Theo dõi trên

Vượt qua sóng dữ

25/12/2017, 09:39 - Lượt đọc: 51

BT- Nửa đêm. Gió và gió. Nước biển đập mạnh vào bờ, cuốn theo từng mảng đất đá, xi măng khiến lồng ngực chúng tôi cũng muốn nổ tung ra ngoài vì sợ hãi. Tết nhất gần đến nơi rồi, nhưng...” - Đó là lời của một hộ dân đang sống tại khu phố B - phường Thanh Hải, TP. Phan Thiết khi chứng kiến đợt gió mạnh, gây sạt lở bờ biển và sập nhà cửa của hàng chục hộ dân tại địa phương.

                       
Bộ đội Biên phòng giúp dân khắc phục hậu quả.

Tuần hoàn... biển lở

Phan Thiết mấy ngày qua trời bỗng nổi gió mùa Đông Bắc mạnh. Trong khí trời se lạnh, hàng ngàn người dân Phan Thiết đang nô nức chào đón giáng sinh và năm mới về. Nhưng, len lỏi trong những ánh đèn sáng chói ấy là gương mặt hốc hác, phờ phạc của những người dân sau nhiều đêm thức trắng. Họ đang dồn mọi sức lực để cứu vãn nơi cư ngụ, nhưng không thể. Hàng chục ngôi nhà bỗng chốc trôi tuột theo con sóng dữ.

Sáng sớm ngay khi xảy ra đợt triều cường mạnh (cao điểm ngày 20/12 vừa qua), chúng tôi có mặt tại xóm biển của khu phố B- phường Thanh Hải. Quang cảnh hoang tàn, đổ nát. Mọi thứ chỉ còn lại là những mảng bê tông trơ trọi, đất cát loang lổ và cây cối ngả nghiêng trơ gốc. Một dãy nhà ven biển với khoảng 15 căn đã bị sóng dữ “liếm” trọn chỉ trong một đêm. Bà Trịnh Thị Kim Phượng - một hộ dân có nhà bị cuốn trôi buồn bã cho biết: “Gia đình chúng tôi đã phải lánh tạm lên nhà ngoại ở. Nếu gió tiếp tục thổi mạnh, không biết cuộc sống bà con sẽ ra sao”. Chỉ tay về căn nhà đang “chênh vênh” trên vùng đất lở, bà Nguyễn Thị Hoa lại thở dài: “Còn “vài gang tay” nữa là nhà sập, nên chúng tôi không dám ở, bởi sớm muộn gì trong đêm tới sóng cũng đánh tan”.

Gió thổi rát rạt, từng cơn sóng cao từ 2 - 3 m vẫn tiếp tục tung hoành nơi xóm biển. Trong không khí hoảng loạn ấy, bà Trịnh Thị Khởi có dáng người khắc khổ, gặp chúng tôi bỗng khóc òa. Nhà bà sắp sửa bị sập và cả gia đình đang cố hết sức để... giữ. Bà Khởi cho biết, hiện bà con ở đây rất khó khăn, các hộ dân đều phải đi ở trọ hoặc trú nhờ người khác...

Những ngày qua, không chỉ người dân ở khu phố B - phường Thanh Hải bị thiệt hại do triều cường, mà người dân ở thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành và một số vùng ven biển của thị xã La Gi, Tuy Phong cũng chung hoàn cảnh. Vẫn biết biển lở theo tuần hoàn mùa gió bấc. Nhưng đi và chứng kiến từng hoàn cảnh của bà con, chúng tôi thực sự xót xa trước những mất mát lớn của người dân vùng biển lở.

 Tình người trong hoạn nạn

Bị rơi vào hoàn cảnh “màn trời chiếu đất” chỉ trong một đêm, khiến biết bao con người lâm vào khốn khó. Trong hoàn cảnh này, họ tụ tập động viên, an ủi nhau và cùng góp sức khắc phục hậu quả. Đáng quý hơn, liên tục mấy ngày qua là hình ảnh đông đảo các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Hải, lực lượng dân quân, cán bộ xã... đã kịp thời có mặt, ủng hộ bao, cọc và công sức để giúp dân... chắn sóng. Gặp chúng tôi, anh Nguyễn Trường Quân - Đồn Biên phòng Thanh Hải cho biết, đồn đã huy động hơn 35 cán bộ, chiến sĩ xuống giúp địa phương và người dân tại thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành và khu phố B, phường Thanh Hải di dời tài sản, đóng cọc, đổ bao cát làm kè tạm từ ngày 18 - 21/12. Đồng thời, huy động lực lượng đào mương thoát nước bị ngập úng trong khu dân cư thoát ra biển tại khu phố 14, Liên Hương, huyện Tuy Phong và khu phố B, phường Thanh Hải, để người dân dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Là người túc trực thường xuyên để nắm tình hình thiên tai, ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho hay, trong các ngày qua, Văn phòng đã thông tin liên tục các bản tin thời tiết, diễn biến của bão, tình hình không khí lạnh tăng cường, gió mùa Đông Bắc mạnh cho các địa phương để chủ động theo dõi, ứng phó kịp thời. Tuy nhiên năm 2017, với hiện tượng không khí lạnh mạnh tăng cường dài ngày, gây sóng cao kết hợp triều cường nên công tác chỉ huy, ứng phó gặp nhiều khó khăn. Gió mạnh, sóng cao đánh liên tục vào bờ nên các kè tạm không chống chịu nổi, bao cát bị cuốn trôi ra biển. Ông Tân cảnh báo, nếu không có giải pháp căn cơ, trong những ngày tiếp theo sóng biển sẽ tiếp tục đánh mạnh gây sạt lở nghiêm trọng hơn.  

Khẩn trương làm kè tạm

Đó là giải pháp cấp thiết do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam đưa ra, sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình các khu vực sạt lở trên địa bàn TP. Phan Thiết. Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo địa phương rà soát, cấp đất tái định cư cho các hộ có nhà bị sập đổ và các hộ đang có nguy cơ cao bị sạt lở trong những ngày tới. Các sở, ngành chức năng xem xét hỗ trợ kinh phí cho địa phương, người dân thuộc diện phải di dời sớm xây dựng lại nhà để ổn định cuộc sống trước Tết Nguyên đán 2018 sắp tới. Mặt khác, trước tình hình gió mùa Đông Bắc còn tăng cường mạnh, kết hợp ảnh hưởng cơn bão Tembin, khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực tỉnh Bình Thuận, do đó Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh đã đề nghị UBND các địa phương vùng biển theo dõi sát diễn biến thời tiết, triều cường, sóng lớn, thông tin kịp thời cho người dân trong khu vực biết chủ động ứng phó, phòng tránh; cử lực lượng trực tại các khu vực sạt lở, xung yếu để chủ động có biện pháp xử lý kịp thời. Huy động lực lượng, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để hỗ trợ người dân làm kè tạm, khắc phục trước mắt nhằm giữ nhà ở, đất ven biển, tránh sạt lở nặng. Kiểm tra, rà soát các hộ dân có nhà bị sập đổ, nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở trong những ngày tới để xem xét, bố trí đất tái định cư, ổn định cuộc sống cho người dân.

Khi bài viết này lên trang, bà con vùng biển lở vẫn đang mong mỏi, đợi chờ điều kỳ diệu có thể xảy ra và sự giúp sức của chính quyền địa phương để vượt qua cơn sóng dữ.

    
    Từ ngày 18   - 21 tháng  12/2017, toàn tỉnh đã có 20 căn nhà bị sập đổ và 76 căn bị   uy hiếp trực tiếp phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, đã có trên 1.500 m bờ   biển bị sạt lở, 2 chiếc tàu cá của ngư dân bị chìm. Ước tổng giá trị   thiệt hại lên đến 2,5 tỷ đồng. 

 Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt qua sóng dữ