Theo dõi trên

Đào tạo bác sĩ bằng tiền ngân sách: Không chấp nhận bồi thường nếu vi phạm hợp đồng

27/02/2020, 09:38 - Lượt đọc: 3,516

 BT- Từ năm 2019 trở đi, những sinh viên trúng tuyển đại học chuyên ngành y chính quy  được đào tạo bằng tiền ngân sách sẽ khó “lật kèo” để đi làm nơi khác, bởi hợp đồng ký kết đã thay đổi.

                
Ảnh: Đình Hòa

 Thực hiện các văn bản của HĐND và UBND tỉnh về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế trên địa bàn tỉnh, những năm qua Sở Y tế đã phối hợp với Sở Nội vụ tuyển cử nhiều sinh viên trúng tuyển đại học chính quy chuyên ngành y - những người có đơn xin hỗ trợ kinh phí đào tạo của tỉnh. Với cam kết và ký kết giữa hai bên, bên A (UBND tỉnh) chu cấp toàn bộ kinh phí, bên B (sinh viên) sau khi tốt nghiệp sẽ trở về phục vụ cho tỉnh theo sự phân công công tác của cơ quan có liên quan.

Tuy nhiên, mọi cam kết chỉ là trên giấy, sau 6 năm chu cấp và miệt mài học tập, mọi thứ thay đổi, bên B “lật kèo” hủy hợp đồng bằng cách bồi thường cho ngân sách, ra ngoài tỉnh làm việc. Để chấm dứt tình trạng này, bắt đầu từ năm 2019 Sở Y tế tỉnh đã có những quy định chặt chẽ hơn trong việc ký cam kết với bên B.

 Phá vỡ hợp đồng

Để được trong diện đi học bằng ngân sách của tỉnh không phải là dễ, đối với viên chức phải có năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu lâu dài hoặc trong diện quy hoạch của ngành y tế. Với sinh viên, chỉ những em trúng tuyển kỳ thi đại học chuyên ngành y chính quy, có đơn xin hỗ trợ kinh phí đào tạo của tỉnh và có cam kết bằng văn bản trở về công tác tại tỉnh từ 10 năm trở lên và chấp nhận sự phân công công tác của cơ quan có liên quan. Theo thống kê từ Sở Y tế tỉnh, từ năm 2008 đến nay, có hơn 200 đối tượng đi học bằng ngân sách tỉnh, hầu hết là sinh viên. Họ được đào tạo ở các trường đại học như Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược Cần Thơ, thời gian học 6 năm.

Trong quá trình học, tỉnh chi trả 100% học phí cho mỗi sinh viên theo hợp đồng đào tạo đã ký kết giữa 2 bên. Theo một chuyên viên Sở Y tế, đóng học phí cho các sinh viên đi học tại các trường đại học, mỗi năm tăng từ 15 - 20%. Tổng kinh phí cho mỗi sinh viên hoàn thành xong khóa học không thể thống kê chính xác vì mỗi cơ sở đào tạo có mức đóng học phí khác nhau.

Cho đến nay có nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường trở thành bác sĩ, số bác sĩ thực hiện theo đúng cam kết cũng nhiều mà không thực hiện cũng có. Sở Y tế cho biết, trong năm 2019 đã giải quyết cũng như thanh lý hợp đồng cho 12 bác sĩ đền bù ngân sách. Trong đó, phần lớn là sinh viên học xong chưa về tỉnh phục vụ ngày nào, số ít còn lại về làm việc được 1 - 2 năm rồi ra đi. Điển hình, bác sĩ V ở phường Phú Thủy, Phan Thiết, sau 6 năm học tại Trường ĐH Cần Thơ đã trở về tỉnh làm việc theo cam kết hợp đồng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Năm 2018, V xin nghỉ  và sau đó đền bù ngân sách tỉnh hơn 200 triệu đồng. Khác với V, bác sĩ N (SN 1991) ở Đức Linh được đào tạo chuyên ngành bác sĩ đa khoa đã đền bù ngay khi có bằng tốt nghiệp và ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc.

