Theo dõi trên

Công văn của Bộ Giáo dục “đá chéo” nhau

27/10/2017, 08:54

BT- Ngày 3/10/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số: 4612/BGDĐT-GDTrH do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký “hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018” đã gây nhiều hoang mang với đội ngũ giáo viên đứng lớp trên toàn quốc.

Mâu thuẫn trong văn bản

Công văn hướng dẫn chuyên môn chỉ một đoạn đưa ra hai nội dung trái ngược, “đá chéo” lẫn nhau: “điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong sách giáo khoa (SGK) vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”.

Đã yêu cầu giáo viên “bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu”. Vậy những “thông tin mới” lấy từ đâu ra để “thay cho những thông tin cũ, lạc hậu”? Một giáo viên đứng lớp có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng, khi phát hiện những sai sót, lạc hậu trong SGK, dứt khoát họ sẽ loại bỏ những đơn vị kiến thức đó để tìm những đơn vị kiến thức mới phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình từ những ngữ liệu khác “ngoài sách giáo khoa” đưa vào bài giảng. Những thao tác này giáo viên phổ thông đã áp dụng trong nhiều năm nay, do chính Bộ GDĐT hướng dẫn triển khai thực hiện. Trong Công văn số: 791/HD-BGDĐT của Bộ GDĐT ngày 25/6/2013 đã từng nhấn mạnh: “Rà soát nội dung chương trình, SGK hiện hành để loại bỏ những thông tin cũ, lạc hậu đồng thời bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp”. Lâu nay, trên tinh thần đó, giáo viên phổ thông xem SGK là tài liệu tham khảo đáng tin cậy, chứ không xem SGK là pháp lệnh. Như vậy tại sao bộ lại ban hành công văn hướng dẫn chuyên môn năm học mới là “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK”. Từ “tuyệt đối” trong câu là một từ mệnh lệnh bắt buộc phải thi hành. 

Tư duy không nhất quán

Từ SGK đến việc ra đề kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, thử xem lại một số đề thi THPT quốc gia nhiều năm gần đây, như môn ngữ văn chẳng hạn. Phần đọc – hiểu đề thi THPT quốc gia năm 2016, trích một đoạn trong bài “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, từ câu “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói” đến câu “Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời” gồm 5 khổ thơ với 20 câu. Đề thi THPT quốc gia năm 2017 trích một đoạn văn xuôi khá dài (hơn 250 từ) trong “Thiện, Ác và Smartphone” của Đặng Hoàng Giang từ “Lòng trắc ẩn có từ sự thấu cảm” đến “Cậu đợi cho tới khi anh khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng” (Đây là đoạn trích gây phản ứng tranh cãi rất nhiều về từ “thấu cảm”). Hai ngữ liệu được trích ra đề ở trên hoàn toàn nằm ngoài SGK.

Công văn số 4462/BGDĐT-QLCL ngày 25/9/2017 của Bộ GDĐT hướng dẫn phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và về bài thi, môn thi ghi rõ: “Trong các năm 2018, 2019 và 2020 việc tổ chức bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017”. Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cũng đã cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cơ bản giữ ổn định như trước đó nên Bộ GDĐT sẽ không công bố đề thi minh họa. Các nhà trường và học sinh sử dụng tài liệu hướng dẫn kết hợp với các đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm, đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi THPTQG năm 2017 làm tài liệu tham khảo để dạy học và ôn tập trong năm học 2017 – 2018(*). Như vậy việc ra đề sẽ có những ngữ liệu lấy “ngoài SGK” như những năm trước.

Ban hành công văn chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn “đá chéo” lẫn nhau như vậy làm sao giáo viên đứng lớp không hoang mang! Theo dõi đến thời điểm này vẫn chưa thấy có công văn nào của Bộ GDĐT điều chỉnh, nhận ra sai sót của mình để giáo viên yên tâm trong việc giảng dạy, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Võ Nguyên

(*). Nguồn: baomoi.com/thi-thpt-quoc-gia-2018



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công văn của Bộ Giáo dục “đá chéo” nhau