Theo dõi trên

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hoạt động liên quan.

01/05/2017, 09:40 - Lượt đọc: 288

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những nội dung và kết quả nổi bật của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30?

Việt Nam và những đóng góp quan trọng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 30

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng:Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình leo thang căng thẳng ở Bán đảo Triều Tiên và sự nổi lên các thách thức an ninh phi truyền thống.

Năm nay ASEAN bước vào năm thứ hai sau thành lập Cộng đồng và cũng là kỷ niệm 50 năm thành lập. Trong bối cảnh đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận ba chủ đề chính gồm: xây dựng Cộng đồng ASEAN; quan hệ đối ngoại của ASEAN) và tình hình thế giới và khu vực.

Về xây dựng cộng đồng, bên cạnh việc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả ba trụ cột, các Lãnh đạo đã chỉ ra các mặt cần khắc phục và đẩy mạnh hơn nữa trong xây dựng Cộng đồng, trong đó có: một là nhận thức của người dân về Cộng đồng ASEAN còn thấp; hai là sự phối hợp công tác giữa các cơ quan của ba trụ cột khác nhau trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên lĩnh vực còn yếu; ba là hợp tác kinh tế trong nội khối chưa đạt được những kết quả như mong muốn, ví dụ như tỷ lệ thương mại nội khối còn thấp, ngược lại còn xuất hiện thêm những rào cản phi thuế quan.

Từ đó, các Lãnh đạo đã đặt ra yêu cầu mới đối với các Bộ trưởng, các Quan chức cao cấp và các cơ quan ASEAN, cụ thể: cần ưu tiên xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân, vì nhân dân, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân để người dân được hưởng những lợi ích cộng đồng đem lại; tạo điều kiện hỗ trợ thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) phát triển; xóa bỏ các rào cản về thương mại, bằng mọi cách đẩy mạnh thương mại nội khối của ASEAN.

Các Lãnh đạo ASEAN cũng thấy rằng ASEAN cũng cần đẩy mạnh phối hợp trong ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, chống nạn cướp biển, biến đổi khí hậu hay vấn đề ma túy…

Nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hành chính công, các Lãnh đạo ASEAN đã kýTuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; nhấn mạnh vai trò và sự đóng góp của nền công vụ trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và đưa ra những biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác về công vụ trong ASEAN.

Về quan hệ đối ngoại, năm nay có nhiều hoạt động quan trọng với một loạt các dịp kỷ niệm lớn như 40 năm quan hệ ASEAN với Hoa Kỳ, EU, Canada, 25 năm với Ấn Độ và 20 năm hợp tác ASEAN+3 (3 nước Đông Bắc Á).

ASEAN cũng đang nhận được sự quan tâm và đề nghị thiết lập quan hệ chính thức của nhiều nước, tổ chức khu vực và quốc tế.  Các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã chỉ đạo cần tranh thủ dịp này để tăng cường hơn nữa quan hệ nhiều mặt với các đối tác, nâng cao sức hấp dẫn của ASEAN, thu hút và tranh thủ sự hỗ trợ đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp tích cực vào hợp tác khu vực, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.

Các Lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; xem đây là một nhân tố quyết định để duy trì và phát huy vai trò của ASEAN ở khu vực và vươn ra toàn cầu.

Về tình hình quốc tế và khu vực, các nước nhấn mạnh trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, ASEAN cần có tiếng nói chung mạnh mẽ, phát huy vai trò tích cực và đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới nói chung. Các Lãnh đạo đã hoan nghênh việc kịp thời ra Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đối với những vấn đề nóng như về các vụ khủng bố ở Châu Âu và căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Về Biển Đông, đây là vấn đề hầu hết các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng đã đề cập trong phát biểu, trong đó bày tỏ lo ngại về những diễn biến hiện nay trên thực địa ở Biển Đông, bao gồm những biểu hiện của quân sự hóa. Các nước đều khẳng định lập trường chung ASEAN, đề cao giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên Bố DOC và thúc đẩy sớm hoàn thành khung Bộ quy tắc COC với mục tiêu đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế góp phần duy trì an ninh, ổn định và đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình và hợp tác.

Với những kết quả trên, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30, Cấp cao đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2017 của Philippines có ý nghĩa quan trọng, xác định rõ các ưu tiên, nhiệm vụ và hoạt động của ASEAN trong năm nay, năm “kỷ niệm vàng” của ASEAN.

PV:Xin Thứ trưởng cho biết  về sự tham gia và đóng góp của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng:Với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Hội nghị đã có những đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị.

