Theo dõi trên

Xanh trên Thiện Nghiệp

19/04/2019, 09:14 - Lượt đọc: 156

BT- “Dừa đây là dừa Thiện Nghiệp, cô ơi! Không phải dừa nơi khác đâu. Dừa đây cô thử xem: Rất ngọt là đằng khác!”.

Người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, tay cầm dao bén vừa bổ mấy nhát lên trái dừa xiêm nhỏ, vỏ xanh sậm, vừa nói với phụ nữ dắt theo con nhỏ đang hỏi mua dừa. Người phụ nữ sau một lúc lưỡng lự mua liền chục trái, bỏ lên cốp sau  xe du lịch trước khi rời đi.

                
Một vườn dừa cho trái ở Thiện Nghiệp.

Xứ dừa và thương hiệu dừa

Có khoảng chục quầy bán dừa như vây dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu, kéo dài tới đường Huỳnh Thúc Kháng của phường Hàm Tiến, và gần như ở quầy nào, người bán cũng nhắc đến “dừa Thiện Nghiệp”... như  một thương hiệu tiếng tăm lâu nay, chẳng khác gì dừa Bến Tre, dừa Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định)… Tôi nói điều ấy với Bí thư Đảng ủy xã Thiện Nghiệp Trần Tú Minh, cũng như hỏi anh: Từ lúc nào dừa Thiện Nghiệp xây dựng được thương hiệu như vậy? Trầm ngâm một thoáng, anh Minh bảo: “Đây là chuyện dài nhiều tập. Khởi thủy hồi xa xưa lận nghe. Tôi lớn lên đã nghe cha mẹ nói, Thiện Nghiệp và rộng ra là phường Hàm Tiến là xứ dừa. Tuy nhiên, nếu cần phải đánh giá, dừa Thiện Nghiệp và dừa ở các chân động cát Hàm Tiến vẫn ngọt nước hơn dừa trồng ven biển. Có thể do nguồn nước ngầm trong lòng đất làm dừa ngọt chăng? Bởi vậy, khi cùng các anh biên soạn lịch sử truyền thống xã Thiện Nghiệp và phường Hàm Tiến… chúng tôi mạnh dạn khẳng định: Thiện Nghiệp có thế mạnh về cây điều và cây dừa…”.

