Theo dõi trên

Chuyện phiếu bé ngoan

09/06/2017, 14:13

BT- Trên báo Bình Thuận cuối tuần số 5741 ngày 21/4/2017, trong bài “Tiệm cận để hiểu mình” tôi có đề cập đến chuyện phiếu bé ngoan, sau đó nhận được một số thông tin phản hồi qua điện thoại. Nhưng có hai ý kiến (một cô giáo, một phụ huynh) cùng nội dung hỏi tại sao tôi và anh bạn nhà báo nào đó tỏ ra phản đối việc cấp phiếu bé ngoan cho các cháu mẫu giáo?!

Ý kiến của cô giáo và phụ huynh

Nói rằng việc phát phiếu bé ngoan cho các cháu hằng ngày là giúp cho cha mẹ biết được sinh hoạt của cháu ở lớp có nghe lời cô giáo, có ăn ngủ đúng giờ, có đùa nghịch, quậy phá hay không… Điều đó đã được áp dụng từ xưa đến nay trong nhiều nhà trường trên cả nước, “các anh” có ý gì mà đưa ra ý kiến phản bác để làm hoang mang như vậy?

Đôi điều cơ bản cần hiểu về trẻ  

Công nhận hiện nay các nhà trường bán trú đều có chế độ chăm lo cho các cháu khá chu đáo, hàng ngày lên thực đơn ăn món gì, hàng tháng kiểm tra đưa lên bàn cân để xem các cháu có tăng trọng hay không. Nên dùng mọi biện pháp để bắt các cháu phải ăn, cháu nào lười ăn thì  dọa buộc phải ăn cho hết khẩu phần (chưa kể những trường hợp ở một số cô giáo có hành vi phản giáo dục, như đánh đập dã man với các cháu biếng ăn). Vấn đề này, những nhà sư phạm mẫu giáo nếu được đào tạo chính quy một cách chu đáo đều biết rằng cơ địa sinh lý – hệ thống tiêu hóa của mỗi trẻ không giống nhau, có cháu muốn ăn món này mà không thích ăn món kia, nên đừng ép buộc ăn những món mà các cháu không thích. Có những trẻ không thể dung nạp khẩu phần ăn cùng một lúc mà cần phải chia ra làm nhiều đợt trong ngày. Có trẻ khi ở nhà cha mẹ thường cho ăn quà vặt, nên có hiện tượng no giả tạo, hoặc ở nhà cha mẹ cung cấp khá nhiều chất dinh dưỡng nên cơ thể đã đủ năng lượng… dẫn đến biếng ăn trong những bữa ăn chính thức. Có khi hệ thống tiêu hóa của các cháu có vấn đề nên không ăn được. Nhưng thực đơn khẩu phần ăn của hàng trăm cháu ở nhà trường thì đều như nhau, nên hiện tượng cháu này ăn ngon cháu kia ăn kém là chuyện hết sức bình thường, bởi các cháu không phải là những thanh niên cường tráng như những người lính ở các doanh trại. Ngay cả người lớn khi đến căng-tin, quán cơm ăn mỗi người cũng chọn riêng cho mình món ăn theo khẩu vị khác nhau (chưa nói đến những nhà hàng buffet). Vấn đề đặt ra là các nhà sư phạm mẫu giáo lẽ nào không biết điều đó, nhưng đã thể hiện vai trò tham vấn thật chu đáo với từng đối tượng và tư vấn cho cha mẹ để có biện pháp phối hợp nuôi – dạy trẻ đến đâu rồi trong thời gian qua?

Hiện tượng cho rằng các cháu nghịch phá. Các bác sĩ tâm lý trong quá trình nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý mà cha mẹ, thầy cô không biết. Những trẻ như vậy thường không tuân thủ những quy định trường lớp đặt ra, hay gây gổ, luôn hoạt động, không thích ngồi yên lâu, có cháu không tập trung lâu vào một việc gì, hay quên, lơ đãng, có khi tỏ thái độ chống đối những yêu cầu của người lớn và còn nhiều biểu hiện khác nữa,... Không biết trước những biểu hiện như thế của trẻ, cô giáo, nhà trường, cha mẹ đã phối hợp với nhau đưa đến bác sĩ chuyên khoa khám chữa cho các cháu hay chưa? Đây là vấn đề rất quan trọng trong phương pháp nuôi dạy trẻ ở các trường mẫu giáo, cha mẹ và thầy cô đã phối hợp làm được đến đâu? Hay là cứ nhận xét, đánh giá đến mức vô tình mà quên đi những nỗi đau thiệt thòi của các cháu? 

Không đơn giản trong nuôi - dạy trẻ 

Tâm sinh lý của trẻ vô cùng đa dạng phức tạp như vậy, thế nào là ngoan, thế nào là chưa ngoan là cả một vấn đề. Tôi nghĩ khoa học sư phạm trong giáo dục trẻ là vấn đề rất lớn, những nhà sư phạm mẫu giáo phải biết hợp tác giữa các cháu và cha mẹ để có biện pháp cùng đồng hành giúp trẻ phát triển một cách an toàn nhất, tạo cho trẻ một tâm thái an nhiên, xây dựng mối quan hệ hòa đồng bình đẳng chia sẻ với nhau. Trong các bậc học, mẫu giáo là bậc dạy – học khó nhất, nền tảng nhất của mỗi đời người, không phải ai dạy cũng được. Nên việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mẫu giáo chuẩn mực là cực kỳ quan trọng mà lâu nay gần như chưa thật chú ý. Đừng quá hững hờ với hiện tượng tâm sinh lý của con cháu mình mà đưa ra vấn đề danh hiệu, thành tích, hơn thua, được mất. Nhiều cha mẹ đến đón con ở sân trường câu hỏi đầu tiên là hôm nay có được phiếu bé ngoan không? Nếu con nói “không” thì sẽ nhận ngay những lời trách mắng, nếu nói “được” thì mừng rỡ về khoe khoang với mọi người như một thành tích – mà không quan tâm gì đến tâm trạng của con. Đó cũng là bệnh hình thức làm nảy sinh và hình thành tâm lý tự tôn, hoặc tự ti mặc cảm ngay từ buổi ban đầu thơ ngây đến lớp ấy là rất nguy hại cho thế hệ mai sau.

Trong sự phát triển của khoa học sư phạm tiên tiến ngày nay, người làm công tác giáo dục phải biết nhanh chóng chọn lọc, cái gì lạc hậu, lỗi thời thì nên dứt bỏ.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện phiếu bé ngoan