Theo dõi trên

Chiếc roi trên bục giảng

24/05/2019, 09:45

BT - Nhiều năm qua, cứ âm ỉ hiện tượng bạo lực học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành hàng loạt các chỉ thị, thông tư, quyết định… chỉ đạo, nhưng bạo lực không giảm xuống mà càng nóng lên, làm bức xúc tâm lý cộng đồng; một dấu hỏi to tướng treo lửng lơ: Vì sao như vậy ? Gợi tôi nhớ đến chiếc roi thầy giáo ngày xưa.

Thầy tôi ngày ấy

Tôi sinh ở một làng quê xa phố thị. Tuổi thơ chúng tôi nhiều người thất học, ấp (thôn) có một ngôi trường chỉ dạy lớp Năm và lớp Bốn (lớp 1, lớp 2 bây giờ), còn lên lớp Ba, Nhì, Nhất phải về trường xã để học. Học sinh thời ấy tuy một lớp nhưng độ tuổi rất chênh lệch. Khi tôi học lớp Bốn, anh Mén là người lớn nhất, đến 12, 13 tuổi. Trường tọa lạc trên vị trí: đất phía sau dân làng trồng sắn, phía trước là đồng ruộng. Vùng thổ canh này có rất nhiều dông, chúng đào hang vào sát bờ tường lớp học. Hôm ấy anh Mén đến trường sớm, đặt chiếc bẫy ở miệng hang cạnh cửa sổ nhìn ra. Khi thầy vào lớp, anh cứ ngồi thấp thỏm nhìn chiếc bẫy. Hai lần thầy nhắc: Mén, tập trung vào học. Nghe nhắc, Mén tỏ ra ngoan ngoãn một tí, rồi lại lén nhìn ra cửa sổ. Bỗng anh vụt đứng dậy, hét toáng lên: Được rồi! Làm cho cả lớp giật mình nhốn nháo nhìn theo, thấy con dông đang treo lủng lẳng vùng vẫy trên sợi dây cần bẫy. Thầy nghiêm nét mặt, lệnh: Mén, lên đây! Anh Mén bước lên trước lớp, thầy với tay lấy chiếc roi trên bàn. Anh Mén hốt hoảng phóng ra cửa chạy. Thầy cầm roi đuổi theo ra giữa đồng. Lúc ấy, cha anh Mén đang cuốc cỏ lúa, thấy vậy, ông ném cuốc chạy đón đầu. Rồi chính ông dẫn anh Mén cùng thầy về lớp. Ông nói với Mén: Mày thấy không, to con nhất lớp, mà chẳng ra gì, ngu là phải. Rồi xoay sang thầy: Thầy cứ đánh nó cho tôi, để nó chừa cái thói nghịch ngợm, không lo học hành. Khi đó thầy đã bỏ chiếc roi trên bàn, đứng im. Cha Mén chạy lại bàn chụp lấy chiếc roi: Thầy không đánh, để tôi đánh cho nó biết. Thầy chặn lại lấy chiếc roi: Đủ rồi, nó đang sợ, biết lỗi rồi, từ nay nó sẽ không đùa nghịch trong giờ học nữa đâu. Nghe thế, anh Mén bật khóc, chắp tay quỳ xuống xin lỗi. Trưa về, tôi kể lại cho cha tôi nghe, ông nói, học thì học, bẫy dông thì bẫy dông, cái nào ra cái đó, đánh cho chừa. Nghe cha tiếp sức như thế, tôi lạnh cả người. Rồi cả ấp ai cũng biết, nhưng họ rất đồng tình với thầy. Các bạn lớp Năm học bên cạnh, nghe thấy thế sợ chết khiếp. Từ đó đến hết năm học, rồi lên trường xã học lớp Ba, chúng tôi nghe các bạn lớp Bốn nói chiếc roi vẫn để trên bàn thầy, nhưng không một lần nào thầy đụng đến nữa, bởi không còn ai dám vi phạm điều gì trong giờ học. Thời ấy, ở cái làng như quê tôi, chưa bao giờ được nghe cụm từ “phối hợp ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội”. Còn thầy tôi lúc mới học hết đệ lục (lớp 7 bây giờ) thì nghỉ, về lấy vợ, lập gia đình ở ngay trong ấp, làm ruộng. Đến lúc ấp xây được ngôi trường, mời ông ra dạy, khi ấy đã vào tuổi trung niên, chưa qua trường lớp sư phạm nào cả, nhưng dân trong làng ai cũng quý mến, tin tưởng thầy.

Rau nào sâu nấy

Chúng tôi kể lại chuyện này không có nghĩa là đồng tình với kỷ luật học sinh bằng roi vọt, bởi giáo dục luôn phát triển để đáp ứng quá trình phát triển tâm sinh lý tuổi trẻ khác nhau ở mỗi thời kỳ. Điều chúng tôi muốn đề cập đến là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để thể hiện sự uy nghiêm trong giáo dục. Chiếc roi trên bục giảng của thầy ở đây không phải chuyện đánh hay không đánh, mà là sự nhắc nhở về khuôn phép kỷ luật học đường đối với học sinh, với mỗi gia đình có con đi học. Trong thời gian qua, có những cha mẹ - đặc biệt là người mẹ, con mình đến lớp nghịch phá, trốn học, khi làm bài quay cóp, vi phạm nội quy, ăn uống trong giờ học như đang ngồi ven quán vỉa hè, thầy cô nhắc nhở lại tỏ thái độ vô lễ, láo xược… Nhà trường mời phụ huynh đến để trao đổi, lại không đến. Khi xét kỷ luật, hạ hạnh kiểm, thì mẹ đến trường nhảy choi choi lên, mắng thầy cô chủ nhiệm, chửi cả ban giám hiệu, thậm chí có khi dùng bạo lực, còn quay clip ném lên mạng bêu riếu không đúng sự thật. Vì thế không ít thầy cô lại sợ những học trò hư, những phụ huynh ứng xử vô văn hóa, không coi thầy cô, nhà trường ra gì. Chúng tôi nghĩ, sự xuống cấp về đạo đức học sinh không đổ lỗi hết cho thầy cô, mà cốt lõi là từ môi trường giáo dục gia đình mà ra. 

Còn chuyện một số giáo viên ứng xử phản giáo dục như đánh tát dã man vào mặt, vào thái dương, vào chân tay học sinh đến mưng mủ phải nhập viện, lại là chuyện khác, chúng tôi chưa đề cập ở bài viết này.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếc roi trên bục giảng