Theo dõi trên

Dạy Văn là khuyến khích khả năng sáng tạo

26/01/2018, 14:07 - Lượt đọc: 14

BT- Chương trình môn Ngữ văn mới sắp tới đây có nhiều thay đổi, khác biệt so với chương trình hiện hành. Thế nhưng khi công bố 6 tác phẩm văn học bắt buộc phải học trong chương trình mới vẫn có khá nhiều ý kiến băn khoăn, phản đối.

                
Học sinh trong giờ học Ngữ văn. Ảnh:    Internet

Có người cho rằng, 6 tác phẩm (Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập) này cùng một nội dung ca ngợi về lòng yêu nước, ngoại trừ tác phẩm Truyện Kiều chưa thể hiện được hết tính đa dạng về thể loại văn bản giúp cho người học hình thành, phát triển năng lực giao tiếp và 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Người lại nói “trong số 6 tác phẩm bắt buộc, ngoại trừ Truyện Kiều, 5 tác phẩm còn lại đều phản ánh tinh thần quật cường, bất khuất, ý chí độc lập chủ của dân tộc Việt trong và sau những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Như vậy, học sinh sẽ không tìm thấy cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự...”.

Nói thế, có lẽ nhiều người quên mất rằng đó chỉ là 6 tác phẩm bắt buộc phải học, bên cạnh đó còn những tác phẩm khác, giáo viên có thể tự chọn để dạy. Thế nên học sinh sẽ tìm thấy cái đời thường bình dị, nhọc nhằn, đa đoan đa diện của cuộc sống nhân sinh thế sự... thông qua những tác phẩm tự chọn ấy. PGS, TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình Ngữ văn mới cũng khẳng định trên các phương tiện truyền thông, ngoài 6 tác phẩm kể trên là những tác phẩm bắt buộc, còn những tác phẩm khác giáo viên có thể tự chọn để phù hợp với điều kiện và đối tượng học, phát huy  sự sáng tạo của học sinh. Đây rõ ràng là sự thay đổi khác biệt so với chương trình hiện hành về nội dung, cách thức dạy và học.

Ngoài những thay đổi về nội dung, phương pháp tiếp cận tác phẩm, việc đánh giá học sinh cũng đổi khác so với kiểu trước đây. Đó là sẽ không kiểm tra các văn bản, tác phẩm đã học (nhất là với các kỳ kiểm tra cuối lớp, cuối cấp) mà kiểm tra những văn bản-tác phẩm tương tự để tránh kiểu học tủ, sao chép mà khuyến khích khả năng sáng tạo của các em.

Trước đây, khi dạy văn, các thầy cô Ngữ văn chủ yếu chỉ đứng thuyết giảng (nên có môn gọi là giảng văn) về tác phẩm văn học. Một bài soạn, thầy cô có thể giảng ở nhiều lớp, thậm chí nhiều năm học sau này cũng vẫn sẽ giảng như thế. Học sinh chỉ việc ngồi nghe, ghi nhớ và học thuộc về nội dung, về thủ pháp nghệ thuật cũng như chủ đề của tác phẩm. Nay theo chương trình mới, thầy cô sẽ trở thành người tổ chức, hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm, cảm nhận và hiểu văn bản. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng học sinh học vẹt.

Vậy nên để đạt được đúng yêu cầu mục tiêu của chương trình mới,  những giáo viên dạy Ngữ văn phải trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng sư phạm. Có thế, thầy cô mới có thể tổ chức, hướng dẫn các em cách tiếp cận tác phẩm văn học. Sẽ là thất bại lớn nếu giáo viên cứ nhìn vào sách hướng dẫn để soạn bài và lên lớp để thuyết giảng như trước đây.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dạy Văn là khuyến khích khả năng sáng tạo