Theo dõi trên

Chào năm học mới

06/09/2019, 10:36 - Lượt đọc: 45

BT- Tiếng trống khai trường đã ngân vang, thầy cô và học sinh náo nức vào năm học mới (2019 – 2020), học trò chờ đợi đón nhận những điều mới mẻ, thấy mình lớn lên một tí, mong được tiếp nhận kiến thức cao hơn năm học trước. Nhưng chương trình và sách giáo khoa hiện hành thì đang cố định, mới với học sinh chứ không mới với giáo viên đứng lớp.

                
Ảnh minh họa

Nghĩ về trang giáo án

Giáo viên mới ra trường, thường những năm đầu soạn giáo án khá dài, nhưng càng về sau soạn càng ngắn. Đến khi soạn giáo án bằng máy vi tính, nếu yêu cầu mỗi năm phải soạn mới, chỉ cần mở tập tin lưu trên máy để bổ sung, điều chỉnh, thuận lợi hơn thời viết tay rất nhiều. Thế nhưng, không ít giáo viên mấy khi đầu tư bổ sung, mà chỉ sửa lại ngày tháng biên soạn cho phù hợp với năm học mới, rồi in ra, sạch đẹp, đối phó với kiểm tra. Nhiều năm trôi qua, cũng ngần ấy kiến thức, nói đi nói lại, thuộc lòng, lên lớp cần chi giáo án. Tôi còn nhớ, có lần về trường kiểm tra chuyên môn, anh bạn trong đoàn phát hiện, cá biệt một giáo viên xin file giáo án của một giáo viên trường khác để in ra, rồi ghi tên mình, nhưng vội vàng đến mức không kịp xóa tên trường của đơn vị bạn trong giáo án. Nêu hiện tượng trên để thấy, năm học mới, với giáo viên, việc giảng dạy nếu cứ như thế thì chẳng có gì mới.  

Tâm huyết với nghề đi cùng sáng tạo

Điều mà hiện nay giáo dục thế giới đang hướng đến là giúp đỡ tạo tâm thế cho học sinh gia nhập vào cuộc sống nghề nghiệp ngay từ bậc phổ thông, có những vấn đề nằm ngoài sách giáo khoa trong nhà trường. Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ một phần, mà dạy học theo sách giáo khoa hiện hành khó mà phát triển tư duy sáng tạo của học sinh để hội nhập vào thị trường lao động thế giới. Bởi đơn thuần cung cấp kiến thức, học sinh sẽ gặp khó khăn, có khi thất bại khi vào đời hành nghề. Các nhà khoa học, tâm lý giáo dục thấy rằng chỉ số thông minh (IQ) chưa hẳn đã đưa những con người ấy đạt được thành công đến đỉnh cao, mà khả năng thuộc lĩnh vực trí tuệ xúc cảm (EQ) (tự điều chỉnh, tự nhận thức, tự lực thúc đẩy, khả năng thấu cảm và các kỹ năng giao tiếp)(1) mới là điều quan trọng trong thành đạt. Họ đã nghiên cứu cho thấy rằng chỉ số IQ của trẻ từ sau thế chiến thứ II đến nay ngày càng phát triển cao hơn trước, nhưng năng lực trí tuệ xúc cảm cơ bản ở trẻ giảm sút diễn ra trên khắp thế giới. Dấu hiệu rõ nhất “là tỷ lệ ngày càng tăng những người trẻ tuổi gặp những vần đề như: bị xa lánh, nghiện hút, tội phạm và hung bạo, phiền muộn, mất khả năng kiểm soát trong ăn uống, có thai ngoài ý muốn, bắt nạt người khác và bị đuổi học”(2). Vấn đề họ đặt ra ở đây là khối óc và con tim, lý trí và tình cảm. Chỉ số IQ cao thấp ở mỗi con người phần lớn do bẩm sinh - “trời phú”, nhưng trí tuệ xúc cảm (EQ) là nhờ quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện để hình thành – song nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng, hơn cả IQ, trong việc thành đạt của con người khi vào đời lập nghiệp. Đây là yếu tố (nằm ngoài sách giáo khoa) để giáo viên có thể tham gia giúp đỡ học sinh phát triển. Nhưng làm được điều đó trước tiên chính bản thân giáo viên phải là người tự rèn luyện để có năng lực về trí tuệ xúc cảm, phải có khả năng đọc được tín hiệu của người khác (là học sinh), thấu hiểu, đồng cảm, mới đưa ra được những đàm phán, hồi đáp phù hợp mới trợ giúp được học trò tốt hơn. Những giáo viên có năng lực chuyên môn cao và tâm huyết nghề nghiệp đã từng làm được những điều đó với học sinh của mình.

Kêu gọi đổi mới, nhưng vẫn bình chân như vại, cứ theo dõi làm sao để học sinh đi thi đỗ với tỷ lệ cao, nên giáo viên cứ thế theo đường quen lối cũ, nhồi kiến thức một cách khô khan vào não bộ học sinh là chính – dạy học để thi. Đến đây, tôi nhớ câu nói của nhà giáo dục John Dewey: “Nếu chúng ta dạy dỗ học trò của ngày hôm nay như cách chúng ta dạy ngày hôm qua, ta cướp đi tương lai của họ”(3). Năm học mới nhưng cách dạy học lặng thầm theo con đường cũ, là nguy cơ đang báo động về sự tụt hậu trên con đường trợ giúp tuổi trẻ đi vào tương lai. Chắc chắn học sinh cũng đang chờ điều gì đó thật mới ở thầy cô đến với họ.

Võ Nguyên

Nguồn tham khảo: (1), (2): “Trí tuệ xúc cảm – ứng dụng trong công việc” của Daniel Goleman, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, 2018; (3): John Dewey (1859 – 1952), nhà triết học lớn nhất nước Mỹ nửa đầu thế kỷ XX, nhà giáo dục vĩ đại, ảnh hưởng làm thay đổi nền giáo dục Mỹ suốt thế kỷ XX, đã đóng góp lớn vào công cuộc cải cách giáo dục của nhân loại. Một trong những danh ngôn khó quên của ông: “If we teach today’s students as we taught yesterday’s, we rob them of tommorow”.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chào năm học mới