Theo dõi trên

Cổng

03/07/2020, 11:17 - Lượt đọc: 18

BT- Cổng, nghĩa phái sinh tiếng Việt có nhiều cách hiểu, cổng trời, cổng thông tin điện tử... Ở đây, hiểu theo nghĩa gốc, cổng là ranh giới không gian địa lý - hành chính dân cư, có lối đi từ bên trong ra, bên ngoài vào... nó gắn với hàng rào, bờ tường bao bọc chung quanh, được thiết kế tùy theo yêu cầu nhất định nào đó, như cổng chào, cổng làng, cổng nhà; cổng: dinh thự, đình chùa, lăng tẩm, cơ quan, trường học... Với tuổi thơ, ngoài hình ảnh ngôi nhà của mình, thường có 2 hình ảnh đi vào ký ức theo suốt cuộc đời, đó là hình ảnh xóm làng nơi sinh ra lớn lên và ngôi trường mình từng theo học, đặc biệt trong đó có cái cổng làng và cổng trường. 

Chuyện xưa nay - ấn tượng với làng

Vừa rồi về quê, không ngờ gặp anh bạn người làng Dâu. Anh chở tôi tham quan lòng vòng, nói rằng cái cổng làng này đã xây hơn 100 năm trước, tồn tại được là nhờ đạn bom chiến tranh một thời tránh nó, gợi tôi sực nhớ lại hồi còn rất nhỏ, có lần ông bác kể, thời đó chưa có xe đạp, nói chi đến xe máy, bác cưỡi ngựa đi cách xa hơn 30 cây số qua làng Dâu này để hỏi vợ. Nói “hỏi vợ” nhưng “dịch ra” từ ấy là đi tán gái. Còn gọi làng Dâu bởi qua bên kia cánh cổng là một vùng phù sa dọc bờ sông trồng dâu xanh ngát – dân chuyên nuôi tằm – cô ấy thuộc gái đẹp làng Dâu. Hay tin bác đi hỏi vợ, bọn trai làng Dâu mai phục đánh bác. Nhờ võ nghệ cao cường, không những phòng vệ mà còn đánh trả một trận nên thân, làm chúng bái phục, sau này có 2 thằng theo bác học võ, bác mới lấy được vợ. Bác nói đặc sản thường để đãi khách của họ là nhộng với bánh tráng nướng, lâu lâu thưởng thức món ấy một lần thì tuyệt lắm. Dân làng ấy không những trồng dâu, nuôi tằm, dệt đũi mà còn biết buôn bán, nên họ giàu hơn làng mình. Chỉ đi ngang qua nhìn cái cổng làng cũng đã thấy sang trọng rồi. Mà con đường và cái cổng làng Dâu là tiền của mấy ông quan tự bỏ ra xây, chứ không phải của dân góp đâu. Tôi hỏi sao ở xứ mình chẳng thấy xây cổng làng? Bác bảo lo ăn chưa xong, ai nghĩ đến chuyện xây cổng làng. Tôi nhìn con đường vào làng nay đã đổ bê tông, còn kiến trúc cổng làng vẫn nguyên như cũ, cổ kính, trang nghiêm. Anh bạn nhìn tôi cười: “Ngày nay dù ở nơi xa/ Nhưng khi về đến cây đa đầu làng/ Thì bao nhiêu cảnh mơ màng/ Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre”(*). Rồi nói, bây giờ, xuất phát từ nhiều quan niệm, nhiều nơi người ta đua nhau xây dựng cổng làng, có nhiều cổng hoành tráng, nhưng cũng có nơi tỏ ra phô trương, băn khoăn là bên trong cái cổng ấy còn những căn nhà xập xệ, những đoạn đường sình lầy, đời sống dân tình còn gặp khó khăn.    

Ấn tượng với trường

Ngôi trường làng hồi tôi học lớp 5, 4 (tức lớp 1, 2 bây giờ) không tường rào, không cổng, những ngày nghỉ – nhất là ngày hè, người ta thả bò vào gặm cỏ, phân bò rải rác khắp nơi trong sân trường. Đến lớp ba, nhì, nhất (lớp 3, 4, 5 bây giờ) lên học trường xã, trường xây 2 trụ cao làm cổng chính, 1 trụ thấp làm cổng phụ, không xây tường rào. Quý thầy phát động phụ huynh, học trò tìm cây dăm bụt trồng quanh trường, rồi phân công chăm sóc. Khi tôi học hết lớp nhất, từ giã ngôi trường tiểu học ấy ra đi thì những cây dăm bụt đã phát triển thành hàng rào lá xanh, cắt xén vuông vức, chạy dài thẳng tắp, lại có hoa nở đỏ tươi. Chắc là có duyên, khi vào đời, tôi gắn bó suốt 40 năm với ngành giáo dục. Những lúc đi công tác, có khi đến thăm những ngôi trường mới xây, vui khi thấy có tường rào, cổng trường sừng sững trang nghiêm, cũng có những cổng trường không chút cầu kỳ, nhẹ nhàng, thanh thoát, rất thẩm mỹ; thỉnh thoảng lại gặp những cổng xây bề thế, nhưng thô, không hài hòa với không gian trường lớp bên trong. Có lúc vào hè về vùng quê, thấy vài cổng trường xệ cánh, hàng rào xiêu vẹo kẽm gai, người ta thả dê vào sân trường gặm cỏ, làm cho không gian giáo dục trở nên xác xơ, hắt hiu, có cái gì phản cảm, khó ưa. Khi ấy lại nghĩ, không biết các bạn cùng học ngôi trường tiểu học với tôi ngày xưa sau này còn có ấn tượng gì không, nhưng riêng tôi, cái hàng rào dăm bụt và 3 trụ cổng (2 cao 1 thấp) trước sân trường ngày ấy cứ luôn in đậm trong nỗi nhớ, thanh thản, nhẹ nhàng, đẹp đến hồn nhiên. 

Nghĩ rằng, tùy theo không gian từng nơi, xây dựng được cổng làng, cũng như cổng trường, nhằm khắc ghi dấu ấn đẹp đẽ, lại thiêng liêng trong tâm hồn trong sáng tuổi thơ, để họ mang theo suốt cả cuộc đời, cũng hết sức cần trong môi trường giáo dục.

Võ Nguyên

(*) Trích “Cổng làng” – Bàng Bá Lân.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổng