi qua những cây nhãn trái vừa đầu ngón tay út. Triết nói đó là nhãn xuồng cơm vàng, đang được giá hiện nay. Nhãn tiêu da bò, vườn của Triết cũng trồng nhưng ở sâu bên trong. “Làm ăn ở đây lâu chưa Triết?”, tôi hỏi vì nhớ ra toàn bộ thôn Suối Bang, trong đó có cái vườn nhãn của người nông dân này đây trước kia là vùng dự án của công ty: Đông Âu và Việt Đài.  Hai công ty này xin phép UBND tỉnh Thuận Hải thời đó lập  dự án trồng cây ăn trái trên đất rừng, nhưng rồi vì nhiều lý do họ không thực hiện được. Ngược lại, người miền Tây, cụ thể là dân Cà Mau, bằng cách nào đó biết được vùng rừng có suối Bang chạy qua là nơi đất tốt, đổ xô lên lập nghiệp. Triết đáp: “Trên 10 năm rồi anh ơi. Em có mặt vào cái thuở ở đây chưa có đường đi. Dân tự mở đường theo vết mở của Đông Âu và Việt Đài”. “Bây giờ chắc khá rồi?”. “Tàm tạm thôi. Có lúc tưởng khá, phận số lại không cho khá. Lúc nhãn được giá, cả thôn thi nhau trồng. Đâu đâu cũng có vườn nhãn. Nhãn trồng dài tới chân núi Bể. Khi đó, ai cũng tưởng mình sẽ thành tỷ phú. Đùng cái, thương gia Trung Quốc ép giá và không mua số lượng nhiều nữa”. Triết dừng một lúc, tiếp: “Họ không mua mà mình trồng nhiều thì phải bán tháo bán đổ, kể cả sấy nhãn khô để bán từ từ. Chừng 2 mùa liền như vậy là có người tiêu tùng vì bao nhiêu vốn liếng trước đó bỏ hết vô cây nhãn. Nhãn trồng ra bán giá thấp, nhưng mọi chi tiêu cho một gia đình thì chẳng bao giờ thấp. Hồi đó, em có 8 ha nhãn. Sau 2 mùa  chịu đựng, đến năm thứ 3, em chặt hết 4 ha, chuyển sang trồng cao su”. 

Đến lúc này, tôi thật sự bị câu chuyện của Triết lôi đi. Lôi đi vì sự thăng trầm trong câu chuyện  người kể, cũng như muốn biết số phận cây cao su trên vùng đất Suối Bang như thế nào, bởi một thời gian, đâu đó là năm 2006, xã Thắng Hải, khi đó mới thành lập được một năm từng đề cao cây cao su tiểu điền. Triết nhìn sang tôi, giọng chậm rãi: “Người ta nói cây cao su là cây nhà giàu. Đầu tư đến năm thứ 5 trở đi, bắt đầu thu mủ. Còn lại chút vốn liếng, em bỏ vô cao su. Đến lúc mình chuẩn bị thu hoạch, cao su lại xuống giá. Kêu trời, trời chẳng thấu! Lúc đó, nếu kêu công cạo mủ sẽ bị lỗ vì ngày công ở đây từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày. Em phải học cạo, nửa đêm đội đèn cạo tới sáng. Cạo được một tuần, người ốm nhom, mặt dài như  lưỡi cày, mắt trũng sâu như hai cái hố.  Vợ em, nó ôm em khóc, nói: “Đừng bỏ em với mấy đứa con”. Em thương vợ, mà không thương sao được bởi vừa cưới nhau, người ta đã bỏ quê, bỏ cha mẹ theo mình lên đây”.  Sau khi bàn kỹ với vợ, Huỳnh Minh Triết biết rằng nếu cứ ôm cây cao su thì chẳng đủ tiền để dưỡng cây và cũng  chẳng sản xuất gì thêm được. Một lần nữa, Triết chặt cao su. “Cái máy cưa đưa tới đâu, em như điện giựt, chết tới đó. Mấy đứa con thấy mắt cha đỏ hoe, cũng khóc. Bây giờ nhớ lại thấy người Suối Bang bọn em sao mà  khổ quá trời”. Triết thở dài. Biết Triết buồn khi nhớ lại chuyện cũ, tôi gợi ý Triết dẫn tôi xem vườn, cũng như nói sẽ giới thiệu Triết với mấy người bạn chuyên làm hoa trái xuất khẩu. Biết đâu sẽ có cơ hội nào đó với người nông dân trẻ này. Còn Triết, dường như thông tin ấy  rất quan trọng, bởi cây trái của vùng quê này vẫn bất an về đầu ra. Chính vì đầu ra không ổn định, nay cao mai thấp mà nhiều người chặt cây, bán vườn.

