Theo dõi trên

Bếp ăn trường bán trú: Khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.

07/11/2016, 09:51 - Lượt đọc: 6

BT - Trường mầm non, tiểu học là nơi tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ và học sinh. Nếu không kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm thì không ngăn được nguy cơ ngộ độc tập thể cũng như  ảnh hưởng sức khỏe thể trạng của một thế hệ.

         
   

   

      Bữa ăn của học sinh    bán trú (ảnh minh họa).

Kiểm tra thủ tục là chủ yếu

Theo phân cấp quản lý bếp ăn tập thể trường học tại Phan Thiết, Phòng Y tế thành phố quản lý 102 cơ sở; trong đó có 16 trường công lập, 76 trường tư thục và 10 nhóm trẻ. Tháng 10/2016, Phòng Y tế lập đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể của 22 trường học tại Phan Thiết. Với kết quả, 12 cơ sở đạt theo quy định bếp ăn một chiều từ nơi tiếp phẩm đến quá trình sơ chế, quá trình nấu và chia thức ăn; được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm… 10 cơ sở vi phạm các lỗi như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe hết hiệu lực và không đúng theo quy định, nhân viên bếp chưa tham gia tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không có hợp đồng cung cấp thực phẩm, không thực hiện xét nghiệm nước định kỳ theo quy định.

Ông Phạm Văn An – Phó Phòng Y tế Phan Thiết thừa nhận: Việc kiểm tra an toàn thực phẩm tại các trường học chỉ kiểm tra các thủ tục giấy tờ, thực sự chưa kiểm tra được chất lượng thực phẩm đó có an toàn hay không. Bởi đoàn kiểm tra chưa được trang bị bộ dụng cụ thử nhanh. Trong đoàn, chỉ có một cán bộ được tập huấn kiểm tra mẫu và lấy mẫu. Nếu cán bộ này ốm đau, đi học… thì đoàn kiểm tra cũng “bó tay”.

Không rõ nguồn gốc

Dạo quanh cổng sau các trường vào khoảng 6 giờ 30 - 8 giờ sáng, dễ dàng nhận thấy người đàn ông hoặc phụ nữ chạy xe honda giao túi ni lông rau, cá, thịt, mực… được mua từ chợ đến các trường học mỗi ngày. Nhân viên của trường kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan thấy tươi thì đồng ý sử dụng. Nếu trường có đầu tư máy sục ozone thì rau cá... được rửa qua máy này nhằm loại bỏ chất độc tồn dư trong quá trình sơ chế.

Qua đó cho thấy, chất lượng thực phẩm đầu vào của các trường học bán trú Phan Thiết chỉ kiểm tra bằng mắt thường nên khó biết được có an toàn hay không, mặc dù các bếp ăn này chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Nếu không kiểm soát, giải quyết vấn đề này thì nguy cơ thực phẩm như: cá, thịt, rau củ có tồn dư hóa chất bảo quản như hàn the, u rê, các chất bảo vệ thực vật khác… âm thầm hủy hoại sức khỏe của trẻ, học sinh.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông An đề nghị ngành chức năng nên tập huấn việc lấy mẫu cho nhiều cán bộ trong đoàn kiểm tra. Đồng thời, mong muốn được cấp kinh phí đầu tư hóa chất, trang thiết bị… về kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

         
   

      Đức Linh:  Kiểm tra bếp ăn tập thể trường học

   

      Trong tháng 10 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm    huyện Đức Linh đã tiến hành kiểm tra đột xuất các bếp ăn tập thể tại    15 trường học, nhóm trẻ và căn tin ở một công ty.

   

      Qua kiểm tra cho thấy, có 6 cơ sở vi phạm về bảo hộ, khám sức khỏe,    tập huấn kiến thức; 1 cơ sở không có hợp đồng thực phẩm sử dụng chế    biến thực phẩm; 1 cơ sở chưa đảm bảo biện pháp ngăn ngừa côn trùng    và động vật gây hại trong khu chế biến thực phẩm; 7 cơ sở không thực    hiện việc kiểm nghiệm nước theo quy định; 4 cơ sở  thực hiện việc    lưu mẫu thực phẩm chưa đúng theo quy định; 3 cơ sở bố trí bếp ăn    chưa đảm bảo theo nguyên tắc một chiều; 7 cơ sở chưa có giấy chứng    nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn kiểm tra liên    ngành đã lập biên bản kiểm tra, nhắc nhở 16 cơ sở khắc phục sai phạm    trong thời gian sớm nhất; yêu cầu 7 cơ sở viết cam kết đảm bảo chất    lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.

         Nguyễn Văn Thạnh

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bếp ăn trường bán trú: Khó kiểm soát nguồn gốc thực phẩm.