Theo dõi trên

Xuân về nhớ bánh chưng xưa

19/01/2018, 15:41 - Lượt đọc: 462

BTO- Mỗi khi xuân về tết đến, tôi lại bồi hồi nhớ chiếc bánh chưng mẹ gói gạo nếp lẫn hạt mì. So với bây giờ, chiếc bánh chưng thời bao cấp không dẻo, không thơm, nhưng cuộn gói trong đó là tình mẫu tử, là sự tảo tần của người mẹ lo cho đàn con có chiếc bánh chưng khi tết đến xuân về.

                
      Mẹ thấp thỏm nấu bánh chưng đêm ba mươi tết

1. Quê tôi - miền đất trồng cói nghèo nhất của tỉnh Thanh. Thời bao cấp, người dân lam lũ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sống chết nhờ cậy vào cây cói. Một năm có 365 ngày là ngần ấy thời gian chạy ăn, thiếu mặc. Làm quần quật cả năm có ba ngày tết, nhưng không phải nhà ai cũng có cái tết sum vầy đầy đủ ấm no. Khi tết đến xuân về, ít nhà khá giả gói bánh chưng gạo nếp, còn đa phần, gói bánh chưng lẫn hạt mì - một loại hạt nhập khẩu từ Liên xô.

Vào những thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cũng như nhiều gia đình trồng cói của tỉnh Thanh ngày ấy, nhà tôi thuộc dạng nghèo nhất xã. Để có đầy đủ hương vị ngày xuân, mẹ tôi cũng gói bánh chưng, chỉ khác đó là bánh chưng độn mì hạt. Mẹ bảo: Tết mà không có bánh chưng thì đâu gọi là tết. Dù chiếc bánh chưng “đặc biệt” ấy, tuy không dẻo, không thơm, nhưng đến mồng 3 tết đã “veo”, vì “nhà đông con của không ngon cũng hết”.

Từ ngày 20 tết, mẹ tôi đã chủ động mua hành củ, rau cải bắp lá già muối dưa. Ngày ấy đói lắm. Tết đến, gạo không đủ ăn, nên nhà nào cũng muối sẵn vại dưa lá cải bắp chống đói. Gạo không đủ ăn, nói gì đến gói giò, mua thịt. Những gia đình có “của ăn của để” khá lắm cũng làm được vài cây giò mỡ, còn giò nạc rất hiếm nhà có. Không ít nhà, chưa hết ba ngày tết đã phải ăn cháo trộn rau muống phơi khô, hoặc ăn khoai lang trừ bữa.

 Quê tôi chẳng có lá dong, bánh chưng nhà ai cũng gói bằng lá dừa. Chừng 28 tết, mẹ sai anh em chúng tôi đi chặt tàu chuối, rọc ra rồi hơ bếp lửa. Tôi trèo lên cây dừa chặt một tàu xuống, rọc lấy lá làm khuông bánh. Cả gia đình ngồi quây quần quanh cái mẹt rộng giữa sân gạch. Tay mẹ thoăn thoắt đong gạo  nếp trộn sẵn hạt mì đổ vào lá chuối, vừa gói mẹ vừa kể chuyện cổ tích bánh chưng, bánh dày. Mẹ bảo, mẹ lấy bố hoàn cảnh nhà nghèo, nhiều tết chẳng có bánh chưng, chẳng tiền mua cân thịt, vậy mà vẫn vui, vẫn hạnh phúc.

Cái thời bao cấp nghèo khổ, đêm 30 tết có nhà còn giã mắm cáy, có nhà giờ sang canh vẫn chưa hết việc. Từ 6 giờ chiều, nồi bánh chưng lẫn hạt mì bắc lên bếp. Mẹ nhóm lửa bằng bổi, nồi bánh sôi ùng ục. Chúng tôi ngồi quanh nồi bánh chưng chờ chực giao thừa. Mẹ bảo “Các con đi ngủ đi, bánh chín mẹ gọi dậy đón giao thừa”. Chúng tôi nằm lăn ra bếp ngủ. Chiếu là bổi, lấy bổi đắp lên người thay chăn. Mẹ vừa nấu bánh chưng, vừa hát ru chúng tôi ngủ.

Chừng 11 giờ khuya, mẹ đánh thức chị em tôi dậy vớt bánh chưng, rồi giúp mẹ múc chè đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Đêm giao thừa giá rét, mẹ bịt khăn, mặc áo bông. Thỉnh thoảng, mẹ lại ra ngó lên bầu trời. Theo kinh nghiệm của mẹ, nếu đêm giao thừa trời tối đen như mực thì năm mới làm ăn khó khăn. Còn đêm giao thừa trời đẹp, báo hiệu năm ấm no, làm ăn dễ dàng.