Chống sa mạc hóa

Chuyện cứ thế kéo dài. Anh Trần Tú Minh cho biết: Thiện Nghiệp nằm trong vùng giáp ranh thành phố Phan Thiết. Toàn xã có trên 6.500 dân, 5 thôn. Có tổng diện tích tự nhiên là 7.404 ha. Đất nông nghiệp không chủ động nước chiếm gần 89% tổng diện tích tự nhiên, khoảng 6.280 ha. Trong đó, đất trồng cây lâu năm là 4.096 ha và đất trồng rừng là 2.003 ha.   Khi chưa chia tách thành Thiện Nghiệp và phường Hàm Tiến theo Quyết định 89, ngày 22/12/2001 của Chính phủ, người dân Thiện Nghiệp sống dựa vào các loại cây màu và trồng điều. Có một ít người trồng dừa, nhưng do khó khăn về kinh tế nên khâu chăm sóc cây trồng có phần yếu đi. Năng suất, sản lượng dừa không cao, bán dừa khô ra cũng chỉ bổ sung phần nào thu nhập vốn ít ỏi của dân. Thế nhưng, từ sau khi chia tách, cấp ủy, UBND xã Thiện Nghiệp xác định: Trong điều kiện thiếu nguồn nước (cả xã dựa vào một số ao bàu), từng bước chống sa mạc hóa… chỉ còn một con đường là trồng rừng, trồng điều, cây dừa… phủ xanh đất trống đồi trọc trong toàn xã. Muốn vậy, ngoài việc vận động, tạo điều kiện cho người dân tham gia các chương trình trồng rừng PAM, chương trình 661, xã còn tìm cách “xin” dự án trồng rừng cho địa phương mình. “Riêng với cây dừa, cấp ủy chúng tôi khi ấy không dám nói là có tầm nhìn xa, nhưng xác định: cần cải tạo lại giống dừa, thay giống dừa cũ, nhiều măm mới cho trái bằng giống dừa xiêm xanh lùn, dừa bung (loại to trái) mới. Và từ chỗ trồng dừa trên đất vườn, nơi trũng... Thiện Nghiệp khuyến khích người dân đưa cây dừa trồng thử nghiệm trên đất đồi. Kết quả, đến nay, Thiện Nghiệp có khoảng 650 ha điều giống mới, năng suất khá và khoảng 400 ha dừa xiêm, dừa bung. Rừng trồng xấp xỉ 2.000 ha với loại cây keo lai, vài năm thu hoạch một lần”. “Như vậy cả xã có rất nhiều cây xanh các loại?”, tôi hỏi. Anh Trần Tú Minh gật đầu: “Nói tiếp chuyện dừa nghe! Ở Thiện Nghiệp bây giờ, nếu đôi vợ chồng già có chừng 100 cây dừa xiêm xanh lùn, loại 4 năm cho trái.. thì không phải lo lắng gì nữa. Dừa xiêm Thiện Nghiệp bán tại vườn từ 6.000 - 8.000 đồng/trái. Một quày từ 15 - 20 trái, bán ra được trên 130.000 đồng. Cứ 15 - 20 ngày bán trái một lần. Mỗi lần khoảng 20 cây, tức 20 quày. Đó là nói với người cao tuổi, sức lao động không còn, với gia đình có nhiều lao động, dưới vườn dừa họ xen cây họ đậu, trồng đậu bắp, chưa kể mở quán giải khát. Với hộ có trồng rừng, cứ vài năm  bán cây một lần cũng được vài trăm triệu đồng… Điều đó được chứng minh bằng con số sau đây: Toàn xã có 1.602 hộ, nhưng đến cuối năm 2018 chỉ có 37 hộ nghèo, với 83 khẩu. Đây là những hộ thiếu lao động, đất ít, hoặc đất trên đồi cao, không chủ động nước…

Sức bật từ màu xanh

Và rồi để chứng minh cho sức bật của Thiện Nghiệp trong những ngày này, Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu tôi đi thăm 5 thôn trong toàn Thiện Nghiệp. Thăm những con đường dân đóng góp tiền làm nên với hai bên đường xanh ngắt bóng dừa; thăm những ngôi nhà bằng gỗ dừa nằm trong những vườn dừa xiêm đang cho trái. Ở thôn Thiện Trung, chúng tôi thăm anh Nguyễn Khắc Nguyên, được anh cho biết: Gia đình có 200 cây dừa xiêm xanh lùn đã cho trái. Hiện nay, ngoài bán trái, gia đình còn mở điểm nghỉ mát dưới vườn dừa, bán thêm nước giải khát nên đời sống khá tốt. Cũng tại thôn Thiện Trung, chúng tôi tiếp chuyện với lão nông tên Dũng. Ông này cho biết nhà có 3 ha trồng keo lai. Mới đây thu hoạch 1 ha keo, bán được 150 triệu đồng, tăng khoảng 20 triệu đồng/ ha so với năm trước… Có thể nói, Thiện Nghiệp, một vùng quê cách mạng hôm nay đi đâu cũng gặp màu xanh, màu của no ấm và hy vọng. Điều này đúng như tâm tư nguyện vọng của Bí thư Đảng ủy Trần Tú Minh khi anh nói: “Thiện Nghiệp hiện nay vẫn chưa có nguồn nước chủ động. Nhưng hiện nay nước thủy điện Đại Ninh đã về tới xã Hồng Phong, kề bên Thiện Nghiệp, chỉ cách xã 8 km đường chim bay. Nếu có chương trình nào đó đưa nước về Thiện Nghiệp, chúng tôi tin chắc là địa phương sẽ giàu lên, giàu một cách căn cơ. Khi đó, chắc chắn là diện tích dừa Thiện Nghiệp không chỉ là mấy trăm ha, mà nhiều hơn vì dừa Thiện Nghiệp đã tạo được thương hiệu với người Phan Thiết và một bộ phận không nhỏ du khách, nếu họ chỉ cần thưởng thức qua một lần”.      

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xanh trên Thiện Nghiệp