Theo dõi trên

Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ tư thục ở KCN: Tạo môi trường học tập an toàn cho con công nhân

17/06/2019, 09:08

BT- Trong khi số lượng khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh ta có xu hướng gia tăng, thu hút số lượng lớn công nhân, thì các trường mầm non dành cho con em đối tượng này lại khá hiếm. Để họ yên tâm làm việc, một cơ chế ưu đãi nhằm thúc đẩy xã hội hóa các cơ sở trông trẻ tư thục đã được ban hành. Đó là đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Đề án 404).

Tìm nơi giữ trẻ an toàn

“Mỗi khi nghe thông tin ở địa phương nào đó, dù không phải trong tỉnh xảy ra bạo hành trẻ em, trẻ bị tai nạn ở cơ sở mầm non lại giật mình”. Đây là chia sẻ của chị Lò Thị Liên, công nhân may mặc ở KCN Phan Thiết và cũng là nỗi niềm chung của những lao động nữ có con nhỏ đang gửi tại các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình. Chị Liên bộc bạch: “Lương công nhân của tôi hơn 3 triệu đồng/tháng, thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng của chồng làm thợ hồ. Ông bà nội không còn, nhà ngoại lại ở xa nên con gái được 6 tháng là tôi đã tìm nhóm trẻ gia đình để gửi, tuy nhiên không phải nơi nào cũng đáp ứng được yêu cầu, cháu mới hơn 2 tuổi nhưng đã chuyển qua 3 nơi. Tính ra hàng tháng tiền thuê nhà mất 1,5 triệu đồng, gửi con gần 1,5 triệu đồng, nên không tránh khỏi cảnh chạy ngược chạy xuôi vay mượn những lúc con ốm đau. Kinh tế khó khăn đã đành, chỉ mong nơi mới này cháu được chăm sóc tốt, hòa nhập với bạn bè để vợ chồng yên tâm làm việc”.

Cơ sở mầm non Khánh Quỳnh (Hàm Thuận Bắc) đang nuôi dạy nhiều con của công nhân lao động.

Chị Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội Phụ nữ Hàm Thuận Bắc thông tin: Đa số phụ nữ trên địa bàn huyện làm công nhân tại KCN Phan Thiết, Hàm Thuận Nam đều gửi con cho ông bà, người quen ở nhà, do ở nhiều xã rất ít cơ sở tư thục nhận trẻ dưới 3 tuổi và đủ điều kiện để nuôi dạy. Đơn cử xã Thuận Minh chỉ Cơ sở mầm non Khánh Quỳnh (thôn 1), do chị Huỳnh Thị Sơn làm chủ là có diện tích khuôn viên rộng, trên 200 m2. Trong 60 trẻ học tại đây, thì hơn một nửa là con em công nhân đang làm việc tại KCN Phan Thiết và địa bàn TP. Phan Thiết. Cơ sở đón trẻ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, với mức đóng 900.000 đồng/tháng/trẻ. Hiện có 4 giáo viên giảng dạy, trong đó 1 người tốt nghiệp trung cấp mầm non, bảo mẫu và cấp dưỡng có chứng chỉ tham gia các lớp vệ sinh an toàn thực phẩm hàng năm, có hợp đồng với một số cơ sở cung cấp thực phẩm sạch cho trẻ. Tuy nhiên dù có sân chơi, phòng học và phòng bếp riêng, nhưng do kinh phí hạn chế, nên cơ sở thiếu nhiều đồ dùng, đồ chơi. Theo chị Sơn – chủ cơ sở: Còn rất nhiều công nhân muốn gửi con tại đây nhưng do cơ sở hạn chế nên đành từ chối. 

“Mở lối” cho con em công nhân

Giáo dục, chăm sóc trẻ em ở bậc mầm non chính là đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho các cấp học sau này. Thực hiện Quyết định 404/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX đến năm 2020” (Đề án 404), UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đề án giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện. 2 đơn vị được thụ hưởng đề án này là Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Mục tiêu đặt ra rất nhân văn, đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ tư thục thuộc đề án sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được gửi tại các nhóm trẻ được quản lý và bảo đảm chất lượng; 20 nhóm trẻ độc lập tư thục được hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển…

    
        “Hội sẽ phối hợp với các sở, ngành mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên   môn, nghiệp vụ cho giáo viên, bảo mẫu và chủ các nhóm trẻ độc lập tư   thục, quản lý chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, hoạt   động truyền thông tại KCN và cộng đồng”, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh   Nguyễn Thị Thu Thảo cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Bích Hoàn: Hiện có rất ít trường công lập mở đón nhóm nhà trẻ. Chủ yếu nhóm này gửi cho ông bà hoặc thuê người trông nom, gửi nhóm trẻ gia đình nên rất dễ bị bạo hành, vì thế đề án này rất cần thiết. Ngoài việc mở lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên mầm non trong dịp hè hàng năm và phân công một trường công lập giúp một trường tư thục hoặc nhóm trẻ để nâng cao chất lượng dạy học, cũng như tuyên truyền phụ huynh quan tâm, chăm lo đến trẻ nhiều hơn. Năm 2015, ngành giáo dục cũng đã ban hành Kế hoạch 2770 triển khai đề án tại 2 địa bàn Phan Thiết và Hàm Thuận Nam, tuy nhiên chỉ mới dừng lại ở mức độ bồi dưỡng, chăm lo, chứ chưa thể hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi… Thời gian tới ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo tất cả các trường công lập và tư thục gắn camera và có sự giám sát, theo dõi của phụ huynh, để hạn chế bạo hành trẻ; phối hợp làm tốt công tác khảo sát, mở nhóm mới ở các huyện, thị trong tỉnh. 

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề án hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ tư thục ở KCN: Tạo môi trường học tập an toàn cho con công nhân