Theo dõi trên

Đào tạo con người “vừa hồng, vừa chuyên”

15/10/2020, 09:47 - Lượt đọc: 12

BT- Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành giáo dục tỉnh triển khai, kịp thời các chủ trương, nghị quyết, chương trình, hành động kế hoạch của Đảng và Nhà nước các cấp. Đặc biệt, tiếp tục ra sức thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực vượt bậc ngành giáo dục tỉnh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

                
      Một tiết học trong chương trình giáo dục mới lớp 1.

Những thành tựu…

Điều thấy rõ là chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững và nâng cao sau khi thực hiện Nghị quyết số 29. Kết quả xếp loại học lực và hạnh kiểm học sinh trung học có chuyển biến tốt qua từng năm học. Cụ thể, ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh được xếp loại đạt và tốt đối với môn tiếng Việt và môn toán lần lượt là 98,77% và 99,06%, đối với các năng lực và phẩm chất khác dao động từ 99,53 - 99,97%. Riêng năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp tiểu học là 99,40%. Ở THCS, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên đạt 94,50%, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên là 97,97%; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS là 99,90%. Còn bậc THPT, tỷ lệ học sinh được xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên là 95,62%, tỷ lệ học sinh được xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 97,17%. Đặc biệt, năm 2020 tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh là 99,09% (riêng giáo dục phổ thông là 99,71%), cao hơn 0,75% so với tỷ lệ chung của cả nước (98,34%). Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên THPT đạt trình độ đào tạo trên chuẩn, hiện trên địa bàn tỉnh, các trường học đều được kiên cố hóa, không còn phòng học tạm, phòng học mượn. Sự phân bố các trường mầm non và phổ thông theo địa bàn dân cư cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân.

Ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: Sự tăng dân số tự nhiên, di dân tự phát và sự lựa chọn cho con em học trái tuyến của một số phụ huynh khiến một số trường sẽ quá tải. Mặt khác, sự phân bố các trường hiện nay sẽ dần dần thiếu cân đối nếu xét đến quá trình đô thị hóa trong tương lai. Chẳng hạn, TP. Phan Thiết hiện chưa có trường trung học phổ thông ở phía Nam sông Cà Ty trong khi khu vực này đang triển khai nhiều dự án dân cư. Mặt khác, theo Luật Giáo dục 2019, cần phải đào tạo chuẩn hóa cho một số cán bộ, giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Ngoài ra, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020 - 2021 đòi hỏi phải bồi dưỡng cán bộ, giáo viên về nội dung dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá mới. Ngoài những tác động tích cực, việc phụ huynh đầu tư nhiều cho học tập của con em có thể mang lại những hệ quả tiêu cực như học sinh không còn thời gian để vui chơi, phát triển toàn diện và chịu nhiều áp lực về kết quả học tập.

 Giải pháp 5 năm tới

Đề cập những giải pháp phát triển sự nghiệp giáo dục trong 5 năm tới (2020 - 2025), ông Thái cho biết thêm: Giải pháp đầu tiên cần triển khai thực hiện là quy hoạch mạng lưới trường học đối với các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương. Đồng thời, củng cố các trường trung cấp, cao đẳng địa phương gắn liền với việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Khuyến khích Trường Đại học Phan Thiết mở các ngành đào tạo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… Tiếp đó, cần đầu  tư trang, thiết bị trường học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, từng bước trang bị bàn ghế và phương tiện dạy học đáp ứng các hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đối với cán bộ, giảng viên, giáo viên phải nâng cao nhận thức về tự học, không ngừng tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Ngành giáo dục tiếp tục phối hợp với các cơ sở để đào tạo chuẩn hóa cán bộ, giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở theo Luật Giáo dục 2019…

Theo ông Phan Đoàn Thái, một trong những giải pháp quan trọng nữa là cần đổi mới cách dạy, cách học, kiểm tra, đánh giá. Trước hết, cần thấm nhuần quan điểm nâng cao chất lượng dạy và học là một biện pháp hữu hiệu để phòng chống bỏ học. Trong đó giáo viên, giảng viên cần quan tâm đến việc xây dựng tình huống dạy học, hệ thống câu hỏi dẫn dắt người học và đổi mới phương tiện dạy học nhằm khuyến khích một cách có hệ thống người học đi đến những phát hiện của chính họ. Đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học. Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá. Cuối cùng là kết hợp truyền đạt kiến thức với hình thành nhân cách. Ông Thái nhấn mạnh, điều cốt lõi của giáo dục là đào tạo nên những con người “vừa hồng, vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.          

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo con người “vừa hồng, vừa chuyên”