Theo dõi trên

Đọc sách để làm gì…

10/05/2019, 08:43

 BT- Nhân “Tuần lễ sách” vừa trôi qua, cùng nhóm bạn bàn về sách, nói tỷ lệ người Việt đọc sách hiện nay xếp vào nhóm thấp nhất thế giới, gợi chúng tôi suy nghĩ loanh quanh về chuyện đọc.

                
Học sinh đọc sách tại thư viện trường. Ảnh    minh họa

 Kỷ niệm khó quên

Hồi học phổ thông (trước 1975), chúng tôi chưa nghe các cụm từ rất kêu như “xây dựng phong trào văn hóa đọc”, cũng chưa thấy nơi đâu tổ chức “tuần lễ sách”, nhưng phần đông học sinh rất mê đọc. Anh bạn tôi mê đọc đến nỗi trong giờ học toán mà đút sách dưới hộc bàn chúi mắt vào đọc chẳng còn biết gì chung quanh; bỗng một mẫu phấn bay vút đánh “bốp” vào đầu, anh mới giật mình, hỏi, đứa nào? Cả lớp cười ồ, ngước lên, mới biết tài búng phấn nổi tiếng của thầy dạy toán. Thầy hỏi anh đọc sách gì, anh thưa “Câu chuyện dòng sông” của Hermann Hesse(*). Cứ ngỡ thầy sẽ nổi nóng quát cho, nhưng không, thầy lặng mấy giây rồi nói, biết chọn sách hay để đọc là tốt, nhưng đọc không đúng lúc là xấu. Có bạn hỏi khẽ, thầy đọc rồi a? Thầy gật đầu, rồi yêu cầu nghiêm túc tập trung nghe giảng. Cùng thời điểm ấy, cô giáo dạy Văn ra đề nghị luận: “Mỗi lần đọc xong cuốn sách thấy mình lớn hơn một tí”. Đến khi trả bài, cô khen lớp đọc sách nhiều, nhưng bài làm nổi trội hơn cả là của Sơn (tức của anh bạn đọc tiểu thuyết trong giờ học toán), biết đưa ra ý kiến, nếu đọc chỉ dừng lại ở mức tiếp nhận không khác gì cái kho để chứa kiến thức, mà phải biết từ sách rút ra để tự điều chỉnh hành vi, để định hướng ứng dụng vào đời mới là điểm đến của đọc sách.

 Khảo sát một ngôi trường

Chợt nhớ đến bài “Học sinh đọc sách” (Sơn Quê viết) trên Bình Thuận thứ hai (21/1/2019) giới thiệu vài nét về tinh thần đọc sách của học sinh Trường THPT Phan Thiết, lại nghe thông tin trường phát động phong trào “chơi xuân đọc sách” trong Tết Kỷ Hợi vừa qua, xem ra ngày tết mà ngồi đọc sách đối với học sinh là cả vấn đề, không biết kết quả thực hư thế nào, hay cũng rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.   

Vào thực tế, thấy trường đã đầu tư xây dựng biện pháp để kích thích học sinh từng bước tự nguyện đến với sách trong nhiều năm nay. Không biết nơi nào đã thực hiện như Trường THPT Phan Thiết chưa, đối với những học sinh xếp vào danh sách rèn luyện trong hè, trường không gửi về địa phương, mà tập trung về trường quản lý. Kế hoạch đánh giá rèn luyện, chấm theo tỷ lệ 3/4 cho việc đọc sách, 1/4 cho việc công việc khác; phân công giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý theo dõi giúp đỡ, giới thiệu sách cho học sinh nên chọn cuốn nào; đọc ở trường chưa hết đem sách về nhà đọc tiếp; đọc xong viết ngắn gọn nhận thức của bản thân về nội dung cuốn sách. Không ngờ phần đông trong những đối tượng học sinh này chuyển từ bắt buộc sang tự nguyện hào hứng đam mê, tự điều chỉnh hành vi của mình trong văn hóa ứng xử, lại tác động lan tỏa cho bạn bè trong lớp đến với sách.

Số đầu sách học sinh mượn để đọc trong Tết Kỷ Hợi đến 493 cuốn, trong những bài viết cảm nhận, chúng tôi rất chú ý đến bài viết của hai học sinh. Hai học sinh này đến thư viện hơi trễ, nên những sách hay thích đọc, bạn bè đến trước mượn hết rồi. Thế là, một nữ sinh vào kệ tìm mượm cuốn “Các bài thuốc chữa bệnh đường ruột”. Đọc xong sách, em nói hay quá, hóa ra các vị thuốc trong củ quả lá hoa đang ở quanh ta vô cùng quý giá mà ta không biết, nhưng điều quan trọng là nó tác động vào nhận thức của em đang mơ về ngành dược học để giúp cho đời. Em thứ hai (là nam sinh) mượn cuốn “Những món ăn ngày lễ, tết”, khi đọc sách thấy giới thiệu rất nhiều món, cách thức làm món ăn, tự nhiên thích thú, em quyết định bàn với mẹ cho em tự nấu lẩu để đãi cả nhà ăn vào chiều 30 tết. Không ngờ khi ăn, cả nhà ai cũng khen ngon, khác ở ngoài quán nhiều. Em biết chỗ khác và ngon đó là tự em thay đổi một vài gia vị cho phù hợp với khẩu vị của gia đình. Em nói lúc ấy tự nhiên liên tưởng đến những đầu bếp nổi tiếng thế giới từ xưa đến nay hầu như tất cả đều là đàn ông chứ chưa thấy đàn bà, mà mình chính là thằng đàn ông.

Đọc những lời cảm nhận của hai em, thấy đơn giản mà ý nghĩa làm sao, lại gợi nhớ đến lời cô giáo dạy chúng tôi khi nhận xét bài nghị luận của bạn Sơn trong quá khứ.

    
      (*). Hermann Hesse – nhà thơ, nhà văn, họa sĩ người Đức, được tặng Giải   Goethe và Giải Nobel Văn học. Câu chuyện dòng sông, Nxb An Tiêm, Sài   Gòn, tái bản năm 1967. 

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc sách để làm gì…