Theo dõi trên

Vỉa hè đường Bà Triệu (Phan Thiết) bị tái chiếm bán sò ốc, vì sao?

08/06/2017, 15:46

 BTO- Thỏa thuận lấy lại vỉa hè cho người đi bộ trên đường Bà Triệu giữa Ban chỉ đạo (BCĐ) phường Phú Trinh và các hộ dân đã đạt được sau nhiều ngày tốn bao công sức và giấy mực. Tuy nhiên, nó đã bị phá vỡ, vì sao?

                                     
   
Các hộ dân trong buổi đối    thoại
   
   
      Giấy chứng nhận kinh doanh của một trong số hộ được cấp    ngày 4/4/2017 sau cuộc đối thoại (19/3)

Nhớ lại những ngày đầu chuẩn bị cho cuộc chiến giành lại vỉa hè đường Bà Triệu,  phường Phú Trinh  ra quyết định thành lập BCĐ xây dựng mô hình tự quản “Tuyến đường đảm bảo ANTT và vệ sinh môi trường”. Sau quyết định diễn ra cuộc đối thoại (19/3) trực tiếp với hơn 60 hộ dân, trong đó có gần 20 hộ trực tiếp bán hải sản lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường (đoạn khu phố 8). Trong quá trình đối thoại, nhiều hộ tỏ ra không chấp hành việc di dời đến địa điểm mới (một bãi đất rộng ở khu phố 10), vì sợ ảnh hưởng miếng cơm manh áo. Dù vậy, họ đã chấp thuận, nhưng với điều kiện tất cả các hộ phải di dời, tạo bình đẳng trong buôn bán. BCĐ chấp nhận và thỏa thuận với dân sẽ làm như vậy.

Cuộc đối thoại thành công. Người dân tự nguyện chở hải sản xuống địa điểm bán mới.  Ông Trương Hồng Quỳnh – Bí thư Đảng ủy khu phố 8, Phú Trinh cho biết, từ ngày 1- 10/4, đường Bà Triệu thông thoáng sạch đẹp, bà con ai cũng phấn khởi.

Niềm vui chưa được bao lâu thì từ ngày 11/4, xuất hiện 3 hộ trong số các hộ có mặt trong cuộc đối thoại, buôn bán trở lại trên đường Bà Triệu. 3 hộ này có giấy chứng nhận kinh doanh (cấp ngày 4/4). Họ nghiễm nhiên được phép kinh doanh trên tuyến đường.

Những hộ ở địa điểm mới, không bán được, ùn ùn kéo nhau về tuyến đường cũ bán trở lại. Họ cho rằng, 3 hộ bán được họ cũng bán được, gây cảnh tái lấn chiếm và mất an ninh trật tự… trong khu vực. Chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng kêu gọi trở về bán lại địa điểm mới, nhiều hộ dân không chấp hành.  Họ cho rằng, chính quyền quyền địa phương thất hứa, không công bằng… Và thắc mắc, tại sao 3 hộ này đã biết rõ quy định trong cuộc đối thoại mà vẫn đi xin giấy phép?.

Nguyên do

Qua tìm hiểu nhận thấy, 3 hộ trên có ý định xin giấy chứng nhận kinh doanh sau cuộc đối thoại vào giữa cao trào của chiến dịch (lấy lại vỉa hè cho người đi bộ). Đáng lẽ UBND phường Phú Trinh phải báo cáo tình hình cho Phòng Tài Chính – Kế hoạch thành phố Phan Thiết (Phòng TC – KH), nơi trực tiếp cấp giấy chứng nhận kinh doanh nắm rõ. Khi sự việc xảy ra mới báo cáo (12/4). Trưởng Phòng TC - KH Đỗ Hữu Phước cho biết, nếu phường Phú Trinh sớm thông báo cho chúng tôi biết như các phường Đức Nghĩa, Phú Thủy đã làm, sự việc sẽ theo chiều hướng tốt hơn. Vấn đề này ông Phạm Tuân - Phó Chủ tịch phường Phú Trinh cũng thừa nhận, lỗi do phường chậm trễ.

Việc dư luận thắc mắc, tại sao trước khi cấp giấy chứng nhận cho các hộ, Phòng TC-KH không xuống địa bàn xem xét?. Ông Phước giải thích: “Do NĐ 78/2015/NĐ-CP quy định thời gian cấp 3 ngày, hơn nữa trong NĐ có quy định, người dân tự chịu trách nhiệm việc kê khai của mình nếu kê khai sai sẽ xử lý. Do đó, chúng tôi căn cứ thủ tục xin cấp của hộ kinh doanh để cấp nếu thấy hợp lệ”. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhận một phần trách nhiệm trong việc này.

Rõ ràng việc tái lấn chiếm vỉa hè đường Bà Triệu là không thể chấp nhận được. Phòng TC – KH Phan Thiết và chính quyền phường Phú Trinh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong vấn đề này .TP Phan Thiết và phường Phú Trinh cần có ngay giải pháp ngăn chặn việc tái lấn chiếm vỉa hè đường Bà Triệu.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vỉa hè đường Bà Triệu (Phan Thiết) bị tái chiếm bán sò ốc, vì sao?