Theo dõi trên

Xây biệt thự và công trình trái phép trên đất rừng phòng hộ: Buộc trả lại hiện trạng đất lấn chiếm

24/04/2017, 08:40

BT- Hàng chục ha cà phê tồn tại trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Cà Giây hơn chục năm mới bị phát hiện. Đáng nói là trong thời gian này, chủ trang trại cà phê đã xây dựng biệt thự với diện tích gần 1.700m2  có hồ nước, vườn cây. Để xử lý sai phạm, vào đầu tháng 4/2017, UBND huyện Bắc Bình đã thông qua quyết định “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” và buộc đối tượng phải trả lại hiện trạng đất ban đầu trước khi chiếm.

                
Căn biệt thự hoành tráng giữa rừng phòng hộ    Bắc Bình.

Khoảng 20ha bị lấn chiếm

Theo Ban QLRPH Cà Giây, thực hiện việc rà soát quy chủ diện tích đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp, trồng cà phê từ năm 2010 trở về trước ở vùng rừng giáp ranh tỉnh Lâm Đồng, tháng 7/2013, tổ công tác của Ban QLRPH Cà Giây kiểm tra khu vực rừng thuộc tiểu khu 59 phát hiện có nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm trồng cà phê, chanh dây và một ít diện tích đất bỏ hoang. Đồng thời, tổ cũng đã phát hiện có 1 ngôi nhà ở và 1 nhà kho xây dựng trái phép nằm trong khuôn viên có hàng rào bao bọc. Thời điểm đó, tổ đã tiến hành kiểm tra nhưng trong ngôi nhà không có người ở, vì vậy tổ chỉ lập biên bản kiểm tra vô chủ. Sau đó, đơn vị đã nhiều lần lập tổ công tác lên kiểm tra nhưng đều không gặp được chủ nhà.

Đến tháng 10/2014, Ban QLRPH Cà Giây, UBND huyện Bắc Bình thành lập tổ kiểm tra, xác minh quy chủ và xử lý các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp vùng giáp ranh giữa huyện Bắc Bình và huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Sau thời gian kiểm tra, tổ xác định diện tích đất lấn chiếm tại tiểu khu 59 khoảng 20ha trồng cà phê và 0,5ha là hồ chứa nước. Ngoài ra còn có công trình xây dựng kiên cố trên diện tích 1.688m2, trong đó có nhà ở, nhà kho. Đồng thời cũng đã xác định được một số đối tượng sử dụng đất, họ chủ yếu là đồng bào dân tộc Chu-ru ở xã Đà Loan - huyện Đức Trọng và hộ ông Nguyễn Hy ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Điều đáng nói, khi tổ lập biên bản xử lý vi phạm thì các đối tượng không ký với lý do đất này họ khai hoang từ năm 1995 trở về trước. 

Không lấn chiếm đất rừng?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giữa tháng 5/2016, tổ kiểm tra do ông Lê Đức Liêm – Trưởng Ban QLRPH Cà Giây làm tổ trưởng đã tiến hành gửi giấy mời và điện thoại trực tiếp với ông Nguyễn Hy – chủ căn biệt thự xây dựng trái phép. Đồng thời, tổ cũng đã đề nghị UBND xã Đà Loan, huyện Đức Trọng thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của xã danh sách các hộ dân lấn chiếm đất canh tác trên đất rừng tại tiểu khu 59, mời bà con đến xã làm việc. Sau đó, tổ công tác đến kiểm tra lập biên bản đối với ông Nguyễn Hy nhưng ông Hy vắng mặt, mặc dù trước đó đã gửi giấy mời và gọi điện mời trực tiếp. Đến cuối tháng 5/2016, tổ mới mời được ông Nguyễn Hy đến tại UBND xã Đà Loan làm việc. Sau khi nghe tổ thông qua biên bản làm việc và sơ đồ đo đạc về hiện trạng đất, công trình xây dựng trái phép, ông Hy thống nhất theo số liệu đo đạc của tổ là 14,022ha đất ông đang sử dụng. Đồng thời, ông Hy cũng đưa ra 5 giấy mua bán đất viết tay và nói rằng số diện tích đất trên là do ông mua lại từ năm 1992 trở về trước chứ không phải tự khai phá. Tổ đã lập 1 biên bản làm việc và 1 biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hy để xử lý theo quy định. Tuy nhiên ông Hy chỉ đồng ý ký vào biên bản làm việc, riêng biên bản vi phạm hành chính ông Hy không ký với lý do đây là đất ông mua lại chứ không phải lấn chiếm đất rừng và ông cũng không thực hiện hành vi phá rừng.

