Theo dõi trên

Chuyện về một học sinh khuyết tật vượt lên số phận: Thời áo trắng đẫm nước mắt

02/06/2017, 09:01

BT- Nguyễn Trung Kỳ bước lên nhận phần thưởng với nụ cười tươi tắn trong lễ tổng kết năm học 2016 - 2017.

Nguyễn Trung Kỳ chững chạc, linh động, xông xáo điều khiển lớp 12A11 của mình trong lễ tri ân của học sinh 12 Trường THPT Hàm Thuận Nam. 

Khó có thể nghĩ rằng hành trình đến lớp của Kỳ lại đẫm nước mắt, lại buồn nhiều hơn vui. Những giọt nước mắt đầm đìa, ràn rụa trên má cả hai khi người mẹ lam lũ và chàng trai khuyết tật 18 tuổi (sinh 27/7/1999), cao 1,25m này ngồi kể cho tôi nghe về thời thơ ấu đặc biệt, về con đường đến lớp, về ý chí và nghị lực vươn lên từng ngày của họ. 

                              
      
Nguyễn Trung Kỳ trong lễ tri ân trưởng    thành - khi tôi 18 của Trường THPT Hàm Thuận Nam.
      
Tác giả bên em Nguyễn Trung Kỳ.

 Từ những muỗng nước cơm đầu đời

Mẹ của Kỳ, bà Nguyễn Thị Hoa, liên tục cúi xuống, vén tà áo lên chậm nước mắt nhưng hai má bà vẫn cứ ràn rụa, bà kể chuyện về đứa con tật nguyền của mình mà cũng chính là kể về một quãng đời nhiều đớn đau của mình.

...Ngày sinh hắn ra không ai giúp cho tí nào mô, anh em đều nghèo, ai cũng đang bận tự lo cho gia đình mình. Bữa đói bữa no nhưng vẫn gắng sức nuôi con, hai bầu vú chẳng có giọt sữa nào mô, cứ chắt nước cơm cho hắn uống. Đói, hắn khóc thét lên, lại quýnh quíu bế hắn chạy khắp xóm xin tí sữa. Vậy đó mà hắn càng lớn càng dễ, cứ nằm chơi cho mẹ còn đi buôn bán kiếm đồng ra đồng vô, có cái mà đong gạo, sinh hắn ba ngày là phải đạp xe đi mua mấy bao than về bán lại cho người ta kiếm chút lời. Mới sinh ra hắn có chút xíu à, khoảng một ký mấy thôi, chưa bằng cái phích nước mô. Đẻ hắn nhưng không có tiền trả tiền thuốc men cho cô đỡ, có hai trăm ngàn đồng mà trả mãi mới được trăm, còn lại cô đỡ cho luôn. Ban ngày đôn đáo vậy mà cứ đêm đến là ngồi ôm hắn mà khóc, một phần nếu hai mẹ con đều ngủ thì sợ mấy con chuột bò ra cắn hắn, chòi tranh vách đất mà, chuột nhiều lắm...

Năm hắn vô lớp 1 vẫn cứ nhỏ chút, lủn tủn đi học, nắng non mưa gió gì hắn cũng đi, mẹ có chở được mô, mẹ phải đi kiếm tiền đong gạo, có bữa hàng xóm thấy tội chở giùm về. Vậy mà hắn vẫn đều đặn đến lớp, hắn ngoan lắm. Mãi năm lớp 6, mẹ mới ráng góp tiền cho con đi xe buýt...

Hoàn cảnh mình vậy phải lo kiếm tiền nuôi con, không biết than vãn với ai. Đời mình không có chữ nên quyết cho con đi học. Hắn học xong lớp 12 đã là điều mơ ước quá lớn của mẹ rồi. Trời cho con trưởng thành như hôm nay là mừng lắm. Nhưng thấy chân cẳng hắn rứa, lo rồi đây đi học xa không có bàn tay chăm chút của mẹ không biết con sống răng được. Con chưa đi, mới nghe vậy thôi mà nước mắt đã tuôn rồi.

