Theo dõi trên

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:  Vẫn là “cầm tay chỉ việc”

07/11/2017, 09:30 - Lượt đọc: 47

BT- Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, xã, phường, thị trấn để tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường.

                
LĐNT Hàm Thuận Bắc học sửa chữa máy nông    nghiệp.

92,98% học viên có việc làm

Ông Nguyễn Xuân Lộc - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: 5 năm qua (2013-2017), 26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT là 41.464/41.000 người, đạt 101,13% kế hoạch. Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nữ là 21.176 người, chiếm tỷ lệ 51,07% so với tổng số đã đào tạo; thanh niên nông thôn là 24.878 người, chiếm tỷ lệ 60%. Toàn tỉnh có 17.512 người được đào tạo nghề nông nghiệp; 23.952 người được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Các CSGDNN được đầu tư đồng bộ về vật chất, trang thiết bị phù hợp với nghề tổ chức đào tạo. Đội ngũ giáo viên đạt về trình độ chuyên môn tay nghề và nghiệp vụ sư phạm. Trong thời gian học, các học viên được thực hành trên 80% thời gian đào tạo, giáo trình cũng được cập nhật thường xuyên với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Thời gian đào tạo được thực hiện không quá 6h/ngày đối với lý thuyết, thực hành không quá 8h/ngày. Nhiều CSGDNN đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, xã, phường, thị trấn để tuyển sinh, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, đảm bảo tỷ lệ lao động có việc làm cao, thực hiện đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng. Cụ thể, đến thời điểm này đã có 31.265 người học xong, trong số đó người có việc làm sau học 29.072 người, đạt tỷ lệ 92,98%. Tuy nhiên, công tác phổ biến về học nghề, lập nghiệp chưa thật sự sâu rộng, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức về tầm quan trọng của việc học nghề và giải quyết việc làm. Mặt khác, công tác tuyển sinh học nghề gặp nhiều khó khăn, các nghề phi nông nghiệp ít học viên. Trình độ học vấn của người lao động còn thấp, tỷ lệ học viên bỏ học giữa chừng còn nhiều…

 Phấn đấu đào tạo 16.000 học viên

Từ năm 2018 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho LĐNT 16.000 người, gồm 5.650 học viên lĩnh vực nông nghiệp; 10.350 học viên phi nông nghiệp. Theo ông Lộc, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, các CSGDNN cần tập trung dạy nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức. Đơn cử như, mở rộng dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa CSGDNN với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nhằm đảm bảo cho người học nghề sau khi học xong có việc làm ngay. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các CSGDNN công lập. Hỗ trợ các CSGDNN ngoài công lập về chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi… để đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phù hợp tham gia giảng dạy theo quy định. Ngoài ra, các CSGDNN tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc linh động về địa điểm đào tạo. Theo đó, tùy theo đặc điểm của lớp học, nếu học viên ở xa thì việc tổ chức lớp học được bố trí tại các Trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn, hoặc tại các thôn, bản có đông số lượng học viên tham gia học nghề. Sau đó, các CSGDNN vận chuyển trang thiết bị dạy học đến địa bàn để tổ chức đào tạo hoặc tổ chức thực hành tại các ruộng, vườn đối với các nghề nông nghiệp. Đồng thời, lấy thực hành là chính, lấy học viên làm trung tâm, giáo viên giảng dạy trao đổi trực tiếp đến từng học viên với phương châm “cầm tay chỉ việc”.

 THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:  Vẫn là “cầm tay chỉ việc”