Theo dõi trên

Đào tạo nghề gắn với việc làm

07/05/2018, 09:39

BT- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp, chính quyền Hàm Thuận Bắc thường xuyên quan tâm chỉ đạo, triển khai, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, phát triển sản xuất, tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

                
Trồng rau an toàn.Ảnh minh họa

Phát huy lợi thế thanh long

Hàm Thuận Bắc là một trong hai vùng trọng điểm trồng cây thanh long của tỉnh. Với lợi thế đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp & Giáo dục thường xuyên huyện (Trung tâm) đã phối hợp các ngành chuyên môn xây dựng chương trình và giáo trình trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đáp ứng nhu cầu của nông dân, trong 5 năm qua Trung tâm đã mở 62 lớp nghề trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, Trung tâm được Tổng cục Dạy nghề và Sở Lao động – TBXH tỉnh chọn mô hình làm điểm dạy nghề gắn với việc làm như trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng, chăm sóc cây cà phê tại thôn Phú Thái, xã Hàm Trí và thôn Đa Kim, xã Đa Mi. Bên cạnh tổ chức dạy nghề trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, Trung tâm còn đào tạo các lớp nghề khác cho bà con nông dân như trồng cây lương thực (cây lúa); trồng rau an toàn; trồng, chăm sóc và khai thác cây cao su, cây cà phê, chăn nuôi thú y… Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp đào tạo lưu động tại các thôn, xã… nhằm giảm bớt chi phí và thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân tham gia học nghề. Kết quả, sau 5 năm đã có 2.338 học viên là hội viên, nông dân được cấp giấy chứng chỉ nghề.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Tuy vậy, trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn gặp không ít khó khăn như trình độ nhận thức của các học viên là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao nên khả năng tiếp thu còn hạn chế. Một bộ phận nông dân chưa ý thức được học nghề là một nhu cầu cần thiết để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường nên chưa quan tâm đến học nghề… Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tìm những giải pháp, hướng đi thích hợp, trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo nghề gắn với việc làm. Trong đó, tập trung xác định các nghề cần đào tạo cho nông dân như trồng cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng rau an toàn công nghệ cao, trồng cây cà phê, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc… phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn. Tăng cường công tác phối hợp với Hội Nông dân huyện để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tư vấn, tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp phù hợp cho nông dân.

N.Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nghề gắn với việc làm