Theo dõi trên

Các trung tâm học tập cộng đồng: Kém hiệu quả do hoạt động kiêm nhiệm

07/08/2017, 08:41 - Lượt đọc: 36

BT- Toàn tỉnh có 127/127 xã, phường, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ).  Các TTHTCĐ được bàn giao cho UBND các xã, phường, thị trấn, phòng GD&ĐT trực tiếp quản lý chỉ đạo. Thời gian qua, các TTHTCĐ trong tỉnh đã phối hợp với Hội Khuyến học, các ban, ngành, đoàn thể điều tra nhu cầu học tập của người dân. Từ đó, tùy theo điều kiện của từng địa phương để tổ chức các lớp học trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu học tập thiết thực của các tầng lớp nhân dân.

Trong đó, đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các lớp học tập, quán triệt nghị quyết, chính sách, pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Phối hợp với các ngành y tế của huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em; về sinh đẻ có kế hoạch và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ, phòng chống bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, an toàn vệ sinh thực phẩm. Về lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh; phòng trừ các loại dịch bệnh đối với nhiều loại cây trồng, con nuôi, vật nuôi mà các huyện đang tập trung phát triển như chăn nuôi bò, heo, lúa, điều, cao su, thanh long. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện, các cơ sở sản xuất tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về đan lát, may công nghiệp, học lái xe hạng A1… Các hoạt động trên đã thu hút hàng nghìn lượt người dân tham gia học tập. Qua đó đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên từng địa bàn, giúp người dân hiểu biết, nắm rõ hơn về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đa số các TTHTCĐ trong tỉnh còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong 127 TTHTCĐ, chỉ có 28 trung tâm có trụ sở riêng, có đủ chỗ làm việc và hội trường. Các TTHTCĐ còn lại chủ yếu là mượn hội trường UBND xã, phường, thị trấn, một số trung tâm kết hợp với nhà văn hóa xã, phường, thị trấn nên không đảm bảo về cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động của trung tâm. Mặt khác, Theo Hội Khuyến học tỉnh, các lớp học tại trung tâm chủ yếu là học tập, quán triệt nghị quyết, chính sách và các lớp khuyến nông, khuyến ngư… do cấp ủy, UBND, các ngành, đoàn thể tổ chức. Các trung tâm không xây dựng được kế hoạch hoạt động, không chủ động trong mở lớp. Nguyên nhân chủ yếu do Ban giám đốc đều hoạt động kiêm nhiệm, Giám đốc trung tâm do Phó Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm bận nhiều việc ít tập trung cho hoạt động của trung tâm; Phó giám đốc thường trực là giáo viên được cử sang chưa làm được vai trò tham mưu cho Ban giám đốc…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các TTHTCĐ trong tỉnh đã đưa ra các giải pháp như đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục trong việc huy động các nguồn lực mua sắm trang thiết bị; tiến hành khảo sát và nắm bắt nhu cầu học tập của người dân; đa dạng hóa nội dung, chương trình và hình thức học tập, tiếp tục mở rộng nội dung học tập trên các lĩnh vực… Nhưng liệu những giải pháp trên đã đủ mạnh chưa để giải được “bài toán” nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ. Đây là vấn đề lớn cần sự giúp sức của các ngành để các cơ sở này phát huy tác dụng của một trung tâm đúng nghĩa.

Hà Trúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các trung tâm học tập cộng đồng: Kém hiệu quả do hoạt động kiêm nhiệm