Theo dõi trên

Cần có những biện pháp cứng rắn hơn

02/04/2021, 14:51

BT- Gần đây, tình trạng học sinh đặc biệt là học sinh nữ đánh nhau đang có xu hướng gia tăng ở khắp các vùng miền trong cả nước mà những vụ việc sau thường có tính chất côn đồ hung hãn hơn những vụ trước. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy, có lẽ một phần do luật pháp của chúng ta còn mang tính khoan hồng với trẻ em vị thành niên, cùng với cách suy nghĩ của nhiều người “giơ cao đánh khẽ”, “mở cho các em một con đường…” nên các hình thức kỷ luật ở các trường học đang áp dụng hiện nay cho những học sinh vi phạm chưa đủ sức răn đe, chưa làm các em thấy sợ, thấy ân hận vì những gì mình đã làm, đã gây ra. Vì thế, chẳng ai lấy đó làm gương và rút cho mình một bài học.

Chúng ta thử điểm lại một số vụ đánh nhau làm dậy sóng cộng đồng mạng trong thời gian vừa qua. Đó là hình ảnh một học sinh ở Mỹ Tho - Tiền Giang đánh bạn một cách dã man và bắt bạn quỳ gối xin lỗi. Một học sinh tát bạn tới 52 cái chảy máu mũi ở Mộc Châu, Sơn La. 3 học sinh ở Hiệp Đức, Quảng Nam đánh bạn đến chấn thương sọ não, tỷ lệ thương tích 21%... Tất cả những hành động trên cũng chỉ nhận hình thức kỷ luật của nhà trường là hạ một bậc hạnh kiểm, đọc bản kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Đây được xem như hình thức kỷ luật nặng mà các trường học thường áp dụng. Nghe đuổi học một tuần và hạ hạnh kiểm có vẻ gì ghê gớm lắm nhưng với học sinh lại chẳng nghĩa lý gì. Nhiều học sinh đi học chính quy trên trường còn trốn học, cúp tiết đi chơi. Nay bỗng dưng được nghỉ học một tuần, với nhiều em đó không phải là hình thức kỷ luật mà là một “đặc ân” bởi các em sẽ được thoải mái đi chơi một cách hợp pháp.

Nhưng nếu không áp dụng hình thức kỷ luật như thế, nhà trường sẽ phải xử lý các em thế nào mới mang tính răn đe? Ngay như việc 3 học sinh đánh bạn đến chấn thương sọ não, hành động này đã thể hiện rõ tính côn đồ, hung hãn nhưng theo luật “Học sinh chưa trên 16 tuổi sẽ lập hồ sơ đưa về công an thị trấn để đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa phương. Nếu tái phạm lỗi tương tự mới đưa đi trường giáo dưỡng”. Vì thế, dù đánh bạn gây thương tích trên 20% cũng không thể xử lý hình sự các em được.

Học sinh nữ đánh nhau. Ảnh minh họa

Chưa nói đến việc một số trường học lại đang sai lầm khi áp dụng hình thức kỷ luật cả những học sinh bị hại. Như trường hợp học sinh bị đánh và quỳ gối xin lỗi bạn ở Tiền Giang nhận hình thức kiểm điểm trước hội đồng kỷ luật nhà trường. Hay học sinh bị tát 52 cái cũng bị khiển trách vì liên quan đến mâu thuẫn, cãi nhau trên Facebook mới dẫn đến vụ việc…

Theo sự lý giải của một số thầy cô ở các trường “dù đúng sai thế nào học sinh ấy cũng đã trực tiếp gây nên mâu thuẫn với bạn”.  

Cũng vì điều này, nhiều học sinh bị bắt nạt, bị bạn đánh không dám báo với thầy cô vì sợ bản thân mình cũng bị vạ lây theo kiểu quy chụp của nhiều người “không có lửa làm sao có khói?”. Nhưng thực tế nhiều khi “lửa không có mà khói vẫn nghi ngút”. Sự việc nhỏ xảy ra, các em cứ giấu nên đôi khi thầy cô cũng chẳng biết gì, không được giải quyết mâu thuẫn triệt để sẽ lớn dần đến lúc xảy ra đụng độ cũng là điều đương nhiên.

Chưa nói đến việc không ít trường học sau khi xảy ra việc học sinh trong trường đánh nhau thậm chí gây thương tích phải nhập viện. Vì sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua nên nhà trường yêu cầu được xử lý một cách nhẹ nhàng theo kiểu hòa giải giữa hai gia đình. Và thế là những học sinh vừa dùng vũ lực với bạn cũng chỉ bị xử lý bằng việc hạ một bậc hạnh kiểm.

Hạn chế tình trạng bạo lực học đường ngoài việc từng gia đình phải luôn giáo dục con cái ngay từ khi còn nhỏ, thầy cô luôn gần gũi yêu thương và răn dạy các em nhưng nhà trường và luật pháp cũng cần mạnh tay với những trẻ nhỏ nhưng đã có “máu giang hồ”, cương quyết đưa những em này vào trường giáo dưỡng hoặc buộc thôi học một năm gửi về địa phương quản lý. Sau thời gian kỷ luật nếu được địa phương nhận xét tốt mới tiếp tục đến trường để học lại.                          

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần có những biện pháp cứng rắn hơn