Theo dõi trên

Xây dựng 400 mô hình xử lý nước nhiễm phèn tại các xã khó khăn

24/05/2017, 09:01

BT- Dự án “Xây dựng mô hình xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến nguồn nước ở các địa phương trong tỉnh Bình Thuận” mới được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hỗ trợ thực hiện tại Bình Thuận từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2019. Đơn vị chủ trì thực hiện là Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận, 4 địa phương được chọn gồm: Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.

                              
   
Người dân xã Hàm Minh (Hàm    Thuận Nam) tham quan học tập mô hình xử lý nước nhiễm phèn.
   
Hệ thống xử lý nước ngầm    nhiễm phèn hoàn toàn bằng oxi không khí thành nước sạch tại huyện    Tánh Linh (do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình    Thuận thực hiện năm 2016).

Cải thiện chất lượng sống cho người dân

Trong năm 2015 - 2016, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận đã triển khai xây dựng các mô hình xử lý nước nhiễm phèn cho trên 25 hộ dân thuộc các xã Gia An, Đức Bình (Tánh Linh) và Hàm Minh (Hàm Thuận Nam). Các mẫu nước sinh hoạt tại đây có rất nhiều chỉ tiêu vượt mức giới hạn an toàn, qua xử lý bằng công nghệ, các mẫu nước đã đạt các chỉ tiêu an toàn cho sức khỏe, đạt chuẩn dùng làm nước phục vụ sinh hoạt theo chuẩn của Bộ Y tế.

Theo ông Hồ Ngọc Tùng (Đức Bình, Tánh Linh) cho biết: Trước đây gia đình ông sử dụng bể lọc với cát cho nước đỡ phèn, nhưng về chất lượng thì không biết thế nào. Nay được hỗ trợ cho mô hình lọc nước thì có được nước sạch đạt chất lượng, an tâm sử dụng. Các hộ trong xóm ai cũng tới lấy nước về dùng. Hy vọng Nhà nước cho nhân rộng mô hình càng nhiều càng tốt”.

Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo có nguồn nước sinh hoạt đạt chuẩn cho người dân, mô hình còn được tính toán tiết kiệm tới 70% chi phí so với việc mua nước sạch. Ông Nguyễn Đình Sơn (xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam) chia sẻ: “Trước đây chưa được lắp đặt mô hình, gia đình phải mua nước máy về dùng trong ăn uống, còn nước sinh hoạt thì dùng giếng nhà. Sau khi lắp đặt mô hình lọc nước nhà tôi không cần phải mua nước nữa, mà lấy nước này nấu uống và sử dụng sinh hoạt”.

Trước đây, bình quân một tháng mỗi hộ phải chi khoảng 180 ngàn đồng mua nước, nhưng với mô hình này thì tính toàn bộ chi phí điện và khấu hao, mỗi tháng chỉ phải mất chưa đến 55 ngàn đồng.

 400 mô hình xử lý nước nhiễm phèn công suất 3m3/ngày

Từ thành công của mô hình, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận mạnh dạn đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện dự án xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện: Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.

Sau  khi tiếp nhận công nghệ, đơn vị chủ trì sẽ tiến hành xây dựng 400 mô hình công nghệ thiết bị xử lý nước nhiễm phèn quy mô hộ gia đình (công suất 3 m3/ngày) cho 400 hộ dân với chất lượng đầu ra đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt. Đồng thời, dự án sẽ đào tạo các kỹ thuật viên có đủ kỹ năng quản lý và làm chủ công nghệ để chuyển giao nhân rộng mô hình tại các địa phương thiếu nước sinh hoạt khác trên toàn tỉnh.

    
  

  Tác hại   của việc sử dụng nước phèn trong sinh hoạt

  

  Theo thống kê sơ bộ, chất   lượng nước ngầm tại ở một số địa phương thời gian qua bị nhiễm phèn   (sắt, mangan,... gốc SO42-), có nơi có mùi thối (mùi H2S) hoặc còn bị   đục, nước có màu vàng (hydroxyt sắt)… Nguồn nước nhiễm phèn gây ảnh   hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân các địa phương. Do   tính chất của nó khác nhau tùy theo đặc điểm của từng vùng, có khi nước   có vị chua, nước có màu vàng giặt quần áo bị ố vàng, khi thì nước lại có   mùi tanh tanh, có loại khi mới lấy lên từ nguồn thì thấy nước rất trong   nhưng để yên nước trong vài ba ngày sẽ thấy nổi váng trên bề mặt...

    Nếu sử dụng nguồn nước nhiễm   phèn cho ăn uống, sinh hoạt thì các dụng cụ trong nhà đều bị ăn mòn, tắm   rửa thì bị rộp da. Ngoài ra, nhôm trong nước quá cao còn gây loãng xương   cho người già và ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận... Chưa kể,   nếu hàm lượng Fe > 0,3 mg/l; Mn > 0,1 mg/l sẽ làm hoen ố quần áo khi   giặt, hàm lượng sulfat cao sẽ gây vị khó chịu cho nước uống (pH thấp gây   vị chua cho nước). Và nước chứa nhiều phèn sắt, có màu vàng đục gây cảm   giác mỹ quan không tốt. Vì vậy việc tìm ra các giải pháp và công cụ cũng   như thiết bị loại bỏ các thành trên trong nước phèn là điều rất cần   thiết.

Huyền Trang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng 400 mô hình xử lý nước nhiễm phèn tại các xã khó khăn