Theo dõi trên

Đìu hiu tuyển sinh trung cấp, cao đẳng nghề

30/09/2019, 09:32

BT- So với các năm trước, việc tuyển sinh tại các trường nghề năm nay khá “chật vật”. Các trường hiện đang nỗ lực tự tìm giải pháp thu hút sinh viên học nghề, nhưng sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu từ nay đến cuối năm.

                
Lớp học nghề điện, điện công nghiệp tại    Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận. Ảnh: N.L

 Cùng chung nỗi niềm

Năm học 2019, Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận đưa chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cho 2 cấp trình độ trung cấp và cao đẳng là 610 học sinh sinh viên (HSSV). Số lượng năm nay thấp hơn 120 HSSV so năm học 2018 (730 HSSV). Tuy nhiên, đến thời điểm này, 450 hồ sơ, đăng ký nhập học các nghề như công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, quản trị khu resort… đạt 74% chỉ tiêu. Với nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí, may thời trang, 100% có việc làm ngay, nhưng rất ít hồ sơ đăng ký. Như vậy, trường còn 26% nữa mới hoàn thành chỉ tiêu trong 3 tháng cuối năm.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận năm 2019 là 250 HSSV gồm đào tạo ngành điều dưỡng, dược, hộ sinh (trình độ cao đẳng) và y sĩ đa khoa (trình độ trung cấp). Hiện nay, trường tuyển được 151 HSSV. Cụ thể, 20 sinh viên điều dưỡng, 112 sinh viên dược và 19 học sinh ngành y sĩ đa khoa. Riêng ngành hộ sinh chưa đủ chỉ tiêu biên chế lớp học. Bởi hồ sơ được đăng ký “đếm không đủ trên đầu ngón tay”.

Theo Phòng Đào tạo của 2 trường trên, việc tuyển sinh tại trường nghề năm nay khá “chật vật” so với các năm trước. Đây là xu hướng chung trên toàn quốc. Mặc dù nhà trường tiếp tục tuyển sinh vào 2 đợt nữa của 3 tháng cuối năm, nỗ lực tìm lối thoát, nhưng sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu. Bởi tại thời điểm này, phần lớn các học sinh đã ổn định việc học. Một số ít ở nhà phụ giúp gia đình do hoàn cảnh khó khăn, neo đơn; hoặc còn phân vân chưa định hướng việc học.

 Muôn vàn cái khó

Thầy Nguyễn Đăng Khoa (Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận) phân tích: Nguyên nhân là do phụ huynh và học sinh đánh giá chưa  đúng vai trò của kỹ năng nghề, xem trọng bằng đại học, dẫn đến học sinh nộp hồ sơ vào trường nghề ít. Đáng chú ý, đầu vào các trường đại học rộng mở với phương thức tuyển sinh chỉ xét học bạ, điểm chuẩn hạ thấp, thời gian tuyển sinh dài đã tạo điều kiện thu hút học sinh vào học. Vì vậy, nhiều trường nghề cạnh tranh, tuyển không đủ chỉ tiêu. Mặt khác, khu công nghiệp trong tỉnh chưa phát triển mạnh để tiếp nhận lượng sinh viên ra trường. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên đến tỉnh khác làm việc, tác động đến tâm lý HSSV ngại làm xa.

Theo Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, bên cạnh các trường đại học tuyển sinh khá “thoáng”, thu hút gần hết sinh viên, thì sinh viên tốt nghiệp nghề chăm sóc sức khỏe đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp nghề điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ, các sinh viên rất khó xin việc làm tại các cơ sở điều trị trong tỉnh. Hơn thế nữa, mức lương cho các vị trí việc làm này quá thấp, không tương xứng áp lực và trách nhiệm công việc. Bởi thế, người đi trước rỉ tai người đi sau về khó khăn trên, làm “chùn bước” học sinh nộp hồ sơ vào trường cao đẳng y tế. Thay vì học vì đam mê, một số sinh viên học do định hướng của gia đình, học cho bằng bạn bằng bè; dẫn đến nản học và bỏ học nửa chừng… Một số doanh nghiệp, đơn vị cho rằng: Phần lớn sinh viên ra trường không đáp ứng ngay được yêu cầu vị trí việc làm. Sau tuyển dụng, các đơn vị phải đào tạo lại kỹ năng, kiến thức, tác phong… tại doanh nghiệp.

 Kết nối, nâng chất lượng

Hiện nay, các trường tập trung tư vấn định hướng vào năm lớp 9. Một trường THCS có quá nhiều trường ĐH, CĐ đến tư vấn, điều này làm cho học sinh hoang mang, “bội thực” thông tin trong thời gian ngắn. Vì thế, các trường phối hợp xây dựng kế hoạch tư vấn, định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu cấp theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nhằm có khoảng thời gian tốt cho học sinh tìm hiểu ngành nghề. Song song đó, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội là đầu mối quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ dự tuyển vào giáo dục nghề nghiệp; tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh; thực hiện tuyển sinh, phân luồng học sinh sau THCS, THPT theo Văn bản số 668 ban hành 26/4/2019 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Đó là đề xuất của thầy Khoa nhằm thu hút học sinh vào trường nghề.

Theo Phòng Đào tạo của Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, để đạt chỉ tiêu, nhà trường kéo dài thời gian tuyển sinh, nghĩa là tuyển sinh quanh năm, chia thành nhiều đợt bổ sung vào các ngành đào tạo. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, liên hệ các cơ sở y tế cho sinh viên thực tập và giới thiệu việc làm. 

Với mục tiêu đảm bảo chuẩn đầu ra cho người học có thể làm việc, thiết nghĩ, các trường nghề nên “kéo” doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cùng tham gia đào tạo giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trực tiếp. Hay nói cách khác, trường nghề và doanh nghiệp, nhà tuyển dụng cần cái bắt tay chặt chẽ, có sự gắn kết không thể tách rời nhau. 

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đìu hiu tuyển sinh trung cấp, cao đẳng nghề