Sau khi cúng giao thừa, mẹ ngồi nghe đài tiếng nói Việt Nam phát ra từ chiếc loa truyền thanh của xã. Khi nghe những bài thơ về lính đảo, hoặc những câu chuyện đêm giao thừa của lính Trường Sa, mẹ bảo: “Bộ đội khổ lắm. Các chú bây giờ đang gác ngoài đảo xa, họ chẳng được đón giao thừa như ở đất liền”. Lúc đó, tôi chưa hiểu gì về bộ đội, nhưng tôi cảm nhận được tấm lòng của mẹ giành cho chiến sĩ hải quân đảo xa khi xuân về tết đến

2. Tháng 3 năm 1989 tôi lên đường tòng quân nhập ngũ. Mặc dù đất nước bước sang thời kỳ đổi mới được 3 năm, song với nghề trồng cói ở xứ Thanh như quê tôi còn đói khổ lắm. Bữa cơm sáng trước lúc lên đường, mẹ luộc một nồi khoai và niêu cơm nhỏ. Nói là khoai cho “oai” chứ đúng nghĩa là chạc khoai. Cả nhà quây quần bên mâm khoai sáng. Mẹ in cho tôi một bát cơm gạo trắng đầy, bảo: “Nay con được ưu tiên, cứ ăn no rồi đi, không phải ăn khoai đâu, đường xa đói lắm đó”. Mẹ bóc  vỏ củ khoai nhỏ đưa lên miệng dấu giọt nước mắt ngân ngấn chực trào. Cả nhà cười vui tiễn tôi lên đường bằng bữa cơm đặc biệt ấy.

Tạm biệt gia đình tôi lên huyện giao quân. Tiễn chân tôi ra đầu ngõ, mặt mẹ thoáng buồn. Tôi hiểu, mẹ đang cố nén những giọt nước mắt xúc động khi phải xa con mình và chẳng biết bao giờ gặp lại. Lúc đó, tôi cũng chưa hiểu thế nào là nhớ nhà. Mãi đến lúc trèo lên thùng xe tải, xe chuyển bánh, rặng tre đầu làng xa dần, bỗng nhiên tôi ứa nước mắt. Khuôn mặt mẹ hiện đầy tâm trí tôi.

Tết năm 1992, tức là sau 7 năm đất nước chuyển mình từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Mặc dầu nhiều nơi đã khởi sắc, song quê tôi vẫn nghèo nàn lạc hậu. Tết năm đó, tôi học năm thứ hai của Trường Sĩ quan Chính trị Quân sự. Ngày mùng 6 tết, tôi nhận được cái bánh chưng mẹ gửi từ quê qua anh đồng hương học trước một khóa. Vẫn đồng bánh chưng lẫn hạt mì, chỉ khác, có thêm vài hạt đậu làm nhân. Cầm cái bánh chưng trên tay, tôi trào nước mắt. Hình ảnh khuôn mặt mẹ già nhăn nhúm hiện dần trong tiềm thức. Dẫu miếng bánh chưng lạnh ngắt, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng.

Năm 1995, lần đầu tiên tôi đón tết ở nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau). Giữa biển nước mênh mông, chúng tôi ngồi quây quần bên nồi bánh chưng chờ phút giao thừa. Bánh chưng nấu bằng bếp dầu. Giờ sang canh, vớt bánh đặt lên bàn thờ Tổ quốc. Trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, mắt tôi cay cay xúc động. Hình ảnh chiếc bánh chưng độn hạt mì lại ùa về trong tiềm thức.

Thời gian như mũi tên bắn đi, thoáng cái đã 20 năm xa quê hương có lẻ. Tết năm 2012,  từ “trời nam” tôi lại về thăm mẹ. Nhắc lại chuyện bánh chưng độn hạt mì thời bao cấp, mẹ bảo: “Bây giờ chẳng ai ăn độn nữa đâu. Ngày đói khổ, nhà ai cũng vậy. Không có ngày xưa, sao có bây giờ” .

Trưa 30 tết, vẫn dáng người hao gầy, cái lưng còng ấy, mẹ cặm cụi lau lá chuối, gói bánh chưng. Bàn tay mẹ run run đong gạo nếp đổ lên lá chuối, rồi gói lại. Những chiếc bánh chưng không khuôn vẫn vuông vức như ngày nào, chỉ khác ruột bánh không có hạt mì như thời bao cấp nữa, mà thay vào đó là những hạt gạo tám thơm trắng ngần. Đêm ba mươi tết, trời rét căm căm, mẹ ngồi bên nồi bánh chưng kể chuyện ngày xưa đói khổ. Những câu chuyện cổ tích ấy tôi đã từng nghe từ thời bé nhỏ, giờ nghe lại vẫn thấy xao lòng .

Thời khắc giao thừa tới, mẹ vớt bánh chưng ra, đặt lên tràn cho ráo nước, rồi chọn cặp đẹp nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên. Xôi trắng, chè lam, bánh dùng cũng được đặt trang trọng trên bàn thờ. Vẫn chiếc áo bông sờn cũ, mẹ khấn khứa cầu mong sức khỏe cho cả nhà, một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.

Một mùa xuân nữa lại về trên khắp nẻo đường, góc phố làng quê. Thời kinh tế thị trường, đất nước phồn thịnh, việc làm bánh chưng ngày tết đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam. Bây giờ chẳng ai gói bánh chưng độn hạt mì, song với những ai đã từng sống thời bao cấp, chắc hẳn đã được thưởng thức nó.

Với tôi, hình ảnh mẹ ngày nào gói bánh chưng, cặm cụi bên bếp than hồng đêm ba mươi tết giờ chỉ còn là hoài niệm. Dẫu bánh chưng xuân này nhiều thịt, nhiều đậu thơm ngon, nhưng vẫn nhớ bánh chưng mẹ nấu ngày xưa. Đó là những cái bánh chưng mang nặng tình yêu thương của một đời tần tảo. Bánh chưng chất chứa bao nhọc nhằn gian khó thấm đẫm mồ hôi và cả những giọt nước mắt của người mẹ quê mùa.

Mai Thắng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách cải cách tiền lương
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 27, Chương trình hành động số 51, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến cải cách chính sách tiền lương được đẩy mạnh, tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuân về nhớ bánh chưng xưa