 Trước tình hình trên, UBND huyện Bắc Bình đã quyết định thành lập tổ điều tra, xác minh lập hồ sơ xử lý trường hợp trồng cà phê và xây dựng nhà ở trái phép trên đất rừng phòng hộ tại tiểu khu 59. Tiếp đó, tổ đã phối hợp với UBND xã Đà Loan tổ chức 2 đợt làm việc mời những đối tượng có liên quan. Qua 2 đợt, tổ mời 7 người có liên quan đến làm việc và lập 9 biên bản làm việc. Theo nhận định của tổ điều tra, tuy lời khai của những người được mời có những mâu thuẫn, nhất là về thời gian sang nhượng đất, nhưng tất cả đều khẳng định có việc sang nhượng đất trước đây. Toàn bộ diện tích sang nhượng được ông Hy quản lý và sử dụng đến nay. Tổ điều tra cho biết, theo trình bày của các hộ dân sang nhượng đất thì tại thời điểm sang nhượng đất đã được sản xuất nông nghiệp nhiều năm, hiện trạng đất thời điểm đó không còn rừng. Tuy nhiên, việc ông Hy nhận sang nhượng và sử dụng đất lâm nghiệp khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền là trái với quy định của pháp luật.  

Trả lại hiện trạng

Mặc dù tổ công tác khẳng định việc ông Hy nhận sang nhượng và sử dụng đất lâm nghiệp là trái với quy định của pháp luật, tuy nhiên lúc đó, tổ công tác vẫn chưa thống nhất chung về hành vi vi phạm của ông Hy để xác lập hồ sơ xử lý. Cụ thể, việc sang nhượng đất nói trên là sang nhượng đất không có giấy tờ chứng thực hợp pháp, do đó chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng căn cứ Nghị định 102 của Chính phủ về xử phạt hạnh chính trong lĩnh vực đất đai và Nghị định 157 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, thì không có điều khoản nào tương ứng để xử phạt.

Sau nhiều cuộc họp, vào đầu tháng 4/2017, UBND huyện Bắc Bình đã chính thức thông qua quyết định “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” đối với ông Nguyễn Hy. Quyết định nêu rõ, ông Hy phải thực hiện khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính: Chiếm đất rừng phòng hộ do Ban QLRPH Cà Giây quản lý với diện tích 14,022 ha. Cụ thể, vào thời điểm năm 1990, ông Hy sử dụng đất lâm nghiệp do ông chiếm trái phép để trồng cây cà phê và xây dựng căn nhà gỗ tạm. Năm 2006, ông tiếp tục xây dựng nhà kho; từ năm 2008 – 2013, ông xây dựng nhà ở trái phép như hiện nay là hành vi vi phạm tại khoản 2, Điều 10, Nghị định 102 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. UBND huyện buộc ông Nguyễn Hy phải trả lại hiện trạng đất ban đầu trước khi chiếm và trả lại đất đã chiếm cho Nhà nước quản lý. Thời hạn thực hiện 30 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Nếu quá thời hạn quy định mà ông Hy không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

    
    Tổ kiểm   tra xác định diện tích đất lấn chiếm tại tiểu khu 59 khoảng 20ha trồng   cà phê và 0,5ha là hồ chứa nước. Ngoài ra còn có công trình xây dựng   kiên cố trên diện tích 1.688m2, trong đó có nhà ở, nhà kho. Tổ cũng xác   định, đối tượng sử dụng đất chủ yếu là đồng bào dân tộc Chu-ru ở xã Đà   Loan -huyện Đức Trọng và hộ ông Nguyễn Hy ở  TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây biệt thự và công trình trái phép trên đất rừng phòng hộ: Buộc trả lại hiện trạng đất lấn chiếm