Theo dõi trên

Xứ đạo ven sông

06/04/2018, 11:15 - Lượt đọc: 33

BT- Đã lâu lắm rồi mới có dịp về thăm xứ đạo Phước An.

Xứ đạo này, ngày xưa khi tôi ở tuổi đôi mươi đã nhiều nợ duyên gắn bó. Gắn từ cái tình xã viên chung hợp tác xã nông nghiệp, gắn những đêm cùng mấy bác, mấy chú ngồi  họp bàn phương án sản xuất. Nào lúa hè thu năm nay năng xuất phải lên mấy tạ trên mỗi ha để đạt được chỉ tiêu pháp lệnh của trên đưa về, nào kế hoạch phải dành đất ven sông trồng dâu, nuôi tằm, kế hoạch phát triển cây dừa, cây mè xuất khẩu, cây sả để chiết xuất tinh dầu, rồi cả kế hoạch đặt vòng tránh thai, mỗi đội sản xuất phải nhận chỉ tiêu bao nhiêu vòng cho hết số lượng của trên giao... Nói chung đủ mọi thứ, mọi việc, việc nào cũng quan trọng.

                
Đường dẫn về xứ đạo Phước An.

Hồi ấy viết cho ra cái phương án sản xuất là không dễ. Cân đối  lương thực  nhưng lương thực đầu người trên năm không đạt, không đảm bảo đời sống của dân, là phải về viết lại, thiếu phải nặn cho ra, diện tích ruộng không có thì tăng thêm diện tích màu. Sắn, khoai gì cũng được, 3 tươi bằng một khô, một khô bằng một lúa, cứ thế mà quy đổi, mà cân đối cho đủ ăn.

Nghĩ lại mới thấy kinh hoàng cái thời bao cấp. Giấy tờ, con số bao giờ cũng “đẹp”,  nhìn vào thấy đời sống nhân dân luôn ấm no, nhưng thực tế, khó khăn chồng chất khó khăn, năm nào cũng thiếu, cũng đói. Có điều lạ, lương hướng không có, công điểm toàn trên giấy, mùa màng thất bát, khoai bị sùng, mì rụng lá không ra củ, ăn chia thực tế có được bao nhiêu, vậy mà ai cũng tích cực, cũng hăng say nhiệm vụ, hăng say sản xuất?

Bây giờ trở lại Phước An, những người trong hợp tác xã của tôi ngày ấy đã vắng đi nhiều. Bác Lâm Sơn, chú Me, anh Trung Xuân, anh Chế, anh Minh... qua đời vì bạo bệnh. Anh Yến, anh Đạt... chuyển gia đình đi nơi khác. Tiếc quá, các anh không còn để hưởng niềm vui chung của xứ đạo trong thời kỳ đổi mới!

Xứ đạo Phước An hiện nay có trên 476 hộ, 1.850 khẩu, nằm dọc trên bờ Nam sông Dinh, có tên hành chánh là khu phố 7, thuộc phường Tân An, thị xã La Gi. Người Phước An nguyên  hầu hết ở Nghệ An, có trên 90% gia đình theo đạo Thiên Chúa Giáo. Cuộc sống người dân nơi đây gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, nhưng với người dân xứ đạo này, họ chưa bao giờ bỏ sản xuất, hoang phí đất đai.

Đất nước đổi mới, nền kinh tế hoạch định không còn phù hợp. Cái thời gõ kẻng gọi người đi cuốc đất chấm công của bọn tôi lúc trước đã bị xóa bỏ. Đất đai, vườn ruộng, trâu bò, tư liệu sản xuất về lại với người nông dân. Họ sản xuất theo tư duy mới, tư duy nông nghiệp hàng hóa, cây gì, con gì do họ tự chọn, năng suất, sản lượng tự họ đầu tư thâm canh, nên hiệu quả sản xuất đạt cao, nhờ đó đã giúp bà con xứ đạo vượt khó, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

                
Vườn cao su ven bờ Bắc sông Dinh.

Cái khó dài nhất của người dân nơi đây chính là vấn đề giao thông đi lại. Suốt nhiều thập niên qua, người Phước An dù sống ngay trung tâm hành chánh huyện, thị, nhưng đường đi lối về luôn đối diện khó khăn. Các cháu đi học phải vất vả đường ngang lối tắt, mùa nắng cát nóng bỏng chân, mùa mưa bùn đất ngập lầy. Lương thực, thực phẩm làm ra muốn vận chuyển ra chợ bán buôn chỉ có xe bò với gồng gánh.

Mãi đến những năm gần đây, giao thông đi lại của bà con mới được kết nối. 2 con đường có mức tổng đầu tư gần 18 tỷ đồng, trong đó đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tuyến xương sống Đông Tây của xóm đạo dài 2.290 m, đường Lê Văn Tám nối từ đường Thống Nhất xẻ ngang Phước Bình (khu phố 8) về Phước An tiếp giáp Nguyễn Bỉnh Khiêm dài 1.107 m. Và nay có thêm đường Ngô Gia Tự nối từ đường Hoàng Diệu vào đầu đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, giúp xứ đạo Phước An thông thoáng cả hai đầu. Có đường mới Phước An như gần lại, diện mạo đổi thay nhiều, nhịp sống nhộn nhịp hẳn lên.

