Theo dõi trên

Câu chuyện giáo dục: Lỗi giáo viên hay lỗi do bệnh thành tích?

02/12/2016, 14:29

BT- Mới đây, tại Sóc Trăng đã xảy ra trường hợp: một học sinh lớp 6 nhưng không biết đọc, biết viết. Học sinh này  được trả về trường tiểu học nơi trước đây em theo học. Tương tự, Báo điện tử Dân Việt cũng có bài viết “Học sinh lớp 6 nhưng phải nhìn bảng để… chép chữ”. Nội dung bài báo phản ánh: 3 học sinh Hồ Thị Thu, Hồ Thị Củ và Hồ Thị Phay (cùng lớp 6A, Trường THCS Tân Thuận, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) không biết viết chữ gì ngoài tên của mình.

Liên quan đến 2 trường hợp trên, Sở Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã cảnh cáo nhà trường và khiển trách các giáo viên liên quan. Còn ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa cho biết: “Phòng đang  kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý trách nhiệm của các cá nhân, giáo viên, nhà trường vi phạm để xảy ra sự việc như báo nêu. Qua đây cũng nhận thấy giáo viên, nhà trường, gia đình, chính quyền và toàn xã hội cần nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với học sinh”.

Bắt bệnh chưa đúng, sao chữa?

Giáo viên có học sinh ngồi nhầm lớp đều bị quy vào tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm với học sinh”, hoặc “Thầy cô dạy học lơ là, chưa phối hợp tốt với gia đình và địa phương”.  Nhưng trên thực tế  không phải lớp nào có học sinh yếu như nói trên thì giáo viên không tận tâm. Có những học sinh không chịu học, không tiếp thu được dù là kiến thức đơn giản hoặc tiếp thu quá chậm, học trước quên sau, một số em lại có vấn đề về nhận thức… Bởi thế, dù cố gắng hết mình  nhưng mọi nỗ lực của giáo viên  không được đền đáp.

Không có thầy cô giáo nào lại muốn cho học sinh yếu kém lên lớp, bởi hơn ai hết họ hiểu rằng làm như thế là trút gánh nặng lên  đồng nghiệp mình; là trực tiếp hại đời các em. Bởi nếu cho các em ở lại lớp, việc học của các em sẽ tốt lên rất nhiều. Buộc các em lên lớp coi như cướp đi cơ hội học tập của trẻ. Bởi kiến thức cũ nắm chưa chắc, kiến thức mới lại quá cao, các em sẽ học đuối dần đến không biết gì nữa. Dẫn đến việc học sinh chán nản và nghỉ học là điều không thể tránh khỏi. Vậy thì vì sao một số thầy cô giáo vẫn bất chấp những điều này để buộc học sinh phải lên lớp?

Nỗi khổ của giáo viên

Học sinh lưu ban nhiều sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu của nhà trường đã đăng ký, đặc biệt là những trường chuẩn quốc gia. Thôi thì có quá nhiều chỉ tiêu như chỉ tiêu lên lớp thẳng, chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi, chỉ tiêu về hiệu quả đào tạo sau 5 năm… Các chỉ tiêu càng buộc chặt thì quyền hạn cho học sinh ở lại lớp để củng cố kiến thức đã không còn thuộc giáo viên mà thuộc vào Ban giám hiệu các trường. Rất ít  Ban giám hiệu muốn trường mình bị xếp hạng yếu, mất chuẩn,  không đạt chỉ tiêu học sinh lên lớp thẳng  bởi từ lâu bệnh chạy theo thành tích trong ngành giáo dục chưa được chữa khỏi. Vì vậy, không ít Ban giám hiệu đau đầu để tìm biện pháp thích hợp với “học sinh yếu”. Một số biện pháp được đưa ra như bồi dưỡng, phụ đạo, phối hợp với từng gia đình… nhưng như chúng ta biết “dục tốc bất đạt”, mười ngày, một tháng thì khó lòng mà làm thay đổi một học sinh từ yếu lên trung bình. Cuối cùng để không mất chuẩn… những học sinh yếu  ấy “bị” lên lớp để giáo viên lớp trên tiếp tục kèm cặp, bồi dưỡng. Tình trạng ấy được lập lại vào năm tới  và vẫn như thế. Cái vòng luẩn quẩn vướng chỉ tiêu cứ thế không có hồi kết.

Vậy nên kỷ luật giáo viên cũng chẳng giải quyết được gì, khi và chỉ khi không còn áp đặt chỉ tiêu về các trường thì việc học sinh ngồi nhầm lớp mới hoàn toàn chấm dứt.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện giáo dục: Lỗi giáo viên hay lỗi do bệnh thành tích?