Theo dõi trên

Cô giáo của những học sinh khuyết tật

21/11/2017, 08:47 - Lượt đọc: 390

BT- Từ nhiều năm nay, hơn 120 học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ ở Tổ ấm Huynh Đệ (F1 211/34 Nguyễn Thị Định, phường Phú Tài, TP. Phan Thiết) luôn xem các sơ, cô giáo ở đây như những người bạn, người mẹ thân thương của mình...

                
   Giáo viên Tổ ấm Huynh Đệ hướng dẫn học    sinh tập viết.

Tấm lòng của cô

Giờ học dành cho trẻ khuyết tật do cô Trần Thị Hiền Trinh phụ trách thật đặc biệt. Chỉ có 19 học trò từ 7 – 15 tuổi nhưng khá huyên náo bởi tiếng trẻ đọc phát âm, tập đếm, tiếng trêu đùa lẫn nhau không rõ nghĩa… Khi thấy chúng tôi tới thăm và chĩa ống kính vào lớp học, nhiều em đứng dậy thích thú cười vang, có em tỏ ra e ngại nên cúi mặt xuống bàn, em lại chạy khỏi chỗ ngồi, nhưng thay vì giận dữ, quát mắng, cô giáo lại nhẹ nhàng đến từng em chỉ dẫn để tập trung vào giờ học.

Sinh ra các em đã có những khiếm khuyết trên cơ thể, nhiều em dù 6- 7 tuổi nhưng vẫn chưa biết tự vệ sinh cá nhân, nên giáo viên tại Tổ ấm Huynh Đệ không đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo mẫu, chăm lo cho trẻ. Hiền Trinh tâm sự: “Những ngày đầu chưa quen, vì thế em cũng như nhiều sơ và giáo viên khác đã nôn thốc nôn tháo sau khi xử lý và dọn “kết quả” của học trò. Ngày đó em mới 18 tuổi, đang theo học cao đẳng xã hội học nên mẹ rất ái ngại khi thấy mỗi lần con gái đi làm về lại bỏ bữa. Công việc vất vả nhưng mỗi lần nhớ lại ánh mắt, nụ cười, những cái ôm học sinh dành cho mình, em thấy các bé cần được yêu thương hơn. Cứ thế em làm việc ở đây hơn 5 năm và muốn gắn bó với nơi này lâu dài”.

Sơ Lê Thị Liêm cho biết thêm: Trẻ khuyết tật khả năng nhận thức, diễn đạt có phần hạn chế nên không chịu ngồi yên một chỗ, thích chạy nhảy nhưng lại không làm chủ được hành động của mình. Nhiều em tự làm cho mình bị thương, thậm chí ném đồ vật, đánh lại cô giáo. Việc tiếp thu bài cũng rất hạn chế, nếu một trẻ phát triển bình thường chỉ cần hướng dẫn nhanh cách xếp hình, nhận biết màu sắc, viết chữ, đếm số... là thuộc bài ngay nhưng các em ở đây kéo dài đến cả tuần, thậm chí cả tháng cũng không xong. Vì thế các lớp học ở Tổ ấm Huynh Đệ rất đặc biệt, chỉ có thể dựa theo khả năng nhận thức của các em để phân lớp. 

                
   Sơ Lê Thị Liêm đang dạy trẻ tự kỷ nhận    biết màu sắc.

Giúp trẻ hòa nhập cộng đồng

122 trẻ khuyết tật đang học tập tại Tổ ấm Huynh Đệ đều mắc các bệnh Dow, tự kỷ, bại não, chậm phát triển và có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Bằng tình yêu thương con trẻ, 4 sơ và 15 cô giáo thiện nguyện của nhà dòng phụ trách 7 lớp học và lớp can thiệp tại đây đều mong muốn các em phát triển theo chiều hướng tích cực, có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Sơ Hoàng Thị Liên – Giám đốc Tổ ấm Huynh Đệ cho biết: Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật cần kiên nhẫn gấp bội. Hầu như hành vi nào của các bé khuyết tật cũng gây ra ức chế, do đó ngoài tấm lòng yêu trẻ, cần có phương pháp giáo dục phù hợp theo từng nhóm bệnh. Hiện học sinh ở Tổ ấm Huynh Đệ tuổi từ 2,5 – 25, chủ yếu thuộc địa bàn TP.Phan Thiết, các xã Hàm Kiệm, Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) và 1/3 trong số đó có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì vậy ngoài dạy cho các em biết kỹ năng hòa nhập cuộc sống, làm quen với chữ cái, các cô còn hướng dẫn làm quen với may vá, làm hoa voan, xâu hạt cườm.

Các cô ở Tổ ấm Huynh Đệ luôn nhắc bản thân “thỉnh thoảng nên làm một việc thiện” và truyền thông điệp ấy cho học trò của mình. Những việc xuất phát từ trái tim ấy đã lan tỏa, từ năm 2004 đến nay có rất nhiều tổ chức xã hội, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh biết đến, ủng hộ vật chất cho các em học tập.

Nhìn đám học trò vui cười, nhún nhảy theo điệu nhạc, hát vang những ca khúc ca ngợi tình cô trò, đối với các sơ và giáo viên tại Tổ ấm Huynh Đệ đây chính là món quà vô cùng lớn trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 này. 

Thùy Linh



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo của những học sinh khuyết tật