Nguyên do

Việc phá vỡ hợp đồng có nhiều lý do, nhưng tựu chung vẫn là đi tìm môi trường phát triển khi có sự so sánh giữa nơi này nơi kia. Hầu hết các bác sĩ trẻ đền bù ngân sách xong thì lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Bác sĩ N hiện đang công tác tại một cơ sở y tế lớn ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp N cũng xác định về tỉnh làm việc, nhưng muốn tiếp tục học thêm nữa. Bởi khi mới ra trường tay nghề chưa có nhiều kinh nghiệm cần phải học thêm kiến thức thực tế ở môi trường năng động như ở TP. Hồ Chí Minh, để nâng cao tay nghề và đã quyết định ở lại.

Cũng có bác sĩ khi về làm việc tại một trong những đơn vị thuộc ngành y tế trên địa bàn tỉnh, cảm thấy không phát huy được sở trường năng lực của mình, lại thêm gặp phải vấn đề “khó nói” khác nên ra đi. Ở các tỉnh, thành khác hay bệnh viện tư nhân, chính sách thu hút thoáng, năng động... nên nhiều bạn chấp nhận bồi thường. Với bác sĩ trẻ N đã đền bù hơn 300 triệu đồng, mặc dù biết vậy là có lỗi với tỉnh đã “nuôi” ăn học, nhưng vì tương lai của riêng mình nên chấp nhận.

Đổi mới để có nguồn  nhân lực thực sự

Trước thực trạng này, năm 2019 UBND tỉnh cũng như các ngành chức năng có liên quan nghiêm túc xem xét lại công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế. Theo đó, đưa ra biện pháp chế tài mạnh hơn so với năm 2018 trở về trước đối với bên B nếu vi phạm. Cụ thể, nếu như trước đây chỉ có quy định bồi thường gấp 5 lần tổng số tiền hỗ trợ cho toàn khóa học nếu ai vi phạm như tự ý bỏ học, bỏ việc, chuyển công tác, không hoàn thành nhiệm vụ... là xong, thì năm 2019 trở đi sẽ nâng lên mức cao hơn. Nghĩa là vẫn giữ nguyên quy định cũ, nhưng thêm vào quy định: không chấp nhận một trường hợp nào bồi thường chi phí đào tạo sau khi tốt nghiệp nếu vi phạm quy định hợp đồng đã ký kết. UBND tỉnh trực tiếp là Sở Y tế giữ bằng tốt nghiệp với thời gian 180 tháng, thu hồi tất cả các chứng chỉ, thông báo cho các cơ sở đào tạo không cấp bản sao, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận liên quan đến bằng tốt nghiệp. Đồng thời, có văn bản gửi về địa phương nơi cư trú của bên B và các cơ quan, đơn vị có liên quan để biết... Theo Sở Y tế tỉnh “những quy định mới nhằm mong muốn sinh viên sau khi tốt nghiệp trở về tỉnh an tâm làm việc. Bởi quy định khá rõ ràng và cụ thể, giúp sinh viên xác định ngay từ đầu, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng”. Tuy nhiên còn một vấn đề, nếu đúng như các bác sĩ trẻ giải bày ở trên thì ngành chức năng có liên quan cần xem xét để thu hút nguồn nhân lực ngành y tế về làm việc cho tỉnh.

    
      Hợp đồng đào tạo theo địa chỉ sử dụng hệ chính quy bằng ngân sách Nhà   nước năm 2019, quy định những trường hợp không chấp nhận đền bù chi phí   đào tạo: Không về nhận công tác theo hợp đồng đã ký; không chấp hành sự   phân công công tác; chấp hành sự phân công, nhưng sau đó tự ý nghỉ việc   hoặc nghỉ không hưởng lương khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm   quyền; hợp thức hóa gia đình chuyển ra ngoài tỉnh…

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo bác sĩ bằng tiền ngân sách: Không chấp nhận bồi thường nếu vi phạm hợp đồng