Theo dõi trên

Dạy học bằng cả tấm lòng

20/11/2017, 09:50

BT- Bằng cả tấm lòng của người cha, người mẹ, thầy cô Trường Tình Thương đã tận tâm dạy bảo, trao cho các em cơ hội thay đổi cuộc đời, thay đổi suy nghĩ, thay đổi cả hiểu biết bằng con chữ.

                
Các thầy cô Trường Tình Thương dạy học với    cả tấm lòng.

Những học sinh giàu nghị lực

Trường Tình Thương từ lâu được xem như là ngôi nhà thứ hai của các em mồ côi, khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Hiện tại trường có 4 lớp từ lớp 1 đến lớp 5 với 77 học sinh, độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi. 77 học sinh ở đây là 77 hoàn cảnh sống khác nhau, em thì khuyết tật, em thì mồ côi cha mẹ phải sống với ông bà, sớm bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhưng cứ vào mỗi lớp học, tìm hiểu bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi đều cảm nhận được tinh thần lạc quan, cố gắng học tập của các em để sau này thành người có ích cho xã hội. Em Anh Thư, dáng vẻ nhỏ nhắn, vui vẻ khoe: “Nhờ cô giáo hướng dẫn, bây giờ em đã biết viết chữ, làm toán. Hiện em ở với ông bà nội đã già yếu nên buổi sáng em tranh thủ đi bán vé số phụ thêm tiền. Em ước mơ sau này trở thành bác sĩ vì em thích được mặc áo blouse trắng, cứu chữa người bệnh”. Còn em Đỗ Đức Thanh, 11 tuổi hiện đang học lớp 2 cũng vui vẻ chia sẻ: “Em ước mơ sau này có thể trở thành công an để bắt tội phạm nghiện ma túy. Vì trước đây, khi đi bán vé số ban đêm thường bị những người nghiện đuổi đánh khiến em rất sợ…”. Lời nói trong sáng của Thanh, Thư khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Bằng tuổi các em nhiều bạn vẫn được bố mẹ chăm bẵm từng chút một nhưng em và các bạn cùng hoàn cảnh đã biết nấu cơm, rửa chén phụ giúp gia đình. Ngày học 1 buổi, buổi còn lại đi bán vé số và sớm phải đối diện với những bất trắc, cám dỗ của cuộc đời nhưng các em vẫn vững tin vào tương lai phía trước.

 Những giáo viên dạy học với cả tấm lòng

Đến với Trường Tình Thương, điều chúng tôi cảm nhận ở các em là tinh thần giúp đỡ và yêu thương nhau. Những em lớn giúp em nhỏ, em lành lặn giúp em khuyết tật. Nhờ đó các em đều tìm thấy niềm vui và sự tiến bộ trong học tập. Các em có được điều đó, chính nhờ sự tận tâm, tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của thầy cô trong trường. Cô Nguyễn Thị Đông Phương chia sẻ: Có lẽ do mỗi em ở đây đều có hoàn cảnh bất hạnh riêng nên những bạn không may bị khuyết tật các em không kỳ thị, trêu chọc mà cùng học tập, vui chơi với nhau. Các em đến trường do lứa tuổi không đồng đều, lại có em bị khuyết tật nên việc dạy khá vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, đồng cảm và tình thương yêu, để mỗi tiết học vừa học vừa vui. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo còn dạy thêm nhiều kỹ năng sống nhằm giúp các em biết tự bảo vệ bản thân khi phải đi làm kiếm tiền từ khá sớm. Tuy khó khăn, vất vả nhưng tôi chưa hề nghĩ đến việc bỏ trường, vì học sinh ở đây như những đứa con mà tôi hết mực yêu thương.

Nói về động lực cho 9 năm gắn bó với Trường Tình Thương, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền tâm sự: Ở các em luôn có sự phấn đấu, cố gắng vừa học vừa làm, vượt qua mọi mặc cảm của bản thân để vươn lên. Không chỉ các em vui mừng khi được đi học mà chính tôi cũng như các đồng nghiệp luôn cảm thấy vinh dự và may mắn được giảng dạy các em, chia sẻ những khó khăn cũng như chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của các em, đó là niềm vui của thầy cô giáo chúng tôi.

Ngọc Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy học bằng cả tấm lòng