                
Huỳnh Minh Triết bên vườn nhãn xuồng cơm    vàng.

Niềm vui làm Triết nhanh chân. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ở giữa vườn nhãn xum xuê trái. Trên mỗi cây nhãn lủng lỉu đều có một màn bao bằng lưới cước, trông như một chiếc màn ngủ. “Vườn nhãn nào, muốn giữ được trái đều trùm màn như vậy để chống dơi. Không lo sợ người hái trộm, chỉ sợ dơi. Em có ông bạn sợ tốn tiền không mua lưới, nửa đêm thức giấc ra xem vườn, thấy có những cây nhãn đen sệt, tưởng ai đó hái hết trái, nhưng lúc cầm đèn lại gần thì tá hỏa vì lũ dơi bay lên loạn xạ. Sáng hôm sau, hắn kiểm lại, mặt nhăn như khỉ đột vì cây nhãn nào cũng mất bộn trái”. “Mỗi tấm lưới cước giá khoảng bao nhiêu?, tôi hỏi và tự hiểu vì sao có cái màu trắng lấp lóa trên lùm cây nhãn khi trông từ xa, trên đường tới Suối Bang. “Tùy theo tấm nhưng 1 kg lưới cước, loại lưới 7 là 70.000 đồng. Nhà nào chưa có tiền mặt thì mua chịu, chịu lãi, sau khi bán nhãn trả lãi lẫn gốc”. “Trăm thứ lo với người trồng nhãn”, tôi nói như một sự chia sẻ. Triết gật đầu, lặng thinh. Chúng tôi hái vài trái nhãn xuồng cơm vàng ăn thử, quả thật khó lòng tả hết vị ngọt, hương thơm của trái; cũng như nó giải thích vì sao không khí thơm nồng mùi nhãn chín tới. Cái mùi nồng nàn, có phần quyến rũ, không làm lũ chim trời đeo bám mới là ngộ và càng làm người trồng nhãn nối dài thêm nỗi vất vả, nỗi lo. Nó làm giấc ngủ của người trồng nhãn đứt quãng, lắm cơn mơ về đêm. Có lẽ thế nên khi tôi đưa máy lên chụp bức ảnh Huỳnh Minh Triết đứng bên một cây nhãn xuồng, gương mặt người nông dân trẻ vẫn phảng phất ưu tư. Triết nói: “Hiện nay, bọn em đang lo giá nhãn sắp tới đây. Nửa tháng trước, nhãn xuồng cơm vàng bán được 55 ngàn đồng/kg, nhưng hôm vừa rồi chỉ còn 35 ngàn đồng/kg. Tôi nói, tôi có nhiều bè bạn, muốn biết nhiều hơn về vùng quê Suối Bang và mùa nhãn ở đây, để may ra giúp được người nông dân. Triết nói, có hai người giúp tôi điều đó. Đó là anh Luyến thôn trưởng, nhà ở cuối đường cái, nơi có 2 chiếc máy cày màu đỏ đang đậu. Người thứ hai là anh Trần Xuân An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải. Cả hai anh đều rất nhiệt tình với khách.

