Theo dõi trên

Bạo lực học đường - nhức nhối và phẫn nộ

09/04/2019, 08:22

BT- Mấy ngày qua, dư luận xã hội hết sức phẫn nộ với vụ một học sinh ở Hưng Yên bị đánh, lột đồ rồi quay clip và phát tán lên mạng. Không ai dám tin những nữ sinh mới lớp 9 lại có thể thay nhau giật tóc, đánh, đá, đạp, tát bạn nữ cùng lớp một cách hung hãn như thế. Tính chất dã man vượt xa trí tưởng tượng của nhiều người.

Học sinh bắt nạt nhau không còn là hiện tượng hiếm gặp. Một hay nhóm học sinh có hành vi bắt nạt, một hay nhóm học sinh khác như trêu chọc, trấn lột tiền hoặc dụng cụ học tập, mắng nhiếc, đe dọa, đánh đập gần đây xuất hiện nhiều trên các trang báo. Mới đây, không ít phụ huynh Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Phan Thiết) tỏ ra lo ngại sau khi nghe thông tin nhiều học sinh của trường bị tống tiền. Các đối tượng này là những học sinh từng học ở trường nhưng đã bỏ học và quay lại trường để tống tiền những em đang học. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, gây áp lực tâm lý rất lớn đối với nhiều em khi không dám nói ba mẹ lẫn thầy cô. Còn nhớ, cách đây nhiều năm, Bình Thuận cũng xuất hiện 1 clip nữ sinh bị đánh hội đồng trên bãi biển thị trấn Phan Rí Cửa chỉ vì “nhìn mặt không ưa”. Điều đáng ngạc nhiên là, có rất đông nữ sinh có mặt nhưng bàng quan, thờ ơ trước cảnh đánh nhau, thậm chí còn hô hào, cổ vũ…

Người lớn - cả thầy cô lẫn phụ huynh, có khi không hay biết, có khi xem đó như là chuyện tự nhiên của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết mà không biết rằng những hành vi đó nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra những tổn thương thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân. Các em bị bắt nạt rất dễ bị trầm cảm và luôn có cảm giác thấp kém, nhìn đâu cũng thấy đe dọa, nguy hiểm rình rập, không có ai yêu thương. Vấn nạn bắt nạt kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập chung vì học sinh không cảm nhận được sự an toàn ngay trong chính ngôi trường của mình.

Trong những trường hợp trên, nhiều ý kiến cho rằng cần đuổi học các em có hành vi bắt nạt mới trừng trị thích đáng. Nhưng đuổi học không giải quyết được cái gốc của vấn đề mà lại vô tình đùn đẩy cho người khác - như gia đình, khu phố nơi các em sinh sống. Hậu quả có khi tệ hại hơn bởi một khi rời khỏi sự giáo dục và giám sát của nhà trường, rất có thể các em gia nhập hoặc thành lập những băng nhóm gây rối xã hội. Thay vì sử dụng hình phạt, nhà trường nên trang bị cho học sinh những giá trị sống và kỹ năng sống, hiểu về giá trị của bản thân để ít nhất các em biết cách kết bạn và không đơn độc, lẻ loi, biết cách đối phó với những kẻ bắt nạt.

Một ngôi trường được học tập thân thiện, an toàn là khi ngôi trường đó có những chương trình hoạt động xã hội thu hút các em giải tỏa năng lượng hoặc chứng tỏ giá trị của mình, có quan hệ thầy trò gần gũi để các em dễ tỏ bày, hoặc có nhân viên xã hội học đường, giáo viên tư vấn tâm lý để lắng nghe các em. Xây dựng có hiệu quả chương trình trường học thân thiện học sinh tích cực, phát huy được tính độc lập, sáng tạo và sự năng động, tự tin của học sinh, tin chắc tình trạng bắt nạt học đường sẽ giảm đi đáng kể.

Song Nguyên



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạo lực học đường - nhức nhối và phẫn nộ