Theo dõi trên

Để mô hình 9+ mở rộng

22/08/2018, 08:35

BT- Nên học nghề ở tuổi 15, tuổi của sức trẻ, của khám phá, của nhiều thời gian để thực hiện những “bước nhảy” kép khác khi vào đời.

Đợt thi vào lớp 10 vừa rồi, con chị M. ở Phú Trinh - Phan Thiết có số điểm không đậu vào trường đăng ký nguyện vọng 1 lẫn trường nguyện vọng 2. Cả nhà xáo trộn cả lên, bàn tính chuyện cho con học trường tư thục hay chuyển sang trường dạy nghề. Còn thằng bé nhất nhất đòi phải học xong cấp 3 để thi đại học như chúng bạn, chứ không muốn học nghề. Chị biết con mình ngại bị đánh giá học dở, bởi chính bản thân chị cũng thoáng qua điều đó khi nghĩ đến trường nghề. Thương con và thấy kinh tế gia đình cũng không đến độ cho con vào đời sớm nên chị quyết định cho con vào học một trường tư thục mà lo không biết có đậu cấp 3 không. 

                
Lớp kỹ thuật điện dân dụng. Ảnh: N.L

Chuyện nhà chị M là điển hình chung phản ánh suy nghĩ của học sinh và phụ huynh về học nghề sau khi tốt nghiệp cấp 2. Đó là lý do chính khiến tình hình dạy nghề tại các cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn tỉnh mấy năm qua đều ở trong cảnh “gom người học”. Chỉ đến năm 2017, con số tuyển sinh của các trường mới gọi là đông một chút với 499 em, nhưng nếu chia đều bình quân trên tổng số trường thì cũng không nhiều. Đó là chưa nói có một trường dạy nghề tư thục khác ra Phan Thiết đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động.

Hiện ở tỉnh có 3 trường dạy nghề hệ trung cấp, cao đẳng chính quy và 1 trường trung cấp chính quy. Và chính trường trung cấp là nơi thu hút các em học xong lớp 9 vào học nghề nhiều nhất, với hơn 200 em của năm ngoái và hiện tại đã tuyển sinh được 100 em. Ngoài những lý do thu hút khác, sự tập trung nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9 tại trường này, theo phân tích của một số giáo viên là các em không phải mặc cảm chuyện học trung cấp hay cao đẳng. Qua đó mới thấy, suy nghĩ về cao thấp trong bằng cấp không chỉ ở những thế hệ đi trước vốn dĩ bị nhiễm sâu sắc mà ngay lứa tuổi 15 này cũng chưa thoát khỏi. Và thực tế chỉ ra phần lớn các em chuyển hướng sang học nghề đều vì lý do kinh tế gia đình khó khăn là chính. Nhưng điều đáng mừng, qua đó cũng thể hiện phần nào sự tính toán thời gian, hoạch định tương lai của lớp trẻ, liên quan đến câu chuyện học nghề ở tuổi 15 hay 18 là tốt nhất.

Theo các chuyên gia, nên học nghề ở tuổi 15, tuổi của sức trẻ, của khám phá, của nhiều thời gian để thực hiện những “bước nhảy” kép khác khi vào đời. Rõ nhất là có từ 2 - 5 năm vừa học nghề, vừa học văn hóa để tinh một nghề, kiếm tiền sớm và nhanh. Đó cũng là lý do các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc xây dựng và áp dụng mô hình 9+. Thực tế, từ 9+ các nước này đã đào tạo được một lực lượng lao động lành nghề, kỹ thuật cao cho các ngành kinh tế. Còn Việt Nam từ mấy năm trước đã triển khai phân luồng hướng nghiệp để khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Và chế độ miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 chuyển sang học nghề hiện tại là bằng chứng. Điều còn lại, theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để mô hình 9+ mở rộng