Theo dõi trên

Chuyện khởi nghiệp “lạ lùng” của Thanh

26/03/2019, 09:20

BT- Có trong tay tấm bằng trung cấp dược, nhưng trở thành triệu phú nhờ nghề buôn bán và sửa chữa nông ngư cơ. Hai ngành nghề có vẻ chẳng liên quan gì, nhưng đó là câu chuyện khởi nghiệp thú vị của chàng thanh niên (SN 1986) Trương Ngọc Thanh ở khu phố Lâm Giáo, thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc).

                
Trương Ngọc Thanh đang sửa chữa máy cho    khách.

Cửa hàng nông ngư cơ rộng rãi với đầy đủ mặt hàng ngay tuyến đường chính của khu phố nên khách vào ra liên tục. Người hỏi mua bình xịt thuốc, ống bơm, có người chạy xe hơn 30 cây số chỉ để mua một chiếc máy cắt cỏ hay sửa máy. “Khách ở xa thì nghe người ta giới thiệu rồi tìm đến, còn lại khách quen hết”, Thanh đứng lên cười xòa để bào chữa cho cuộc trò chuyện thi thoảng bị gián đoạn giữa chúng tôi.

Không làm nông nghiệp và rành rẽ về máy móc, nhưng ngồi nghe Thanh giải thích những điểm yếu, mạnh từng loại máy cắt cỏ, cũng như cách sử dụng, bảo quản cho từng loại, tôi cũng hiểu ít nhiều. Chả trách trong cuộc trò chuyện trước, Thanh lại nói: Người bán hàng luôn phải đặt chữ tín lên hàng đầu, có như vậy mới bám trụ với nghề được lâu. Tôi thoạt nghĩ nếu là một dược tá, anh chàng này sẽ rất mát tay và tận tâm với khách. Đặt vấn đề này với Trương Ngọc Thanh, liền nhận ngay câu trả lời: Nếu là một dược tá, chưa biết bao giờ tôi mới có cơ ngơi như thế này. Hóa ra, khát vọng làm giàu đã được ấp ủ ngay sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trung cấp dược, đó là hơn 10 năm về trước.

Gia cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, may mắn có chị gái và họ hàng bao bọc, chở che cho ăn học. Thanh thấm thía những giọt mồ hôi nhọc nhằn của chị, sự thiếu thốn đủ bề trong gia đình, những lần gia hạn tiền học. Sau khi học xong lớp 12, anh lên Đắc Lắc theo người cậu để học nghề sửa chữa nông ngư cơ. Nhưng chị gái lại không muốn nhìn em suốt ngày lấm lem dầu mỡ và quyết tâm cho em theo học ngành dược của Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận. Vậy mà những con ốc, chiếc kềm, chiếc máy cắt, máy kéo, tôn kẽm vẫn khiến chàng thanh niên ngoài 20 mê hoặc hơn, cùng thời điểm đó thanh long được giá, nông dân các nơi không ngừng gia tăng diện tích. Không lâu sau, kiot sửa chữa nông ngư cơ Ngọc Thanh ra đời, với số vốn lận lưng 30 triệu đồng.

“Thời gian đầu bao giờ cũng khó, nhất là tìm kiếm khách hàng. Thế nên hễ có người gọi, dù xa mấy tôi cũng tới tận nơi để sửa. Có lẽ phần thấy mình nhiệt tình, phần giá cả, chất lượng máy tốt nên nhiều người thương, giới thiệu gần xa. Ngày đi sửa máy, chăm sóc vườn thanh long, cuối tuần lại tham gia hoạt động Đoàn thanh niên. Ở môi trường đó tôi gặp nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh tiêu biểu và học hỏi được rất nhiều điều. Mới đây lại được hỗ trợ vay 110 triệu đồng vốn khởi nghiệp. Bây giờ kinh tế gia đình đã ổn, từ bản thân mình, tôi muốn chia sẻ với những bạn muốn khởi nghiệp rằng: Cái quan trọng nhất của người trẻ không có điều kiện là phải chịu khó và biết giữ ước mơ, bởi ý chí có thể quyết định nhiều thứ”, Trương Ngọc Thanh chia sẻ.

    
     “Cái quan   trọng nhất của người trẻ không có điều kiện là phải chịu khó và biết giữ   ước mơ, bởi ý chí có thể quyết định nhiều thứ”

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện khởi nghiệp “lạ lùng” của Thanh