Ở nhà, mẹ nhịn cơm cho con ăn, mẹ giặt cho cái áo cái quần, đi xa rồi, tay chân như rứa chẳng biết làm răng. Mừng lắm mà cũng lo lắm!

 Trở thành người bình thường cũng không phải dễ

Thấy hai mẹ con cùng khóc rấm rức vậy, tôi đề nghị mẹ của Kỳ đi rửa mặt cho nhẹ nhõm bớt trong lòng. Còn lại một mình, Kỳ vẫn không thôi nước mắt: "Hồi con học tiểu học, chẳng có đứa bạn nào chơi với con, tụi nó xấu hổ vì con tật nguyền đó. Giờ ra chơi nào con cũng ngồi tu lu một mình, bày ra cái gì đó rồi tự chơi với mình thôi. Sau, con cứ lăn vào chơi với tụi nó, mới đầu chúng lảng ra, dần dần cũng có đứa cho con chơi chung. Có bạn, con đi học vui hơn trước nhưng thấy kết quả học tập của mình không cao lại tủi thân. Chắc nếu không bị tật nguyền như vậy thì cũng không buồn tủi đến mức ấy nhưng sự mặc cảm làm cho con không sao vui được. Con quyết tâm học, quyết tâm trở thành người bình thường như bao đứa bạn khác. Trở thành người bình thường cũng không phải dễ, con tật nguyền vậy mà. Phải nỗ lực hơn mới được, lúc nào con cũng tự nhủ với mình như vậy. Con cứ nhích dần trong sự cố gắng tối đa và bây giờ con cũng đã học xong lớp 12 với thành tích học sinh tiên tiến...". Khi được hỏi về dự định tiếp theo, Kỳ cho biết đang tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và đã đăng ký nguyện vọng vào Khoa tin học Trường Đại học Sài Gòn.

Thầy Huỳnh Minh Châu, phụ trách bộ môn tin, người nhiều lần định hướng cho Kỳ theo khoa này nhận xét: "Em Kỳ mặc dù tật nguyền nhưng rất siêng năng, học vững, nếu theo khoa tin, nhất là được chuyên sâu phần cứng, nhất định em sẽ thành công. Tôi luôn tin tưởng và kỳ vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với Kỳ bởi em sống nhiệt tình với mọi người và cũng rất chịu khó học hỏi".

Một cô giáo dạy Kỳ ở lớp 12 chia sẻ: "Em Kỳ tội lắm, vậy đó mà cứ ước mơ lớn lên thành đạt, sẽ đi giúp các bạn cùng hoàn cảnh tật nguyền như mình. Em hay thỏ thẻ với tôi về điều này, ít có người bình thường có được tấm lòng cao đẹp như vậy".

"Trở thành người bình thường cũng không phải dễ", tôi nghĩ mãi về câu nói của học sinh Nguyễn Trung Kỳ, một câu nói bật ra từ trải nghiệm vươn lên thành người bình thường của chính một con người tật nguyền với chiều cao cơ thể chỉ có 1,25m. Tôi nghĩ và bị ám câu nói đó vì hiểu ra nếu huy động được tiềm lực bên trong mình thì con người sẽ có sức mạnh để vượt bất kỳ nghịch cảnh nào và cũng vì một câu hỏi ong ong trong đầu: Xã hội đâu rồi, sao không ai đưa bàn tay yêu thương ra cho một con người mang số phận tật nguyền như Kỳ? Sao sống giữa cộng đồng đông đúc này mà mẹ con họ lại chịu cảnh cô đơn, tự bươn chải, tự vươn lên như thế?

Dù sao thì Nguyễn Trung Kỳ cũng đã trưởng thành với kỳ tích xong chương trình học bậc phổ thông trung học, đáng mừng và tự hào bởi Kỳ phải nỗ lực gấp nhiều lần người bình thường để trở thành người bình thường. Còn con đường phía trước? Mong lắm thay những yêu thương đồng hành cùng em!

Ghi chép: Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về một học sinh khuyết tật vượt lên số phận: Thời áo trắng đẫm nước mắt