Theo dõi trên

Đề Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10: Xôn xao về đáp án

19/07/2019, 08:21

 BT- Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Bình Thuận năm 2019, trong đề Ngữ văn, có một câu hỏi về ngữ pháp như sau: “Cũng may mà bằng mấy nét, họa sĩ ghi xong lần đầu gương mặt của người thanh niên (1). Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá (2)”. Hỏi: “Câu (2) trong đoạn văn trên là câu đơn hay câu ghép? Chỉ ra thành phần câu”. Hướng dẫn chấm: “Câu (2) trong đoạn văn là: Câu đơn (0,25 điểm); Các thành phần câu: Chủ ngữ: Người con trai ấy (0,25 điểm); Vị ngữ: đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. (0,25 điểm).

                
Đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào    lớp 10 THPT, năm học 2019 - 2020.

 Cần văn hóa tranh luận khoa học

Từ đáp án này, dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng, với 2 luồng ý kiến trái ngược: một bên đồng tình với đáp án, cho là câu đơn; Một bên ngược lại, nói đó là câu ghép, làm cho học sinh và phụ huynh rất hoang mang. Song theo dõi tranh luận, thấy ngôn ngữ phía người gọi là “phản biện” nhiều khi với giọng điệu sỉ vả, như nói: “Câu đó là câu ghép, vế sau ẩn chủ ngữ em à, đứa nào làm đáp án ấy dốt ngôn ngữ”, quá xúc phạm người khác, nên chúng tôi mới tham gia mấy ý này.

Câu hỏi về ngữ pháp trong đề thi là một loại câu nằm giữa ranh giới câu đơn và câu ghép. Giới khoa học ngôn ngữ vẫn còn chưa thống nhất, nên chuyện tranh luận trên cộng đồng mạng về cấu trúc ngữ pháp câu này trong thời gian qua là chuyện bình thường. Bên cho rằng đó là câu ghép, đã nêu khá nhiều lý lẽ, dẫn chứng để bảo vệ. Ở đây, chúng tôi muốn nói về quan niệm phía người ra đề, làm đáp án, vì sao nói câu đơn, là vì họ dựa trên quan điểm ngữ pháp chức năng. Theo quan điểm này, cấu trúc câu “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá” là câu có 1 chủ ngữ: “Người con trai ấy” và 2 vị ngữ song song, vị ngữ 1: “đáng yêu thật”, vị ngữ 2: “làm cho ông nhọc quá”. Về từ “nhưng”, như chúng tôi được biết, nhiều giảng viên – tiến sĩ ngôn ngữ học, đang giảng dạy hiện nay, xem nó là một liên từ có thể nối hai từ, hai ngữ, hoặc hai câu có cùng chức năng ngữ pháp nhưng có ý nghĩa trái ngược nhau, nên không thể lấy nó làm cơ sở để xác định câu ghép được. Ví dụ phân biệt 3 câu có từ “nhưng” sau: Cô ấy đẹp nhưng không có lòng nhân từ (câu đơn); Nó thích ăn kẹo, nhưng sợ sâu răng (câu đơn); Đất nước đẹp vô cùng, nhưng Bác phải ra đi (câu ghép). Ta gặp loại câu đơn có 2 vị ngữ này rất nhiều, chẳng hạn câu thơ: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, có chở trăng về kịp tối nay” (Hàn Mặc Tử), hay câu: “Mùa thu tài tình đã tạo ra hơi sương kì ảo và nhẫn tâm như bản chất thiên địa, ngắt đoạn sự sống bên ngày của một chiếc lá cây” (Ma Văn Kháng) … 

Người ra đề - đáp án nói câu đơn là theo quan niệm truyền thống, như trình bày ở trên. Chỉ có điều, diễn đạt chưa thật rõ khi nói: “Vị ngữ: đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá”. Lẽ ra phải nói vị ngữ 1, và vị ngữ 2, để phân biệt rõ ràng, chính xác, vì đây là một câu có 2 vị ngữ song song (nghĩa là đều có chức năng vị ngữ như nhau). Từ kinh nghiệm ra đề thi lần này, chắc những năm sau người nào đó ra đề sẽ không rơi vào tình trạng chọn những ngữ liệu để ra câu hỏi còn nằm trong ranh giới đang tranh luận, mà sẽ biết cách ra đề để đưa ra được chỉ có 1 đáp án đúng. Chợt nghĩ, nếu như, người làm đáp án nói là câu ghép, chắc gì sẽ không khỏi xảy ra tranh luận, bởi nói khác người theo quan điểm ngữ pháp chức năng. Hôm qua, anh bạn ở Bộ Giáo dục – Đào tạo nói vui với tôi, những câu hỏi còn “lưỡng tính” như thế ra cho học sinh giỏi thì hay, để các em xác định loại câu, rồi phân tích, lập luận để chứng minh lý do tại sao mình chọn loại câu như thế cho là đúng, khi ấy mới dễ dàng phát hiện được những học sinh có kiến thức giỏi về ngôn ngữ. 

 Trong cái không may lại có cái hay

Khi đang viết bài này, nghe nói giám đốc sở đã tiếp nhận được những ý kiến của các nhà ngôn ngữ học về câu đơn, câu ghép, nên kịp thời thống nhất cho giám khảo khi chấm bài chấp nhận cả hai phương án trả lời (câu đơn và câu ghép), những bài đã chấm rồi, đưa ra chấm lại, để khỏi thiệt thòi cho học sinh. Ở đây, chúng tôi rất thích sự phản biện với tinh thần khoa học, tranh luận nhằm làm sáng tỏ những vấn đề thuộc về chân lý là vô cùng bổ ích. Cũng chính từ những trục trặc không may của người ra đề lần này, mới có cuộc tranh luận, và qua tranh luận, tôi tin chắc một điều, nhiều giáo viên Ngữ văn mới vỡ ra và học hỏi thêm được những kiến thức giúp cho mình hiểu về quan điểm ngữ pháp (của các trường phái) trong đó có câu đơn, câu ghép của tiếng Việt hiện nay.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10: Xôn xao về đáp án