Thứ nhất, ngay từ khâu chuẩn bị tổ chức Hội nghị, Việt Nam đã rất chủ động phối hợp với Philippines và các nước ASEAN tham gia vào việc cụ thể hoá các chủ đề ưu tiên cho năm ASEAN 2017 do nước chủ tịch Philippines đề xuất.

Thứ hai, chúng ta đã tích cực tham gia vào việc xây dựng các văn kiện chung của ASEAN cũng như các nội dung được trình Hội nghị Cấp cao ASEAN 30 thảo luận, thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Nhóm Đặc trách Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ trong bối cảnh hai bên đang hướng tới 25 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ đối thoại.

Thứ ba, trong tất cả các chủ đề được thảo luận và thông qua tại Hội nghị, Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến trên cơ sở nêu cao đoàn kết ASEAN, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tuân thủ luật pháp quốc tế và kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của ASEAN, vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Tại Hội nghị, để xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến ba điểm.

Thứ nhất là ưu tiên hàng đầu cho việc đáp ứng lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, khẳng định cần tích cực hỗ trợ  để giúp các doanh nghiệp trong ASEAN phát triển tốt hơn. Đồng thời, ASEAN cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu biết hơn về Cộng đồng ASEAN và tranh thủ những lợi ích mà cộng đồng đem lại.

Thứ hai, Thủ tướng đặt ưu tiên việc ASEAN cần cải cách, tiếp tục triển khai các biện pháp cải tiến tổ chức bộ máy và lề lối hoạt động theo hướng tinh giản số lượng, tăng tính hiệu quả của các cuộc họp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký ASEAN và các cơ quan của ASEAN, tăng tính kết nối giữa các trụ cột cộng đồng.

Thứ ba,Thủ tướng nêu trọng tâm hợp tác nội khối và liên kết khu vực, trong đó chú trọng tăng cường hợp tác trong ASEAN nhằm củng cố nội lực, gia tăng sức hút của ASEAN, tạo nền tảng vững chắc để mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư bên ngoài.

Bên cạnh các vấn đề khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thảo luận các nội dung nhằm xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu và cướp biển. Thủ tướng cũng đã chia sẻ quan ngại về những căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông và nhấn mạnh ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản và lập trường chung về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

PV:Xin Thứ trưởng cho biết các hoạt động tiếp xúc song phương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và kết quả của các hoạt động tiếp xúc này?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng:Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte. Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước này cũng như đề xuất những biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc lớn còn tồn tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp bà Aung San Suu Kyi, Trưởng đoàn Myanmar dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 30.

Với Malaysia, hai Thủ tướng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 20 tỉ USD vào năm 2020 và tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước trong việc chống cướp biển để đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực.

Trả lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Malaysia hứa sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho người hồi giáo, xem xét tăng lao động Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực Malaysia có nhu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp Malaysia đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng Malaysia nêu rõ sẽ đảm bảo quá trình tố tụng, xét xử Đoàn Thị Hương diễn ra công bằng và đảm bảo các quyền hợp pháp của Đoàn Thị Hương.

Với Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh cần tiếp tục đàm phán thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực còn nhiều tiềm năng hợp tác như thương mại, đầu tư, giao thông vận tải, tài chính, tư pháp, giáo dục, viễn thông và đặc biệt là nông nghiệp, quốc phòng. Phía Myanmar nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

Trong cuộc gặp với Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Brunei thúc đẩy đầu tư vào thị thường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, chế biến thực phẩm xuất khẩu, khai thác dầu khí và những lĩnh vực khác còn nhiều tiềm năng hợp tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Brunei tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư vào các lĩnh vực dầu khí-dịch vụ dầu khí, các mặt hàng thực phẩm cho người hồi giáo và nông sản tại Brunei. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị hai bên xem xét thúc đẩy hợp tác liên doanh đánh cá trong vùng biển Brunei theo pháp luật sở tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Thái Lan đồng ý cần cân bằng cán cân thương mại và thúc đẩy hợp tác đầu tư, tăng cường tuyên truyền và phối hợp cảnh báo trước để giảm thiểu số tàu cá hai nước vi phạm lãnh hải của nhau. Nhân dịp này, Thủ tướng Thái lan đã trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thái Lan và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui vẻ nhận lời.

Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte khẳng định rất coi trọng tình bạn với Việt Nam; hoan nghênh Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm chính thức Philippines trong năm 2017. Trả lời đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Duterte cảm ơn việc Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo ổn định, dài hạn cho Philippines.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mời Tổng thống Duterte tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 và với tư cách chủ tịch ASEAN, tiếp tục phối hợp và ủng hộ các sáng kiến của Việt Nam đề xuất trong năm APEC Việt Nam 2017.

PV/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 và các hoạt động liên quan.