Về xứ đạo, đi đâu, gặp ai, đều bắt gặp những nụ cười rạng rỡ, nụ cười mang niềm tin cuộc sống.  Một cán bộ phường, phấn khích thông tin cho tôi biết: Toàn khu phố hộ giàu chiếm tỷ lệ 30%, hộ khá và trung bình 57,9%, hộ cận nghèo tương đương 7,1%, hộ nghèo chỉ 5%. Điều đáng nói hầu hết những hộ nghèo này đều ở các nơi đến lập nghiệp, cuộc sống chưa ổn định.

Anh Nguyễn Văn Câu, giáo dân Phước An tâm sự: “Mấy năm trước nhờ vào cây mì, nhà nào cũng có cái ăn, cái để, rồi còn tích góp sửa sang, xây mới nhà cửa.  Mì rớt giá, cộng với sâu bệnh phá hoại, bà con đang dần chuyển hướng trồng cây cao su, cây thanh long. Cao su ở đây nhiều hộ trồng trước đã có thu hoạch, có hộ mỗi tuần thu nhập  vài triệu đồng, mấy năm nay bà con mạnh dạn xuống giống với số lượng lớn, ước không dưới vài trăm ha. Hàng chục gia đình đang sở hữu rẫy cao su từ  5 - 10 ha, vườn thanh long từ năm, bảy trăm đến hơn ngàn trụ”.

Nói đến cao su Phước An, không thể không nhắc đến ông Trần Văn Kế,  tuổi sắp 70, là người có công đầu tiên đưa cây cao su về trồng bên Bắc sông Dinh. Thực tình mà nói ở thời điểm những năm 2010, khi nghe chuyện ông Kế trồng cao su trên vùng đất cát gần biển, ai cũng tặc lưỡi lắc đầu, có mà điên, trước sau gì rồi cũng thất bại thôi, xưa nay đâu có chuyện trồng cao su trên đất cát.

Lặng lẽ trồng, lặng lẽ chăm bón, lặng lẽ đợi chờ. Một năm, ba năm rồi năm năm, vườn cao su ông Kế cứ thế xanh, cứ thế cao và những dòng nhựa trắng đầu tiên bắt đầu chảy, bắt đầu cho hiệu quả. Coi như lấy công làm lời, vợ chồng, con cái trong nhà tự tay cạo mủ, rồi tự chở vào tận Bình Châu, Xuyên Mộc để bán. Chỉ có 2 ha thu hoạch nhưng mỗi ngày gia đình ông cũng kiếm được năm bảy trăm nghìn đồng.

Nhìn vào kết quả việc làm của ông Kế, những năm sau đó rất nhiều gia đình ở xứ đạo Phước An mạnh dạn trồng cao su. Anh Nguyễn Văn Phong cho biết, gia đình anh trồng 5 ha cao su, năm nay có 2 ha cho mủ. Cứ 12 giờ đêm vợ chồng anh vào rẫy đội đèn cạo mủ đến sáng. Không như những năm trước, mủ cao su cạo về phải chở vào tận Bình Châu, Xuyên Mộc để bán, năm nay đại lý thu mua về đặt cơ sở ngay đầu cầu, có bao nhiêu họ mua hết. Tuy chỉ mới cạo mủ 2 ha năm đầu nhưng ngày anh cũng kiếm được triệu đồng.

Một giáo dân nông dân khác không ái ngại khoe với tôi: “Gia đình mình năm ngoái làm được có chục ha mì, dù mì bị nấm mất mùa, nhưng chi ít 1 ha cũng kiếm được 10 tấn khô, thu nhập sau khi trừ chi phí, cũng còn lãi kha khá.

Qua bên bờ Bắc Sông Dinh, nhìn tận mắt niềm vui của bà con xứ đạo: Tăm tắp những rẫy cao su, những vườn thanh long lá xanh, trái chín đỏ au. Anh Hiền nông dân xứ đạo lạc quan: “Cây mì năm nay phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh, khô lá xoắn đọt như năm rồi. Cao su cũng thế. Chỉ cầu mong, giá cao su, giá mì đừng rớt thảm. Giá mà rớt sản lượng có đạt mấy cũng không bù nổi!”.

Phước An dù tiếng là khu phố, nhưng cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu gắn liền với nông nghiệp. Cũng phải thôi, mỗi năm người dân nơi đây gieo trồng gần 800 ha, sản lượng thu về hàng nghìn tấn mì khô, bắp khô, rồi còn rau đậu, sau này thêm mủ cao su, thanh long… Thành quả là vậy, hỏi sao dân không giàu, xứ đạo không vui.

Điều đọng lại là cây cầu sắt bắt qua sông Dinh để bà con vận chuyển lương thực, sản phẩm từ rẫy về nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần xe qua, cây cầu cứ chao lắc như muốn sập. Mong sao chính quyền La Gi sửa chữa hoặc cho xây dựng. Được thế, bà con xứ đạo sẽ rất mừng, an tâm sản xuất. 

Ký: NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xứ đạo ven sông