Theo dõi trên

Điểm tựa cho sinh viên vào đời

04/08/2020, 10:13 - Lượt đọc: 46

BT- Sinh sống lâu năm trên địa bàn xã Tân Hà, huyện miền núi Đức Linh, cái nghèo vẫn đeo đẳng mãi với gia đình chị Nguyễn Thị Nơi (SN 1963) bởi 2 vợ chồng có đến 6 đứa con, ruộng vườn canh tác bạc màu, thu nhập hàng năm thấp. “Với những tháng ngày trồng mì, cấy lúa, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vẫn thiếu trước hụt sau. Thôi đành chịu khó vất vả làm lụng nuôi con cái ăn học để không phải sống khổ như mình, vươn lên với người ta. Lúc ấy, tôi cầm tờ giấy báo trúng tuyển của đứa con gái đầu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP. Hồ Chí Minh, nước mắt rưng rưng vì quá đỗi vui mừng”, chị Nơi nhớ lại.

Nhưng rồi 2 vợ chồng không khỏi lo lắng bởi lấy đâu tiền cho con ăn học 3 năm ở thành phố (!?). Thế rồi điều may mắn đến với gia đình chị. Qua người quen, chị biết có  Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đức Linh cho vay Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn tại địa phương. Chị Nơi xúc tiến thủ tục vay vốn chương trình, kịp thời đóng học phí, trang trải tiền ăn học cho con gái vào trường cao đẳng. Cứ đầu mỗi học kỳ, gia đình chị được ngân hàng giải ngân, đáp ứng cơ bản chuyện học hành con cái… Tiếp đó, 3 đứa con khác của chị thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng đều nhận được khoản vay tín dụng chương trình học sinh, sinh viên. Tổng số tiền vay từ chương trình cho 4 đứa con hơn 90 triệu đồng; cùng đó chị sang nhượng ít đất rẫy lo cho các con… Nhờ nguồn vốn tiếp sức này, các con chị có điều kiện ăn học chu đáo, tốt nghiệp ra trường, kiếm được việc làm. Người con gái đầu dạy học Trường mẫu giáo Mai Hương (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), cô thứ 2 dạy trường mầm non ở Đức Linh; có người học lên cao học. Các con đi làm đã dành dụm trả hết tiền gốc còn lại cho Ngân hàng CSXH huyện Đức Linh.

Còn chị Trần Thị Duyên ngụ ở thôn 5, xã Đức Tân, Tánh Linh, trong lúc chưa biết tìm đâu ra tiền nộp học phí cho đứa con gái đậu trường đại học, được người quen giới thiệu Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên hoàn cảnh nghèo. Thông qua Tổ tiết kiệm Hội Phụ nữ xã, chị lần lượt vay tổng cộng 45 triệu đồng cho 2 đứa con vào học 2 trường (Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). Đây là khoản tiền chính để 2 con đóng học phí, mua tài liệu sách vở, thuê nhà trọ, ăn học thời sinh viên; bên cạnh một ít tiết kiệm của gia đình gửi thêm. 2 con chị đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, góp thêm tiền hỗ trợ mẹ trả xong nợ cho ngân hàng…

“Nhờ nguồn vốn tín dụng kịp thời ấy, không ít sinh viên nghèo ở các huyện miền núi trong tỉnh có điều kiện học hành, tìm kiếm việc làm, vươn lên trong cuộc sống”, một lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh cho hay. Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH các cấp trong tỉnh ngày càng được nâng lên kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đến giữa năm nay, tổng dư nợ nguồn tín dụng này đạt 2.859 tỷ đồng, tăng 1.187 tỷ đồng (tăng 71% so với 5 năm trước), với trên 100.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% các thôn, khu phố trong toàn tỉnh, góp phần giúp 32.700 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho trên 8.000 lao động; giúp trên 11.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 120 hộ nghèo và trên 145.000 hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh khu vực nông thôn; gần 17.000 hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh…

Thụy Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm tựa cho sinh viên vào đời