Với Chủ tịch Hội Nông dân

Chiều ấy, Trần Xuân An cũng vừa đi Suối Bang về. Anh đi Suối Bang là do mấy hôm nay nhãn chín tới và anh cần nắm thông tin để báo cáo với xã, cũng như chủ động hỗ trợ người trồng nhãn khi cần thiết. Người đàn ông tuổi ngoài 55, da dẻ sạm vì nắng gió, bắt đầu câu chuyện chậm rãi, thân tình. Quê anh ở Cửa Việt, Quảng Trị. Anh vào xã Tân Thắng (nay chia tách thành Thắng Hải) năm 1984. 17 năm liền, Trần Xuân An gắn bó với Hội Nông dân xã, nên gần như anh thuộc lòng chuyện ở Suối Bang. Anh kể: Trước khi 2 Công ty Đông Âu, Việt Đài xin thành lập dự án, Suối Bang từng là rừng nguyên sinh. Rừng Suối Bang lan ra tới con đường thiên lý Bắc- Nam, chạy men theo biển ngày trước. Đất rừng nhưng rất bằng phẳng, thích hợp cho các loại cây trồng. Vì vậy, trong thời gian từ 2000 - 2005, Suối Bang có gần 1.000 ha nhãn. Năm 2007, do cung vượt cầu, nhãn xuống giá, sau đó thêm bệnh chổi rồng trên cây, nhiều người phải cầm cố vườn nhãn, chặt nhãn, trồng mì, trồng tràm bông vàng, trồng cao su tiểu điền… Năm 2008, cây nhãn từng bước phục hồi ở Thắng Hải khi ngành nông nghiệp cùng với những nông dân già dặn tìm ra cách khắc phục bệnh chổi rồng. Nhưng cũng trong giai đoạn này, nông dân Suối Bang chuyển mạnh sang trồng nhãn  xuồng cơm vàng vì nhãn tiêu da bò giá vẫn chưa nhích lên. Đến nay, Thắng Hải có khoảng 200 ha nhãn và Suối Bang chiếm hơn một nửa diện tích. Nhãn cùng cây tràm bông vàng, từng bước giúp nông dân Suối Bang ổn định kinh tế, và chuyện bỏ Suối Bang ra đi đã không còn trong tâm trí của một số người, bởi chỉ riêng giá trị đất vườn thôi, nhiều người đã có bạc tỷ.

Cái khó của Suối Bang hôm nay vẫn là xa chợ và một đôi chỗ còn thiếu nước, chứ trường học cho các cháu đã có. “Có hy vọng gì về một vùng cây trái nổi tiếng về chất lượng và ổn định về đầu ra trong tương lai?”, tôi hỏi. Trần Xuân An lặng đi một lúc, nói: “Tôi thấy có đó vì Suối Bang rất gần Cụm công nghiệp Thắng Hải. Chỉ cần trong cụm này có một nhà máy chế biến hoa quả, sản xuất được nước nhãn, cồi nhãn khô, rượu nhãn… thì đầu ra của nhãn trái sẽ có phần ổn định. Thứ hai, nhãn xuồng cơm vàng của Thắng Hải nói chung hiện nay nổi tiếng về thơm ngon, hơn cả nhãn Bà Rịa - Vũng Tàu, nhãn Long Khánh…, nếu có người thu mua, đưa vào siêu thị, cung cấp cho các cơ sở du lịch ở Bình Thuận thì không có lý nào, nhãn Thắng Hải  không tiêu thụ được. Thời buổi kinh tế thị trường, nông dân mình sau những lao đao sẽ biết cách vượt lên. Tôi tin tương lai sẽ có người làm việc đó”.

Lúc kết thúc câu chuyện, Trần Xuân An, kể thêm: Tuy còn nhiều gian nan, nhưng  thôn Suối Bang đã hình thành một vùng cây trái. Điều đó là niềm tự hào của Bình Thuận, nếu xét về mặt sản xuất cây ăn trái dạng tập trung. Đó là vùng nguyên liệu cho  nhà máy chế biến trái cây trong tương lai. Tôi chưa có dịp ở lại Suối Bang về đêm, nhưng  hình ảnh  những khu vườn nhãn được bọc trong những chiếc lưới như chiếc màn thì cứ theo suốt trên đường về…

Bút ký: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vị đắng quả ngọt