Theo dõi trên

Điều chỉnh những bất cập liên quan quản lý giáo dục

28/05/2020, 09:38

BT- Mặc dù phòng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cấp huyện, thị đã lâu không còn đảm trách nhiều công việc như trước đây, chỉ chuyên vào công tác chuyên môn, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần chấn chỉnh cho phù hợp với thực tế.

1. Việc phòng GD-ĐT không còn đảm trách nhiều phần việc như trước đây do thực hiện quy định phân cấp quản lý liên quan nhiều văn bản, bao gồm Thông tư liên tịch số 11/2015 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ... Theo đó, bắt đầu từ khoảng năm 2016, phòng GD-ĐT không còn làm những phần việc như tuyển dụng giáo viên, điều chuyển giáo viên từ trường này tới trường khác; lập dự toán ngân sách giáo dục hàng năm, phân bổ cho các cơ sở giáo dục... Hiện nay phòng chỉ làm công tác chuyên môn như thanh kiểm tra chuyên môn các trường học, sao lưu các công văn chỉ đạo của Sở GD-ĐT để gửi đến cho các trường trên địa bàn; thành lập các tổ cốt cán để đến các trường dự giờ, thăm lớp, đi học các chuyên đề, các phương pháp dạy học mới, tổ chức các buổi giao lưu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hội thi giáo viên dạy giỏi... Những phần việc không đảm trách được giao về cho các phòng, ban bao gồm phòng nội vụ, tài chính...

Phòng GD-ĐT cũng như các phòng, ban khác giúp UBND huyện, thị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực có liên quan ở địa phương. Một lãnh đạo phòng GD-ĐT cho biết: Trước đây phòng GD-ĐT đóng vai trò chủ đạo quản lý mảng giáo dục địa phương bao gồm quản lý cả các trường học, tuyển dụng, luân chuyển giáo viên... nhưng nay không còn, giao về các phòng khác, chỉ chuyên về lĩnh vực chuyên môn.

2. Việc quy định mới kéo theo nhiều thay đổi, thể thức văn bản, con dấu, bảng tên trường đều phải thay đổi lại cho phù hợp. Chẳng hạn về con dấu ở các trường, trước kia, vòng ngoài con dấu là phòng giáo dục thì nay đổi thành UBND huyện và ở giữa vẫn là tên trường. Tương tự, thể thức văn bản, trước đây ở góc trái ghi cơ quan chủ quản là phòng giáo dục, bên dưới là tên trường, nay là UBND huyện, thị, sau đó tên trường.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện quy định mới, nhưng dường như đâu đó vẫn còn dư âm của nếp cũ. Chẳng hạn, người dân, thậm chí cả cán bộ công chức vẫn chưa quen việc đến các phòng, ban khác giải quyết vấn đề liên quan giáo dục, mà cứ đến thẳng phòng giáo dục. “Phòng giáo dục đã lâu không còn chức năng giải quyết những vấn đề ngoài công tác chuyên môn, nhưng người dân, cán bộ công chức, thậm chí cả các cơ quan, tổ chức vẫn gửi hồ sơ hoặc đến phòng liên hệ công việc, yêu cầu xử lý, giải quyết... Có những người mang hồ sơ như xin việc, xin chuyển công tác... đến phòng nộp, không thấy nhân viên trực, gửi lại bảo vệ,  chúng tôi phải tìm cách liên hệ hướng dẫn rất bất tiện...”, một cán bộ phòng giáo dục chia sẻ.

Một vấn đề nữa, trong khi thể thức văn bản và con dấu đã thay đổi, nhưng phần lớn bảng tên trường thì chưa, có rất ít trường thay đổi cho phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình diễn ra niên học, người dân có bức xúc như học phí, tuyển dụng... có đơn khiếu nại, khiếu kiện đều đến phòng giáo dục. Trong khi đây thuộc trách nhiệm của phòng, ban khác... phòng giáo dục chỉ phối hợp làm nếu có liên quan. Các phòng, ban có liên quan này sẽ khó làm việc nếu phòng giáo dục - nơi nắm rất rõ về nội bộ của ngành, chỉ thực hiện đúng chức năng của mình. Điển hình như việc điều chuyển giáo viên ở các trường cần phải cân đối giữa các bộ môn nếu phòng giáo dục không nỗ lực phối hợp với phòng nội vụ dễ xảy ra nơi thiếu, nơi thừa.

3. Quy định đã rõ, cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, với quy định. Nếu cứ theo nếp cũ sẽ khó cho phòng giáo dục vì hiện biên chế của phòng đã cắt giảm. “Trước đây, vấn đề gì cũng tập trung cho phòng giáo dục cho nên tạo thói quen cho người dân và người trong ngành”, lãnh đạo Phòng Nội vụ TP. Phan Thiết thừa nhận.

Chính vì vậy, cần điều chỉnh lại các bảng tên trường cho nhất quán, tránh tình trạng thể thức văn bản quy định một đường, các bảng tên, bảng hiệu trường một nẻo. Theo Phòng Nội vụ, bảng tên của một số trường có vẻ chưa đúng vì trường do UBND ra quyết định thành lập và quản lý chứ không phải phòng giáo dục... Tất cả các phòng, ban, trường học đều có mối quan hệ phối hợp, nên cần hợp tác chặt chẽ giải quyết tốt những vấn đề tồn tại cho hợp lý.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điều chỉnh những bất cập liên quan quản lý giáo dục