Theo dõi trên

Xuất khẩu lao động: Đường đi bao nỗi gập ghềnh

03/03/2017, 08:57

BT- Với ước muốn đổi đời, nhiều phụ nữ ở không ít vùng quê đã chọn con đường xuất khẩu lao động để có tiền. Giàu sang đâu chưa thấy, chỉ thấy không ít người rơi vào cảnh nhà tan, cửa nát và cùng với đó là nước mắt...

                
Lao động nữ Việt Nam làm giúp việc gia đình    tại Ả Rập Xê Út. Ảnh minh họa

Nước mắt nơi đất khách

Chị Lệ Mi ở xã Tân Phước (thị xã La Gi) là người may mắn được gia đình bỏ tiền đền bù cái gọi là “vỡ hợp đồng lao động” với công ty đưa người xuất khẩu để được về trước thời hạn, kể: “Không thể tưởng tượng nổi: Mỗi ngày phải làm việc khoảng 18 tiếng. Một mình phải dọn dẹp, lau chùi, nấu ăn trong một căn biệt thự có tới 12 phòng vệ sinh và phòng ngủ, chưa kể phòng khách, bếp… Nhưng ăn uống chỉ được ngồi một góc, còn ngủ nằm trên ghế trong bếp”. Khổ là thế nhưng chị Lệ Mi còn may mắn hơn nhiều người bạn khác. Có người làm xong việc nhà này bị chủ đưa qua nhà khác làm tiếp, khi có ý kiến bị chủ đánh đến nhập viện.

Chị Lệ Mi còn nói: “Có thể bị chủ nhà ở Ả Rập Xê Út đánh bất cứ lúc nào nếu  họ  cho rằng mình “trù ẻo”, không vui. Đã thế, phải tỉnh táo tìm cách đối phó với những ông chủ ham mê sắc dục vì có thể bị cưỡng bức bất cứ lúc nào”. Chị H, một người cũng đi lao động ở Ả Rập Xê Út gọi điện thoại về kể mình bị cầm nguyên cái bàn ủi nóng chà vào tay, phang vào đầu hay bị dùng roi quất như kiểu đánh nô lệ trong phim.

Lao động vất vả là thế, ăn uống kham khổ và liên tục bị bạo hành nhưng tiền công làm việc luôn bị chủ chậm trả, hoặc trả thiếu. Có người đi cả năm nhưng mới gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng, trong khi hợp đồng  lao động xuất khẩu ký trước khi đi thì ghi: “Được trả khoảng 9 triệu đồng/tháng”.

Chị H nói: “Tiếng Ả Rập không biết nhiều nên cũng chẳng biết cầu cứu ai. Nhớ nhà, uất ức quá thì lén tìm chỗ vắng gọi điện về cho người thân khóc lóc, tâm sự cho nguôi”. 

Tan vỡ hạnh phúc riêng

Chị Nguyễn Thị H, quê ở Thanh Hóa, có chồng và 2 đứa con, là một trong những người tan vỡ hạnh phúc  riêng khi ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động. Cách đây hơn năm, nhân vào chơi với chị gái tại phường Phước Lộc, chị  đồng ý sang Ả Rập Xê Út lao động với ước muốn “kiếm ít tiền về xây căn nhà và nuôi con ăn học”. Sau khi sang Ả Rập Xê Út, được 1 năm, hàng tháng chị đều chắt chiu dành dụm tiền gửi về quê nhà cho chồng nuôi con. Từ ngày chị đi lao động nước ngoài, anh chồng cũng nghỉ luôn việc làm để ở nhà chăm con. Phần vì xa vợ lâu ngày, phần nghĩ đồng tiền vợ kiếm được nơi xứ người cũng dễ dàng nên rảnh rỗi anh tụ tập bạn bè ăn chơi, bù khú và quan hệ tình cảm với một số phụ nữ. Gần đây, chị biết anh chồng mình đã gom hết số tiền ít ỏi chị dành dụm cả năm trời đi theo một người đàn bà khác để lại hai đứa con nhỏ bơ vơ nơi quê nhà không người chăm nom.

Hoàn cảnh của chị Minh ở phường Phước Lộc cũng bi đát không kém. Để lại chồng và 3 đứa con nơi quê nhà, chị sang Ả Rập Xê Út lao động. Bà con lối xóm cho biết: “Từ ngày vợ đi vắng, chồng thường xuyên vắng nhà về đêm, mỗi lần về đến nhà đều say khướt”.

Phần lớn lao động nữ sang Ả Rập Xê Út lao động, đều muốn quay trở về quê nhà sau khi đã làm ở đây một thời gian. Giờ thì chị H mới tỉnh ngộ, trong tin nhắn gởi về cho người thân ở La Gi, chị viết: “Ở quê mình nếu chịu khó làm ăn, một tháng cũng kiếm được dăm triệu đồng. Sướng gấp ngàn lần sang đây làm “ô sin” cho họ. Nhưng  làm sao có thể về khi không chạy được gần trăm triệu đồng đền bù hợp đồng cho công ty”.

Câu chuyện của những người phụ nữ kể trên chính là bài học cho những ai đang cố nuôi dưỡng ước mơ sang xứ người làm giàu bằng hai bàn tay trắng.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu lao động: Đường đi bao nỗi gập ghềnh