Theo dõi trên

Xây mới chợ La Gi

07/05/2018, 09:36

Bài 1: Nhu cầu bức thiết

BT- Sau gần 20 năm hoạt động, chợ La Gi nay xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào. Do đó, việc xây dựng mới chợ La Gi hết sức cần thiết, không chỉ giải quyết tình trạng xập xệ của chợ hiện nay mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

                       
Chợ La Gi xuống cấp nặng nề.

Chợ ọp ẹp

Được xây dựng từ năm 1989, chợ La Gi gồm 3 khu, khu A với diện tích 1.175 m2 gồm 80 quầy, sạp; khu B rộng 1.328 m2 gồm 55 quầy, sạp; khu C 1.340 m2 gồm 200 quầy, sạp. Qua gần 20 năm hoạt động, chợ xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát, hệ thống mái che, la phông đã sụp, trụ chính và tường rạn nứt khắp nơi. Tiểu thương buôn bán trong điều kiện rất khó khăn, nhếch nhác, mỗi khi mưa xuống lầy lội. Một số tiểu thương buôn bán lâu năm ở đây cho biết, mùa nắng thì nóng bức, khó chịu, mùa mưa thì các gian hàng bị dột, ướt. Không chỉ vậy, bao quanh chợ là 4 tuyến đường gồm Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hai Bà Trưng và Nguyễn Ngọc Kỳ đều bị người dân lấn chiếm lòng lề đường buôn bán nên đi lại rất khó khăn. Thêm nữa hệ thống phòng cháy, chữa cháy không đạt chuẩn, nếu có sự cố sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản.

Do vậy, việc xây dựng mới chợ La Gi là nhu cầu bức thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển, được sự đồng thuận, ủng hộ của đại đa số tiểu thương.

 38,6 tỷ đồng xây mới chợ

Đầu năm 2015, UBND thị xã La Gi triển khai lập thủ tục đầu tư chợ La Gi, trong đó giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng chợ La Gi. Đến giữa tháng 5/2015, thị xã tổ chức họp các ngành, đơn vị liên quan để thông qua phương án đầu tư xây dựng mới chợ La Gi. Theo đó, xác định chợ La Gi là loại chợ hạng 2, với quy mô gồm có 3 khu A, B,C. Trong đó, khu A, B với quy mô 1 tầng trệt, 1 tầng lầu; khu C chỉ 1 trệt trên tổng diện tích xây dựng là 5.041 m2. Từ tháng 7/2015 đến tháng 9/2016, thị xã đã tổ chức 3 lần họp dân để phổ biến, lấy ý kiến các tiểu thương về việc đầu tư xây dựng chợ và phương án huy động vốn. Qua 3 cuộc họp, tiếp thu ý kiến của tiểu thương, thị xã thống nhất điều chỉnh quy mô khu A 1 trệt, 1 lầu; khu B, C chỉ xây dựng tầng trệt. Đến cuối năm 2016, Thường trực Thị ủy cùng UBND thị xã tổ chức đối thoại với các tiểu thương và nhân dân về xây dựng chợ La Gi. Tại buổi đối thoại, phần đông tiểu thương và nhân dân biểu thị sự đồng tình chủ trương xây dựng lại chợ La Gi theo phương thức Nhà nước huy động vốn trước tiền thuê dài hạn điểm kinh doanh trong chợ của tiểu thương để đầu tư.

Ông Võ Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho biết: Tiếp thu ý kiến đóng góp và ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tiểu thương và nhân dân, La Gi đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tổ chức công khai quy mô đầu tư xây dựng và phương án huy động vốn tại các khu A, B, C. Theo đó, công trình chợ chính La Gi với quy mô 3 khu A (1 trệt và 1 lầu), B, C với tổng mức đầu tư trên 34,1 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự kiến chợ chính được bàn giao mặt bằng triển khai thi công cùng lúc 3 khu A, B, C trước ngày 30/6, thời gian thi công 360 ngày. Cụ thể, đến tháng 2/2019 (sau Tết Nguyên đán 2019) tiểu thương đã đăng ký quầy, sạp vào hoạt động buôn bán khu C; tháng 4/2019 tiểu thương vào hoạt động buôn bán khu B; tháng 6/2019, tiểu thương đăng ký quầy, sạp vào hoạt động buôn bán khu A. Riêng về chợ tạm, Chủ tịch UBND thị xã La Gi phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 4,4 tỷ đồng vào tháng 8/2017. Sau 3 lần thông báo mời thầu trên trang đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty cổ phần Trường Long là đơn vị trúng thầu với thời gian thi công chợ tạm 90 ngày. Ngày 3/5, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng mới chợ La Gi tổ chức bàn giao mặt bằng, dự kiến ngày 15/5 sẽ triển khai thi công, đến giữa 8/2018 hoàn thành chợ tạm.

    
    Dự án đầu   tư xây dựng chợ La Gi có tổng mức đầu tư dự kiến 38,6 tỷ đồng, với   phương thức đầu tư do tiểu thương đóng góp để xây dựng công trình, bằng   hình thức Nhà nước có mặt bằng đất và thu tiền thuê mặt bằng (ki ốt,   quầy sạp) của các tiểu thương kinh doanh trong chợ, thông qua hình thức   huy động trước vốn của tiểu thương với thời gian cho thuê là 20 năm.

THU HÀ

 Bài 2: Đảm bảo quyền lợi tối đa cho tiểu thương.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây mới chợ La Gi