Theo dõi trên

Đánh giá chuẩn giáo viên, nên đi vào thực chất

26/04/2018, 08:25 - Lượt đọc: 12

BT- Con trai tôi học lớp 11 có điểm kém môn tiếng Anh, khi hỏi con học trên lớp có hiểu bài không, sao không học thêm? Cháu nói con không học thêm cô ở lớp mà sẽ học thêm ở giáo viên khác. Hỏi vì sao, nó nói cô ở lớp dạy không hiểu, cách dạy không nhiệt tình (?!). Qua xác minh bạn bè học cùng lớp thì thông tin đó có phần đúng. Vấn đề đặt ra làm sao biết được giáo viên lên lớp có thật sự hết lòng với nghề bằng lương tâm và trách nhiệm của một nhà giáo, để một tiết học thật sự có chất lượng đối với các em. Trong số 16.681 giáo viên hiện có của Bình Thuận, có bao nhiêu giáo viên đạt chuẩn thật sự ?

                
Trang bị hệ thống camera ở một trường THPT    (Ảnh minh họa).

Làm sao kiểm soát

Nhiều phụ huynh luôn quan tâm rằng không biết trong mỗi tiết học, giáo viên giảng dạy như thế nào để đảm bảo thường xuyên có được các thông tin phản hồi từ học sinh tới giáo viên. Từ đó mới biết học sinh của mình hiểu bài hay chưa, còn thắc mắc chỗ nào để giáo viên giải thích thêm... Bởi mục tiêu giáo dục, tiêu chuẩn chất lượng trường học hiệu quả đòi hỏi phải tạo ra được một bầu không khí học tập thân thiện và tôn trọng lẫn nhau, các nhiệm vụ và mục tiêu học tập phải thúc đẩy được sự cố gắng nỗ lực học tập, nội dung bài học phải được chuyển tải rõ ràng rành mạch và logic, đồng thời giờ học phải được điều khiển một cách tối ưu.

Hàng loạt vấn đề không hay về giáo viên xảy ra mới đây buộc chúng ta phải suy nghĩ. Như trường hợp em Phạm Song Toàn, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Long Thới (Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) đã dũng cảm lên tiếng phản ảnh vi phạm nghiêm trọng của cô giáo dạy Toán nhiều tháng không giảng bài. Rồi giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, quỳ, đánh bằng thước… Đặc biệt nghiêm trọng hơn là thầy giáo Nguyễn Đình L (SN 1974, công tác tại Trường tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị phụ huynh tố có hành vi xâm hại nhiều bé gái trong trường.

Chuyện giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, rồi những tiết dạy của giáo viên đứng lớp có đảm bảo chất lượng hay không, đang là vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục phải có sự kiểm tra và đánh giá một cách nghiêm túc. Trao đổi vấn đề này với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận - Phan Đoàn Thái, đúng vào lúc ông đang dự hội nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỳ thi THPT quốc gia 2018 sắp tới và thảo luận những vấn đề nóng của giáo dục trong thời gian gần đây, cả vấn đề quản lý các tiết dạy và học trên lớp như thế nào. Theo ông, chất lượng giảng dạy của giáo viên còn tùy thuộc vào bằng cấp cũng như kỹ năng sư phạm. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định dự giờ cũng ảnh hưởng phần nào đến chất lượng của tiết dạy.

Lắp camera, dự giờ đánh giá tiết học

Nói về chất lượng giảng dạy của giáo viên hiện nay, một phụ huynh ở Hàm Thuận Nam cho rằng: “Tôi nghĩ nên áp dụng lắp đặt camera trường học để phụ huynh có thể theo dõi con mình học hành ra sao, có vậy thì phụ huynh mới yên tâm. Thực tế cho thấy, việc lắp camera giám sát lớp học đã được nhiều trường áp dụng”.

Việc lắp camera giám sát ở lớp học đã được bàn luận trong nhiều năm qua và luôn có những ý kiến trái chiều. Ngoài vấn đề kinh phí, nhiều người cho rằng việc lắp camera sẽ gây ức chế cho giáo viên, tạo tâm lý không tốt cho học sinh. Có người cho rằng camera không phải biện pháp hữu hiệu. Cái gốc của vấn đề vẫn nằm ở việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh.

Theo ông Phan Đoàn Thái, sắp tới Bình Thuận cũng vận động các trường lắp camera, theo phương thức xã hội hóa, phụ huynh có thể đóng góp tùy theo khả năng của mỗi trường.

Cùng với đó là tăng cường kiểm tra giám sát của hiệu trưởng và thanh tra sở, ngoài ra cũng cần khôi phục quy định dự giờ. Có như vậy chất lượng dạy và học mới được đảm bảo, hạn chế những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.

Đánh giá chuẩn giáo viên Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông. Ngoài năng lực chuyên môn và nghiệp vụ, chuẩn giáo viên đòi hỏi năng lực xây dựng các quan hệ xã hội.

Theo Bộ GD-ĐT, chuẩn này nhằm giúp giáo viên tự đánh giá từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Làm cơ sở để nhà trường đánh giá, xếp loại năng lực nghề nghiệp giáo viên từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên thường xuyên, liên tục.

Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với giáo viên phổ thông về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội. Theo dự thảo, chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn, với 15 tiêu chí.

 Làm sao để việc đánh giá chuẩn giáo viên đi vào đúng thực chất là cả vấn đề. Bởi theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, cần phải có lộ trình thực hiện vì số giáo viên lớn tuổi hiện vẫn còn nhiều, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí đề ra.

Giám đốc một Sở Giáo dục và Đào tạo từng khẳng định trong một hội nghị: Việc xây dựng bộ công cụ thu thập ý kiến phản hồi của học sinh về các thầy cô là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những minh chứng quan trọng để đánh giá chuẩn giáo viên.

 Thay lời kết

Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận cho rằng trong ngành giáo dục, có rất nhiều tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo, những người đã dành trọn nhiệt huyết, công sức, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người”. Xét trên tổng thể, số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo chỉ là thiểu số. Mặc dù vậy, việc thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm làm trong sạch hóa đội ngũ nhà giáo là việc làm hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

QUANG TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh giá chuẩn giáo viên, nên đi vào thực chất